Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản
UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị tổng kết dự án xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ cao su, thanh long và cung ứng vật tư nông nghiệp.
Lợi ích từ mô hình
Ông Nguyễn Ngọc Hai - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cho biết: dự án tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp do Bộ Công Thương chủ trì triển khai ở tỉnh đã góp phần thay đổi nhận thức về kỹ thuật canh tác, giúp sản phẩm có giá trị và tiêu thụ ổn định hơn, vì thế cần triển khai nhân rộng mô hình này.
Hai mặt hàng được áp dụng thí điểm là thanh long và cao su thông qua mô hình liên kết giữa doanh nghiệp (DN) - hộ kinh doanh- nông dân (do Công ty Cao su Bình Thuận thực hiện); mô hình DN - hợp tác xã -nông dân (DNTN rau quả Bình Thuận) và HTX Thanh long hữu cơ Phú Hội huyện Hàm Thuận Bắc thực hiện.
Bà Lê Thị Thùy Linh (canh tác 5 ha thanh long tại xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc) vui mừng chia sẻ: Khi tham gia mô hình liên kết này, người nông dân được học hỏi những kỹ thuật canh tác mới, đầu ra của trái thanh long ổn định hơn nhờ HTX đứng ra ký hợp đồng với DN bao tiêu.
Ông Võ Tính - đại diện DNTN rau quả Bình Thuận- nhận xét: Do DN, HTX và người trồng thanh long chưa “cầm trịch” được “đầu ra” chủ yếu là về giá và sản lượng bao tiêu xuất khẩu, dẫn đến chưa đạt kết quả cao.
Công ty Cao su Bình Thuận canh tác 4.554ha/34.938 ha cao su của toàn tỉnh, sản lượng khai thác hơn 6.000 tấn mủ cao su khô/năm... Công ty hiện đã ký hợp đồng thu mua mủ cao su với 81 đơn vị sản xuất và hộ kinh doanh trên địa bàn), sản lượng thu mua là 3.200 tấn mủ cao su khô, đạt 127 tỷ đồng. Đại diện Công ty Cao su Bình Thuận cho rằng, mô hình trên đã giúp nông dân trồng cao su ý thức được việc mua, bán sản phẩm thông qua hợp đồng là cần thiết, có nơi tiêu thụ ổn định, từ đó giảm bớt việc mua đứt, bán đoạn như lâu nay, hạn chế tình trạng ép giá với họ.
Nhân rộng mô hình
Mô hình liên kết đem lại nhiều nguồn lợi cho các chủ thể tham gia nhưng cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn cần được rút kinh nghiệm những vụ mùa tới.
Đối với cao su, tình trạng tranh mua, tranh bán vẫn tiếp tục xảy ra với sự cạnh tranh quyết liệt giữa DN trong và ngoài tỉnh. Thu hoạch thanh long diễn ra cả năm, trong khi giá thị trường luôn biến động nên việc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa DN và hộ kinh doanh, HTX, nông dân còn gặp khó khăn, không dám ký kết giá cố định trong suốt thời gian thu hoạch, hợp đồng chỉ cam kết về số lượng, hoặc thu mua với giá cố định theo từng lô hàng, điều này gây thiệt hại cho người canh tác.
Ông Đỗ Minh Kính- Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận - kiến nghị: Bộ Công Thương cần có chính sách hỗ trợ triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin thị trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại đối với hàng nông sản xuất khẩu.
Ông Nguyễn Xuân Chiến- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - đánh giá, việc xây dựng mô hình thí điểm 2 mặt hàng thanh long và cao su tuy thời gian ngắn, chưa đủ cơ sở để đánh giá hết, nhưng bước đầu đã mang lại lợi ích cho các chủ thể là DN, nông dân, HTX và hàng hóa đạt chất lượng hơn. Qua thực hiện, uy tín của HTX được nâng lên, nông dân trồng thanh long được bảo đảm đầu ra của sản phẩm; công ty mua hết sản phẩm cao su cho nông dân và ngày càng xác lập tính ổn định của khâu tiêu thụ sản phẩm. Với những bất cập khi thực hiện mô hình, Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm tổng kết, đánh giá, rút tỉa những giá trị mà mô hình đã thực hiện được, nhận rõ những khó khăn khi triển khai, những gì thuộc quyền thì giải quyết ngay, việc gì ngoài thẩm quyền trình Chính phủ xem xét.
Quyết Thắng (Theo Công Thương)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo