Quốc tế

Lào kêu gọi ủng hộ đàm phán song phương về Biển Đông

(DNVN) - Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei của Nhật hôm 30/5 đã kêu gọi các nước có tranh chấp ở Biển Đông giải quyết bất đồng thông qua đối thoại song phương.

Trong khi Việt Nam và Philippines muốn đàm phán đa phương với sự tham gia của nhiều nước để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, thậm chí Philippines còn kiện Trung Quốc ra tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) về tranh chấp trên vùng biển này thì Lào mới đây lại muốn các bên giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương.

Phát biểu của Thủ tướng Thongloun được đánh giá quan trọng, do năm nay Lào giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. 

"Với tư cách chủ tịch ASEAN, Lào sẽ nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc đối thoại tích cực giữa những quốc gia tranh chấp", ông Thongloun nói với tờ báo The Nikkei (Nhật Bản). Ông cũng đề nghị các nước kiềm chế, tránh có hành động có thể khiến căng thẳng gia tăng.

Như vậy, Lào đã nêu rõ quan điểm sẽ ủng hộ giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng cơ chế đàm phán song phương thay vì đa phương. Đây cũng là quan điểm bấy lâu của chính quyền Trung Quốc.

Đối thoại song phương là biện pháp mà Trung Quốc mong muốn áp dụng trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Nước này từ chối các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết căng thẳng. Tuy nhiên, các nước có tranh chấp trên Biển Đông lo ngại khi đàm phán song phương, Bắc Kinh có thể dùng uy thế về kinh tế, quân sự của mình để lấn át đối thủ đàm phán hòng đem lại những điều khoản có lợi cho họ.

Việt Nam từng nhiều lần nhấn mạnh một số tranh chấp như ở quần đảo Trường Sa không thể đàm phán song phương mà phải theo cơ chế đa phương vì có nhiều bên cùng tranh chấp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình từng cho biết lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, đã được nhắc lại nhiều lần. Ông Bình lý giải, đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước, Việt Nam theo đuổi biện pháp giải quyết song phương, đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, ví dụ như quần đảo Trường Sa, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà cần có sự tham gia của các bên liên quan.

 

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Bắc Kinh còn cải tạo đất, xây dựng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, biện hộ rằng các cơ sở nhằm phục vụ tìm kiếm, cứu nạn trên biển và mang lại lợi ích cho cả những nước khác.

Philippines đã kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague, Hà Lan, và đang chờ phán quyết của tòa trong vụ kiện. Philippines cũng đang kêu gọi các nước ASEAN ra một tuyên bố chung về phán quyết của tòa án trọng tài nhằm thể hiện sự đoàn kết của khối trong vấn đề Biển Đông. 

Tuy nhiên, theo The Nikkei, Thủ tướng Lào đã thể hiện một lập trường thận trọng đối với việc ra một tuyên bố chung như vậy. Ông Thongloun nói rằng các nước ASEAN nên đưa ra quyết định về vấn đề này “một cách thận trọng, dựa trên tình hình thực tế”.

Hiện nay, 10 nước ASEAN có quan điểm không nhất quán về việc ra một tuyên bố chung về vấn đề biển Đông. Một số nước như Singapore ủng hộ ý tưởng này, trong khi một số khác như Campuchia còn phản đối. Cả Campuchia và Lào đều có mối quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc.

 

 

Nên đọc



Thu Phương
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo