Tin tức - Sự kiện

Lao động nam cũng được hưởng chế độ thai sản

Theo quy định mới của Luật bảo hiểm xã hội được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/11 tại kỳ họp thứ 8, lao động nam cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con.

Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)

Cụ thể, Điều 34 của Luật quy định, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ 05 ngày làm việc; 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con. 

Ngoài quy định về thời gian lao động nam được nghỉ khi vợ sinh con, Luật còn quy định trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.
 
Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
 
Ngoài ra, Luật bảo hiểm xã hội sẽ có một số quy định mới khác được thông qua như sau:
 
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
 
Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội bổ sung quy định hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
Bổ sung quy định người hoạt động không chuyên trách cấp xã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có sự hỗ trợ của Nhà nước trong phạm vi hai chế độ hưu trí và tử tuất, trong đó Nhà nước đóng 14%, người lao động đóng 8%.
 
Điều kiện hưởng lương
 
Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu. Thực tế hiện nay, cán bộ nữ ở xã, phường, thị trấn khi đủ 55 tuổi đã có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội khó có điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu theo quy định. Do vậy Luật quy định về khoảng cách thời gian như trên là hoàn toàn phù hợp.
 
Mức lương hưu hàng tháng
 
Từ ngày 01-01-2016 (thời điểm Luật có hiệu lực hi hành) đến trước ngày 01-01-2018, mức lương hưu của người đủ điều kiện theo Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì được tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.
 
Từ ngày 01-01-2018, mức lương hưu của người đủ điều kiện theo Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lượng tháng đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại Luật này tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau: lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ 2020 trở đi là 20 năm; lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
 
Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Người lao động suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu thì mức lương hàng tháng được tính theo  cách tính chung nhưng mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì giảm 2%.
 
P.V
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo