Thị trường

Lấy đâu 12 tỷ USD đầu tư cho Vân Đồn?

Muốn phát triển đặc khu kinh tế, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là phải đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng nguồn lực nào để đầu tư, khi Quảng Ninh xác định cần tới 12 tỷ USD cho đầu tư phát triển Vân Đồn?

“Không có đường tắt cho việc phát triển các đặc khu kinh tế. Muốn nhà đầu tư vào đặc khu, cần đầu tư cơ sở hạ tầng”. Ông Andrew Grant, Giám đốc McKinsey & Company Singapore đã phát biểu thẳng thắn như vậy khi đưa ra các khuyến nghị cho Quảng Ninh trong phát triển Đặc khu Kinh tế Vân Đồn.

Đó cũng chính là điều được GS. Vương Tô Sinh (Trường đại học Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc) nhắc tới. Theo ông Sinh, nhiều nhà đầu tư sẽ không muốn vào đầu tư tại các đặc khu kinh tế ngay từ giai đoạn đầu, vì còn nhiều rủi ro. “Họ chỉ muốn sau khi hạ tầng hoàn tất mới đến xây dựng dự án của mình. Vì thế, để đặc khu kinh tế có thể phát triển, giai đoạn đầu phải tập trung nguồn lực cho cơ sở hạ tầng và trong giai đoạn này, Nhà nước nên đầu tư”, ông Sinh nói.

Thông tin được ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh công bố, trong Đề án Phát triển Đặc khu Kinh tế Vân Đồn mà tỉnh Quảng Ninh xây dựng, thì để có thể phát triển Vân Đồn, giai đoạn 2014 - 2030, sẽ cần tới 12 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn đầu (2014 – 2020), cần đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, với nhu cầu vốn đầu tư lên tới 5,2 tỷ USD.

Câu hỏi đặt ra là, nguồn lực ở đâu và làm sao huy động được?

Theo GS. Lý Quốc Hoa, Trợ lý Viện trưởng Viện Kinh tế, Đại học Thượng Hải (Trung Quốc), đầu tư cho một đặc khu kinh tế được chia làm 2 giai đoạn. “Giai đoạn đầu, khi mới xây dựng, vẫn cần nguồn vốn của Nhà nước, nhưng sau đó, nên sử dụng nhiều hơn nguồn lực từ thị trường. Trước hết, phải tự làm, khi phát triển được một mức độ tương đối, thì thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Nên thông qua thị trường để huy động vốn, phải giải quyết vấn đề tiền từ góc độ thị trường”, GS. Hoa nói.

Hai giai đoạn đầu tư sẽ ứng với những cơ chế, chính sách khác nhau. “Giai đoạn đầu, vì vốn Nhà nước ít, nên phải huy động vốn từ đất đai”, GS. Sinh chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển Đặc khu Thâm Quyến.

Trong khi đó, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, giai đoạn đầu, để huy động nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, cần có những chính sách tài chính đủ mạnh. Giai đoạn sau, để thu hút nhà đầu tư, phải có những chính sách ưu đãi vượt trội.

“Quan trọng là phải làm sao thuyết phục được nhà đầu tư rằng, họ sẽ có lợi khi đầu tư vào Vân Đồn. Cho đến nay, ưu đãi ở Việt Nam vẫn rất thấp so với thế giới. Như vậy, cần phải vượt khung ưu đãi, nhưng vượt khung thế nào thì cần phải bàn”, ông Thiên nói và nhắc đến kinh nghiệm của Dubai khi không hề thu thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà đầu tư, nhưng vẫn có nguồn thu lớn, vì họ chuyển từ thu thuế sang thu phí và các khoản thu cố định.

“Liệu Việt Nam có thể làm thế không, hay khi ưu đãi thuế cao, Bộ Tài chính sẽ hỏi, thế Nhà nước được những gì? Theo tôi, có thể di chuyển nguồn thu sang thứ khác mà vẫn đảm bảo sự hài lòng của nhà đầu tư”, ông Thiên nói và một lần nữa nhắc lại việc cần thiết phải phát triển Đặc khu Kinh tế Vân Đồn.

“Làm thế không phải chỉ vì Quảng Ninh, mà vì Việt Nam thực sự cần có một vùng động lực tăng trưởng như vậy”, ông Thiên khẳng định.

Không chỉ là các cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư, theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để có thể phát triển thành đặc khu kinh tế, còn rất nhiều vấn đề cần cân nhắc, như có nên phát triển thị trường tài chính - ngân hàng ở Vân Đồn không, cơ chế ngoại hối ra sao…?

“Đã gọi là đặc khu thì phải có đặc quyền, đặc lợi, được phân cấp, phân quyền rõ ràng, có đặc lợi cho những người tham gia phát triển đặc khu và làm sao hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước và chủ đầu tư”, ông Tú nói và cho rằng, cần một đề án hoàn chỉnh về vấn đề này, nhằm làm sao Vân Đồn có được một cơ chế tài chính - tiền tệ đủ mạnh để huy động mọi nguồn lực trong xã hội.

Theo Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo