Khám phá

Lão nông Hải Dương có biệt danh “vua sáng chế“

Thật bất ngờ khi thăm xưởng sản xuất của ông Nguyễn Văn Chế (SN 1962) ở thôn Thụy Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Bởi chỉ với trình độ văn hóa 7/10 và chưa một ngày qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí, nhưng ông có trong tay hàng loạt sáng chế khiến nhiều người phải trầm trồ, khen ngợi.

Ông Chế bên những sáng chế của mình.

 

Người nông dân ham học hỏi

 

Ông Chế sinh ra và lớn lên trong một gia đình có tới 6 anh chị em. Là con thứ 2 nên mới học lên lớp 7 ông đã phải nghỉ học cùng bố mẹ lo toan cho các em. Cuộc sống nhà nông vất vả kể cả khi vụ mùa bội thu. Chứng kiến cảnh nhà nông một nắng hai sương, làm ra nông sản nhưng không tiêu thụ hết thành đồ bỏ đi, cùng những vất vả trên đồng ruộng bởi năng xuất lao động thấp do chủ yếu là làm thủ công, ông thấy rất đau lòng.
 
Trong khi đó, đồng đất Nam Trung từ lâu đã biết đến là xã trồng nhiều cây vụ đông nhất huyện Nam Sách, Hải Dương. Thông thường, bà con phải chi khoảng 350.000 đồng/sào cho khâu làm đất, chiếm gần một nửa chi phí sản xuất. Vào vụ đông, người dân nơi đây phải chạy ngược, chạy xuôi thuê máy móc, nhân công để làm cho kịp thời vụ. Nhiều nhà không thuê được bị chậm thời vụ hoặc giảm diện tích canh tác.
 
Từ thực tế trên, ông Nguyễn Văn Chế đã mày mò nghiên cứu, chế tạo thành công lưỡi cày lên luống. Ông cho biết: “Có được lưỡi cày lên luống trồng cây vụ đông là do tôi thấu hiểu nỗi vất vả của người làm nông nghiệp, từ đó tôi mới nảy ra ý định làm một chiếc cày đa năng, không chỉ cày được mà còn có thể lên luống”.
 
Từ cuối năm 2008, ông bắt đầu biến ý tưởng thành hiện thực. Ban đầu, ông vẽ phác thảo các bộ phận, chi tiết, tính toán công dụng của lưỡi cày trên giấy. Sẵn có vật liệu trong xưởng, ông chế tạo ngay. Ông hì hục, cắt sắt, hàn xì, bắt ốc… Làm xong cái đầu tiên, ông gắn lưỡi cày lên luống để chạy thử. Lần đầu tiên chạy thử, lưỡi cày không lên luống được, chỉ kéo một vệt dài sâu ở mặt ruộng. Sau thất bại này, ông không nản, lại tiếp tục nghiên cứu sản xuất lưỡi cày và cho thử nghiệm... Ông Chế không còn nhớ được mình đã phải bỏ đi bao nhiêu sản phẩm làm thử. Sản phẩm hỏng chất đống trong nhà nhưng ông không nản.
 
Với nhiều người khi thất bại thì nản, nhưng đối với ông, mỗi lần thử nghiệm thất bại là một lần ông có thêm quyết tâm, phải làm bằng được, thậm chí có hôm thức trắng đêm để hàn, gò, thay đổi kết cấu sản phẩm rồi gia công, lắp đặt. Cuối cùng, sau một năm mày mò nghiên cứu, đến năm 2009, chiếc lưỡi cày đa năng của ông Chế được trình diễn thành công trước sự chứng kiến của hàng trăm nông dân xã Nam Trung.
 
Về cấu tạo, lưỡi cày nặng khoảng 20kg, thiết kế theo hình chữ V, nó được tạo nên bởi hai thanh lập dài 50cm hàn lại với nhau (phía bên trên), gắn vào chung một trục sắt và một tấm sắt dày, tôi cứng làm thành mặt lưỡi cày. Mặt lưỡi cày mỗi bên có kích thước chiều rộng là 18cm, dài 40cm, được uốn hơi thoải, hàn vào mép trên hình chữ V, mép giữa hàn với nhau tạo thành hình giống mũi thuyền. Mép dưới cũng dùng thanh lập dày 0,9cm hàn lại theo hình thoải ra. Sau khi tạo được mặt lưỡi cày, mặt trong lưỡi được hàn cố định vào thanh lập dày 0,8cm tạo thành chiều đứng, khoan lỗ phía trên và khoảng giữa của thanh lập dùng để bắt ốc gắn vào trục ngang của dàn phay đất máy cày. Có thể điều chỉnh lưỡi cày nâng lên, hạ xuống để cho phù hợp với độ cao thấp của luống đất. Khi máy cày lật đất đi đến đâu, lưỡi cày làm đất sẽ tạo thành những luống đều nhau đến đó, các luống đều tăm tắp, đất tơi, xốp, nhỏ đảm bảo cho sản xuất.
 
  Lưỡi cày lên luống đem lại hiệu quả thiết thực.
 
Trở thành “vua sáng chế”
 
Ông Chế chia sẻ: “Người dân quê tôi có truyền thống làm cây vụ đông từ lâu. Nhưng công đoạn làm đất lúc nào cũng rất vất vả do thời vụ cập rập. Nhiều năm trở lại đây, máy cày giúp người dân làm đất, vằm nhỏ, tuy nhiên sau đó vẫn phải dùng trâu cày luống, hoặc dùng sức người để kéo đất lên thành luống. Thế nhưng, việc thuê trâu, nhân lực khá khó khăn, giá thành cao. Với việc chế tạo thành công lưỡi cày làm luống này, tôi rất vui vì đã thiết thực giúp người nông dân đỡ vất vả hơn, chi phí giảm đi một nửa mà vẫn bảo đảm thời vụ trong làm đất vụ đông”.
 
Thực tế sản xuất trên đồng ruộng cho thấy, lưỡi cày làm luống do ông Nguyễn Văn Chế sáng chế đã mang lại hiệu quả lớn cho người dân giảm 50-60% chi phí làm đất, giảm nhân công, rút ngắn thời gian làm đất. Chính vì vậy, lưỡi cày lên luống đã được nông dân tại các tỉnh có phong trào làm vụ đông mạnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình.... biết đến, mua sử dụng ngày càng tăng. Đến nay, sản phẩm của ông đã có mặt trên 63 tỉnh thành cả nước với giá bán 1 triệu đồng/cái.
 
“Tôi rất muốn mở rộng sản xuất để nhiều nông dân được sử dụng máy móc với giá rẻ, nhưng cái khó bó cái khôn, đi vay ngân hàng thì người ta đòi phải có thế chấp. Nông dân như chúng tôi thực sự đang làm khoa học theo kiểu “tay không bắt giặc”, cố gắng duy trì sản xuất theo đơn đặt hàng của bà con đã là tốt lắm rồi” - ông Chế nói.
 
Hiện tại, xưởng sản xuất của ông Nguyễn Văn Chế đang giải quyết việc làm cho 8 lao động với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. “Tôi chỉ mong được hỗ trợ vay vốn để mở rộng sản xuất, vừa giải quyết thêm việc làm cho lao động địa phương vừa để những sáng chế của mình đến được nhiều nông dân, giúp ích cho sản xuất”, ông Chế nói.
 
Sáng chế “sản xuất lưỡi cày lên luống trồng cây vụ đông” của ông Chế đã được giải C tại Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn tỉnh Hải Dương lần thứ III năm 2011. Ngoài ra, đến nay, ông đã có nhiều sáng chế hay, thiết thực đối với sản xuất nông nghiệp như: Máy phay thái hành tỏi, máy sử dụng quạt gió tỏa nhiệt giúp cho việc sơ chế hành tỏi… Nhờ những phát minh thiết thực này, ông được mệnh danh là “vua sáng chế”.
 
Ông Lê Công Hiền - Chủ tịch UBND xã Nam Trung - cho biết: “Sản phẩm lưỡi cày lên luống, làm đất trồng cây vụ đông của ông Chế đã được sử dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả to lớn, giải phóng sức lao động cho người nông dân, giảm chi phí khâu làm đất 200.000 - 210.000 đồng/sào. Mỗi năm, xã Nam Trung trồng gần 200ha cây vụ đông, sử dụng sản phẩm này đã giúp nông dân tiết kiệm trên 1 tỉ đồng công lao động, rút ngắn thời gian làm đất 10-15 ngày/vụ. Là một nông dân thuần túy, chưa qua bất kỳ một trường đào tạo cơ khí, nhưng bằng kinh nghiệm thực tế, lòng đam mê sáng tạo, nhiều sáng chế nông nghiệp của ông Chế đã giúp bà con nông dân dần giải phóng được sức lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất...”. Ngoài giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn, sản phẩm này của ông Chế còn đạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ VI.
 
 

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN), đơn vị này đã tiếp nhận 76.659 đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, đề nghị cấp bằng sáng chế các loại, trong đó có 4.169 đơn sáng chế, 331 đơn giải pháp hữu ích, 2.129 đơn kiểu dáng công nghiệp, 31.184 đơn nhãn hiệu quốc gia, 4 đơn chỉ dẫn địa lý…, tuy nhiên Cục Sở hữu trí tuệ không có thống kê chính thức xem có bao nhiêu sáng chế của nông dân.

Theo Lao động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo