Lộ diện “đại gia Forbes” của Vietjet Air
Bà Phương Thảo sinh năm 1970, hiện là tổng giám đốc VietJet Air. Chồng bà, ông Nguyễn Thanh Hùng, một doanh nhân kín tiếng nhưng mức độ giàu có chắc chắn không thua kém người giàu nhất Việt Nam bao nhiêu.
Tháng 9/2013, bà Phương Thảo và ông Thanh Hùng cùng lúc được báo chí và dư luận quan tâm, sau khi thông tin thương vụ mua 100 máy bay Airbus trị giá 9,1 tỷ USD được “rò” ra.
Sở dĩ vụ mua bán máy bay này gây hiệu ứng lớn trong xã hội bởi trước nay, ở Việt Nam, dưới góc độ kinh doanh tư nhân, dường như chưa có hợp đồng mua bán đứt đoạn nào có giá trị lớn đến thế. Số tiền 9.1 tỷ USD, tính nhanh, gấp hơn 1.3 lần nợ xấu trên tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trong năm 2013 của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thương vụ 9.1 tỷ USD là một “ván cờ” chưa chắc thắng của của Vietjet Air? Vấn đề “đầu tiên”, quan trọng nhất là lãnh đạo Vietjet Air lấy đâu ra nhiều tiền đến thế?
Theo hồ sơ công ty, Vietjet Air được thành lập năm 2007, mục tiêu “trở thành hãng hàng không uy tín và được ưa thích nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”.
3 cổ đông chính của Vietjet Air là Tập đoàn T&C, Sovico Holdings và HD Bank. Vốn điều lệ ban đầu của hãng là 600 tỷ đồng (tương đương 37.5 triệu USD). Vietjet Air chính thức được Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã trao giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào tháng 12/2007, tuy nhiên, phải mất hơn 2 năm sau, hãng hàng không này mới có chuyến bay nội địa đầu tiên. Và hầu hết, số máy bay đang khai thác chuyến tại hãng này từ 2013 đổ về trước là đi…. thuê.
Kể từ khi thành lập, Vietjet Air đã có nhiều biến động về quản trị và đầu tư. 4/2009, Sovico Holdings do ông Nguyễn Thanh Hùng làm chủ tịch HĐQT, đã mua lại toàn bộ số cổ phần của Tập đoàn T&C và trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 70% cổ phần của VietJetAir.
Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm sau, lãnh đạo VietJetAir lại bán 30% cổ phần cho Air Asia, một hãng hàng không giá rẻ khác có trụ sở ở Kuala Lumpur, Malaysia, chuyên cung cấp những chuyến bay nội địa và quốc tế và là hãng có giá vé thấp hàng đầu châu Á.
Cuộc “hôn phối” với Air Asia không suôn sẻ do yếu tố nước ngoài, Air Asia buộc rút vốn khỏi Vietjet Air.
Sau Air Asia, lãnh đạo Vietjet Air đang ấp ủ kế hoạch sẽ cùng Kan Air thành lập liên doanh, theo hợp đồng ghi nhớ đã kí hồi tháng 6/2013. Thành công của liên doanh này, chưa thể nói trước và chắc chắn không đến trong ngày một ngày hai. Bên cạnh đó, ngày 13/2, ngân hàng Pháp BNP Paribas, đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Vietjet Air, BNP Paribas sẽ tham gia tư vấn và thu xếp tài chính cho 3 chiếc máy bay trị giá 270 triệu USD mà VietJetAir sẽ nhận trong năm 2014.
Hai bên cũng nhất trí BNP Paribas sẽ là đối tác chiến lược của VietjetAir trong các kế hoạch thu xếp tài chính khác trong tương lai. Tuy nhiên, BNP Paribas là công ty chuyên thu xếp các khoản vay, và lợi nhuận từ mà họ đòi hỏi cũng không hề dễ chịu. Bài toán tiếp theo của Vietjet Air là kinh doanh thế nào để có tiền trả nợ?
Thị phần kinh doanh hàng không ở Việt Nam hiện nay, do Vietnam Airlines thống trị, với khoảng 61.4%, phần còn lại thuộc về 3 hãng, Vietjet Air 26.1%, Jetstar Pacific 15.2 và VASCO – công ty con của Vietnam Airlines giữ thị phần 1,8%.
Dù đang bị cạnh tranh gay gắt nhưng với ưu thế của hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines đang có những kế hoạch cải tổ mạnh mẽ. Jetstar Pacific cũng đang ấp ủ chiến lược trỗi dậy. Lợi thế của Vietjet Air trong thời gian qua là giá rẻ, tuy nhiên, “nếu tiếp tục lún sâu vào việc giành giật khách hàng này, không loại trừ khả năng sẽ có hãng bị thua lỗ nặng và bị loại khỏi thị trường hàng không.” nhiều chuyên gia lĩnh vực kinh doanh hàng không nhận định.
Thứ nữa, dù đang trong giai đoạn cạnh tranh quyết liệt, nhưng dịch vụ của VietJet Air lại khiến nhiều hành khách bất bình. Liên tục bay trễ giờ mà không hề có lời xin lỗi, đền bù… Mới đây, toàn bộ 180 hành khách trên chuyến VJ8882, đã bị Vietjet Air “bất ngờ” thông báo hủy chuyến, buộc phải lưu lại 2 ngày tại sân bay Đà Nẵng. Nhiều khách hàng tuyên bố “cạch”, không bao giờ đi VietJet Air.
Bàn “cờ” đã bày ra, người chơi cũng đã sẵn sàng, nếu không có gì thay đổi, 8 năm nữa Vietjet Air sẽ có đủ 100 máy bay mới. Tuy nhiên, mỗi “nước đi” của VietJet Air sẽ cần phải được lãnh đạo hãng suy tính kĩ càng, bởi, hành khách chứ không phải gió, được chuyên chở trên mỗi chuyến bay!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối