Lao đao vì miến
Khổ vì phơi miến
Về xã Minh Khai, Hoài Đức, Hà Nội vào mùa sản xuất chính, người dân nơi đây lúc nào cũng tất bật kéo xe chở các phên miến phơi trải dọc triền đê và khắp các cánh đồng.
Mỗi ngày, một hộ gia đình ở Minh Khai phải sản xuất ra hàng tấn miến mới đáp ứng kịp nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Cả mấy cánh đồng phơi miến của xã cũng thiếu nên người dân phải tận dụng hết con đê, bờ mương, thậm chí đi sâu vào trong làng là hàng giàn phên mì, miến phơi trải dài.
Sản xuất với lượng lớn miến cung cấp cho thị trường, mặc dù các hộ dân đã tận dụng hết đất đai của gia đình để phơi nhưng vẫn không đủ, nhiều hộ phải thuê hàng mẫu ruộng để phơi.
Chị Phương, một hộ dân làm miến xã Minh Khai cho hay, xưởng làm miến của gia đình chị một ngày có thể làm được hơn một tấn miến, vất vả nhất ở công đoạn phơi miến. Vào ngày nắng to thì chỉ cần phơi một nắng là miến đã khô còn những ngày mưa xưởng chỉ sản xuất cầm chừng, vẫn phải mang miến ra phơi nhưng vừa phơi vừa phải chạy mưa.
Với công nghệ phơi miến thủ công, bà con thường tranh thủ những ngày nắng kéo hàng xe bò miến ra đồng phơi., Nhưng gặp phải ngày mưa, công việc phơi miến vất vả lên gấp bội. Chúng tôi về đúng lúc cơn mưa rào ấp đến. Họ vội vàng cho miến lên xe bò, khi vừa xếp xong các phên miến lên xe, mưa tạnh. Còng lưng xếp miến ra, trời lại đổ mưa. Cứ thế phơi rồi cất mất cả buổi sáng. Cuối cùng họ phải ngậm đắng chấp nhận để miến ướt hoặc dùng bạt che lại, chờ nắng ráo để phơi.
Theo anh Duy, một cơ sở sản xuất miến có tiếng ở Minh Khai, miến được phơi dưới trời nắng sẽ dai và ngon hơn rất nhiều. Sử dụng công nghệ sấy khô miến sẽ mất đi độ ngon và giòn. Không chỉ vậy, chi phí đầu tư máy móc để sấy miến cũng rất đắt đỏ. Miến được làm ra ngon nhất là vào khoảng tháng 10, bởi khi ấy nhiều nắng, tiết trời hanh khô rất thuận lợi để miến nhanh khô, trắng, có sợi dai và bền, cho ra thành phẩm đạt chất lượng tốt nhất.
Miến được bán ở đây để ở hai dạng, miến đóng túi và miến trần. Miến đóng vào túi được bán với giá 25.000 đồng/ 1 kg. Miến trần thì giá giảm từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng cho 1 kg. Giá miến tăng hay giảm tùy từng thời điểm giá bột dong.
Giải thích có sự chênh lệch về giá hai loại miến này, anh Duy chia sẻ, miến để đóng vào bao bì phải là miến được phơi khô, đóng túi và chất lượng tốt hơn. Còn miến trần có thể chưa được khô rõ và không có bao bì nên không được bảo đảm bằng. Một tấn miến để trần có thể dôi ra khoảng từ 5 kg đến 10 kg thành phẩm so với miến đóng túi. Xưởng sản xuất của anh Duy không chỉ bán cho khách mua buôn mà người mua lẻ nửa cân hay một cân anh cũng tất tưởi phục vụ.
Những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Để phục vụ cho việc phơi miến, nhiều gia đình phải tận dụng hết đất nhà và thuê đến cả một mẫu ruộng với giá 2 triệu/sào/năm vẫn không đủ nên phải phơi tràn nên hết cả triền đê. Miến được phơi trên các cánh đồng sẽ sạch sẽ hơn là miến ở bờ đê, mặt đường.
Anh Duy cho biết thêm, những ngày mưa liên tục, miến sản xuất ra không được phơi ngay sẽ hỏng hết. Sản xuất ra với số lượng nhiều nên nhiều hộ gia đình phải trộn thêm một số loại chất phụ gia như thuốc tẩy, phèn chua làm cho miến được trắng, dai và để được lâu. Miến loại này được bán với giá rẻ hơn, nhưng tất nhiên không đảm bảo chất lượng cũng như an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Ô nhiễm môi trường làng nghề cũng là vấn đề đáng lo ngại của các hộ dân nơi đây. Chỉ cần đi trên bờ đê là cũng đã nhận ra cái mùi chua, mùi thối của nước thải, chất thải từ sản xuất tinh bột, miến dong đổ ra cống rãnh, ao hồ hai bên đường bốc lên.
Lâu nay, người tiêu dùng vẫn sợ miến phơi ngoài đường bụi bặm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng ai hiểu cho nỗi khổ của những người làm miến là họ thiếu mặt bằng sản xuất, công nghệ làm miến vẫn thủ công, chưa có tính quy hoạch để miến phát triển. Vấn đề đặt ra cho chính quyền địa phương là phải tìm hướng quy hoạch phát triển nghề làm miến sao cho có hiệu quả, để người dân yên tâm sản xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo