Lễ hội tình nhân kỳ lạ giữa đại ngàn Trường Sơn
Thẳm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn là nơi sinh sống của đồng bào Ma Coong (trú ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Nơi hoang vu ấy, như sự u tịch của rừng già, đời sống của tộc người thiểu số này còn tồn tại rất nhiều những điều kỳ bí…
Và, lạ lùng nhất ở thung lũng cách trở này là đêm tình nhân được tổ chức vào 16 tháng giêng hằng năm… Đêm tình đó, trai gái được tự do yêu đương, được tự do đến với nhau mà ít bị ràng buộc bởi những luật tục ngặt nghèo. Chính vì thế, nhiều đứa trẻ đã ra đời mà không biết ai là cha mình…
Cô độc giữa thâm sơn
Chiến tranh chống Mỹ, khi Đông Trường Sơn bị tấn công dồn dập, để liên tục chi viện cho chiến trường miền Nam, ta đã mở con đường huyết mạch dài hơn 120 cây số này. Dưới tán rừng Trường Sơn, hàng vạn thanh niên xung phong cùng với bộ đội đã đêm ngày bạt núi, phá đá dưới mưa bom bão đạn điên cuồng của quân đế quốc.
Với ý chí dành tất cả cho đồng bào miền Nam ruột thịt nên chỉ sau hơn 4 tháng thi công, bắt đầu từ Tết Bính Ngọ năm 1966, con đường này đã hoàn thành. Tuy nhiên, đã có hàng ngàn thanh niên xung phong, bộ đội anh dũng ngã xuống. Máu trộn bùn tươi, quện lốp xe ra tiền tuyến.
Bây giờ, đường 20 Quyết Thắng vẫn vô cùng khó đi. Dốc nối dốc, vực kề vực, gồ ghề, lởm chởm. Càng tiến vào sâu con đường càng thêm nhày nhụa. Những tia nắng mặt trời rủ nhau tắt lịm sau những tán rừng đen thẫm. Đêm buông. Xe chẳng thể đi nhanh mà cứ dò dẫm trên đường. Mỗi tiếng động của rừng đều khiến những thành viên trong đoàn chúng tôi giật mình.
Trước khi vào đây, hạt trưởng hạt kiểm lâm Phong Nha- Kẻ Bàng đã bảo, rừng còn rất nhiều thú dữ. Bởi lời dặn ấy nên chúng tôi cứ người nọ bám sát người kia, chẳng dám băng lên theo kiểu người sau kẻ trước.
Sau một đêm ngủ nhờ ở lán canh rừng của một tổ kiểm lâm, sáng hôm sau, mất hơn giờ vượt rừng nữa chúng tôi đã đến được trung tâm xã Thượng Trạch. Theo sự chỉ dẫn của những “nhà thám hiểm” đi trước, người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là ông Đinh Xon, chủ đất ở vùng này.
Nếu như vài chục năm trước đây, khi người Ma Coong vẫn còn sống trong mông muội, phụ thuộc vào tự nhiên thì chức danh chủ đất tạm hiểu như là người cai quản cả vùng. Mọi việc dù lớn hay nhỏ trong cộng đồng đều do chủ đất quyết định.
Tuy nhiên, khi người Ma Coong có chính quyền thì chức danh chủ đất chỉ mang ý nghĩa tinh thần, như chức vụ già làng của các dân tộc vùng Tây Nguyên. Chức vị này được truyền từ đời này qua đời khác theo kiểu cha truyền con nối như trong hoàng tộc thời phong kiến.
Theo ông Đinh Xon thì người Ma Coong định cư ở thung lũng giáp biên giới này từ lâu lắm rồi. Thời gian cụ thể thế nào thì ông cũng không nhớ rõ và cũng không có tài liệu nào ghi chép cả.
Trước đây, khi nhắm ông kế tục “ngai vàng”, các bậc tiền nhân đã kể lại rằng thủa xa xưa, người Ma Coong ở ngay cạnh vương quốc của người Chăm. Chiến tranh, bởi sợ sự truy sát của kẻ thù, người Ma Coong đã phải lũ lượt kéo nhau vào rừng sâu lẩn trốn. Và, ngay lần chạy trốn đó, người Ma Coong đã tìm đến vùng đất này.
Thế nhưng, sau cuộc đào tẩu ấy, tộc người ông lại vướng vào kiếp nạn thứ hai. Người Ma Coong bị người Thái bắt làm nô lệ, phải còng lưng đi tìm vàng ở nơi thâm sơn cùng cốc. Không biết do tập quán quen sống cạnh bờ suối hay tại Giàng nhỏ lệ từ bi mà đi tới bất cứ đâu người Ma Coong cũng tìm được rất nhiều vàng. Khả năng kỳ lạ đó khiến vua Thái động lòng trắc ẩn, ban cho người Ma Coong một lời ước nguyện. Khi ấy, bởi bạt xứ lâu ngày, tất thảy những nô lệ khổ sai ấy đều mong muốn được trở lại bản làng xưa.
Đêm của đắm say
Ông Đinh Xon có bộ chiêng quý. Theo vị chủ đất này thì bộ chiêng ấy mỗi năm chỉ được sử dụng duy nhất một lần trong đêm hội tình yêu, đêm 16 tháng giêng hằng năm. Đêm hội đó còn được gọi là đêm đập trống. Trong đêm đó, thanh niên nam nữ người Ma Coong được tự do yêu đương, tự do quan hệ với nhau nếu có… nhu cầu.
Về nguồn gốc đêm hội này, ông Đinh Xon kể, trải qua mấy cuộc loạn ly, lại thêm bệnh dịch hoành hành, tộc người Ma Coong đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Thế nên, khi ấy, cách đây cũng đã lâu lắm rồi, chủ đất đã quyết định tổ chức “đêm hội yêu đương” để duy trì, phát triển giống nòi.
Trước đây, khi đường xá đi lại còn khó khăn, trước đêm khai hội mấy ngày, dân bản ở khắp nơi đã lũ lượt kéo về bản chính Cà Roòng. Bước vào đêm hội, một chiếc trống bằng da thú rừng được những người trong ban tổ chức treo ở chính giữa khu sân rộng ngay trước nhà chủ đất.
Dưới ánh trăng vằng vặc, cả trăm ngọn nến được làm từ sáp ong được mọi người thắp lên thành những hàng dài, đối diện với cây cột treo trống. Ngày xưa, khi người Ma Coong chưa biết làm ra gạo thì người ta cúng Giàng bằng hạt chuối rừng. Bây giờ, những bát hạt chuối rừng đã được thay bằng những bát gạo trắng ngần.
Sau phần lễ, phần hội chính thức được chủ đất tuyên bố bắt đầu. Mấy chục nam thanh nữ tú dùng những chiếc gậy dài đập liên tiếp vào mặt trống. Vừa đập trống vừa gõ chiêng tưng bừng nhảy múa. Cứ mải miết, mê say đập như vậy tới khi nào mặt trống thủng, thành trống vỡ thì “đêm yêu đương” chính thức diễn ra.
Khi ấy, ai yêu ai, ai thích ai thì cứ việc sánh đôi tản ra những cánh rừng, những hốc đá hay những triền suối ở ngay cạnh đó để… tâm sự. Khi ấy, việc ai người ấy… làm, chỉ có trời, có đất chứng kiến chứ chẳng ai ngó nghiêng, can thiệp.
Đục nước thả câu
Trước đây, khi dân số người Ma Coong còn ít thì những đứa trẻ được sinh ra trong đêm nồng cháy đó được dân bản góp công góp sức nuôi nấng. Tuy nhiên, bây giờ, khi dân số bùng nổ, “ưu đãi” đó đã không còn nữa. Khi không phải “yêu là cưới” thì chẳng ai muốn để lại hậu quả trong buổi “tình một đêm” đó.
Có một điều kỳ lạ là dù rất… vô tư yêu đương nhưng chẳng mấy cô gái lại có bầu. Ông Đinh Xon hé lộ, người Ma Coong có rất nhiều bài thuốc có thể ngừa thai. Trước đây, có một bài thuốc bí truyền mà đến giờ chẳng ai còn lưu giữ. Đánh mất bài thuốc này, theo ông Đinh Xon, người Ma Coong đã đánh mất một báu vật vô cùng quý giá trên đời.
Sự biến mất của bài thuốc này không phải do người Ma Coong lơi là, không biết cách giữ gìn bảo vệ mà bởi loài cây để bào chế bài thuốc này bỗng dưng biến mất. Đó là loại cây trông giống như cây hẹ, có củ nhỏ cỡ đầu ngón tay. Khi yêu đương, chỉ cần để một củ khô của loài cây này trong túi áo thì dù có…nhạy đến mấy cũng chẳng thể mang bầu.
Không biết sức mạnh ngừa thai của loài cây này đến đâu nhưng ông Đinh Xon bảo, khi lấy nhựa cây này bôi vào lưỡi dao, sau đó dùng dao đó chém ngang thân chuối thì nõn chuối cũng chẳng thể chồi lên.
Khi việc có mang trong đêm đập trống không được khuyến khích thì cô gái nào không may “đeo ba lô ngược” mà không quy được trách nhiệm cho ai sẽ bị dân làng bắt vạ. Theo đó, cô gái không may ấy phải nộp cho làng một bình rượu cần, một con gà và vài chục nghìn đồng. Gọi là phạt vạ nhưng ông Xon bảo, những vật phẩm ấy là dùng để cúng Giàng, mong Giàng phù hộ cho cô gái được mạnh khoẻ khi một mình vượt cạn.
Bây giờ, đêm hội đập trống không chỉ có riêng trai gái người Ma Coong. Nhiều chàng trai miền xuôi cũng chầu chực đêm hội này để băng rừng vượt khe tìm đến. Trong số ấy, có người đến bởi sự hiếu kỳ nhưng cũng có kẻ tìm đến cũng chỉ bởi mục đích tìm vui. Chính bởi mục đích xấu xa này mà hiện tại, nhiều sơn nữ ở đây không chồng mà chửa. Thậm chí, có cô gái nhẹ dạ khi sinh con cũng chẳng biết bố của con mình là ai, đến tự phương trời nào.
Ông Đinh Xon cho biết, đêm yêu đương chỉ dành cho những nam thanh nữ tú chưa có gia đình. Tuy nhiên, quy định là vậy nhưng vẫn có những người… phạm luật. Họ là những người đã có vợ, có chồng nhưng bởi quá say men tình ái mà vẫn tranh thủ… đến với nhau. Việc vụng trộm này nếu để lại hậu quả thì sẽ bị phạt rất nặng. Trước đây, nhiều cặp đã bị chủ đất phạt tới một con trâu cùng hai hũ rượu, một nén bạc trắng. Mức phạt khủng khiếp ấy cũng khiến những người trăng hoa nhất phải tởn đến già.
Theo VTC News
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo