Tin tức - Sự kiện

Lỗ hổng tập đoàn, tổng công ty: “Bức tranh nợ” rất đáng báo động

Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên tới 10 lần, chứng tỏ khả năng trả nợ của các tập đoàn- tổng công ty rất thấp. Vay nợ nhiều, đầu tư tràn lan quá mức, lại thiếu hiệu quả ắt dẫn tới thua lỗ. Đó là nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển khi trả lời phỏng vấn

Ông đánh giá như thế nào về con số nợ gấp 3-10 lần vốn chủ sở hữu tại các tập đoàn-tổng công ty vừa được Bộ Tài chính công bố?

 

Nhìn vào con số nợ của các tập đoàn-tổng công ty đang nổi lên một vấn đề, đó là nguồn hình thành tài sản của doanh nghiệp, vốn tự có chiếm tỷ lệ rất thấp. Trong đó, nguồn vốn vay của ngân hàng và nguồn vốn chiếm dụng lẫn nhau cũng rất cao, cho thấy tình hình tài chính của rất nhiều doanh nghiệp trong các tập đoàn-tổng công ty không lành mạnh. Do đó lợi nhuận lũy kế trên tổng tài sản không bằng một số thành phần kinh tế khác.

 

Nói chung, với mức nợ lớn gấp 3 lần thì tình hình tài chính của tập đoàn-tổng công ty đang ở mức phải cảnh báo, còn đến 10 lần rất đáng báo động.

 

Trong tổng dư nợ hơn 400.000 tỉ đồng của doanh nghiệp nhà nước, riêng tập đoàn-tổng công ty chiếm hơn 200.000 tỉ đồng. Ông nhận định như thế nào về con số này?

 

Để đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay, ngoài tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, chúng ta còn phải nhìn vào các chỉ số tài chính khác, nhưng điều đầu tiên có thể nhìn thấy là nguồn hình thành lên tài sản của doanh nghiệp rõ ràng chủ yếu do vốn đi vay, chiếm tỷ lệ tương đối cao.

 

Trong khi đó, lãi suất  vay lại không ổn định, ví dụ ban đầu doanh nghiệp lập phương án đầu tư lãi suất chỉ 12%/năm, nhưng đến lúc triển khai lên tới hơn 20%/năm, dẫn tới gánh nặng chi phí quá lớn.

 

Theo đánh giá gần đây, yếu tố lãi suất chiếm tỷ lệ rất cao trong chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy, khi doanh nghiệp chịu sức ép lãi suất đồng nghĩa với khả năng thua lỗ lớn. Nhưng nguy hiểm hơn, nếu không có khả năng trả nợ ngân hàng sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền khiến các ngân hàng không thu được nợ, tạo ra vòng xoáy nợ, chiếm dụng nhau. 

 

Vậy ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của tập đoàn-tổng công ty và vai trò quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước?

 

Như tôi đã nói, so với quy mô, tiềm năng hiệu quả hoạt động, kinh doanh của tập đoàn-tổng công ty không tốt, không xứng tầm, thua các thành phần kinh tế khác. Vừa qua, việc quản lý vốn nhà nước, tài sản nhà nước rất yếu kém, còn lỏng lẻo.

 

Trước kia, Bộ Tài chính có riêng một tổng cục quản lý vốn doanh nghiệp , các doanh nghiệp nhà nước được giao cho các Bộ, Ủy ban Nhân dân tỉnh quản lý. Nhưng từ khi hội nhập, chúng ta bỏ cơ chế bộ chủ quản, thành ra buông lỏng quản lý. Một tập đoàn-tổng công ty hoạt động theo luật có rất nhiều đại diện chủ sở hữu là bộ, ngành giám sát, nhưng thực tế các đơn vị này không làm hết trách nhiệm.

 

Theo ông, cần phải có cơ chế nào để giám sát chặt chẽ nguồn vốn nhà nước tại các tập đoàn-tổng công ty này?

 

Trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn-tổng công ty cần phải xây dựng được một hệ thống quản trị rủi ro, hay đưa ra một loạt quy tắc chuẩn mực về tài chính. Ví dụ, nếu vốn đi vay - nợ chiếm bao nhiêu lần vốn chủ sở hữu phải cảnh báo ngay, nhưng hiện tại chúng ta chưa có chuẩn đó, chỉ có các chuyên gia phân tích, đánh giá chung chung.

 

Bộ Tài chính phải xây dựng, tham mưu cho Chính phủ đưa ra bộ quy tắc chuẩn này, từ đó định kỳ sáu tháng một lần đối chiếu, một năm tổng kết dựa trên báo cáo kiểm toán soi thật rõ, nếu doanh nghiệp nào vượt hệ số an toàn thì phải cảnh báo.

 

Từ đó các ngân hàng cũng nhìn vào để xem xét cho vay hay không. Ngoài ra, cần học hỏi mô hình của Trung Quốc khi họ có một cơ quan quản lý vốn nhà nước, tất nhiên, quản lý giám sát phải đúng nghĩa, tránh can thiệp quá sâu, để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Chủ trương của chúng ta khi tiến hành tái cơ cấu vẫn giữ các tập đoàn -tổng công ty làm nòng cốt trong nền kinh tế. Nhưng hiện nay rất nhiều doanh nghiệp tư nhân làm ăn hiệu quả, quy mô lớn hơn cả tập đoàn-tổng công ty. Ông có nghĩ rằng, không nên áp đặt suy nghĩ cứ doanh nghiệp hùng mạnh - trụ cột phải là doanh nghiệp nhà nước mà không phải tư nhân?

 

Thực tế, trong các chính sách và hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay không khống chế sự lớn mạnh bất cứ thành phần doanh nghiệp nào, dù nhà nước hay tư nhân.

 

Mọi doanh nghiệp đều bình đẳng, điều đó thể hiện rõ nhất khi doanh nghiệp nhà nước chuyển qua hoạt động theo luật doanh nghiệp chung. Tôi cũng biết có những doanh nghiệp tư nhân rất lớn hoạt động hiệu quả như FPT, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát… sự thực không ai ngăn cản họ phát triển, mở rộng đầu tư, sản xuất.

 

Nhưng nếu các tập đoàn-tổng công ty còn độc quyền thì làm sao những thành phần khác phát triển được?

 

Điều này là đương nhiên, và chúng ta đang trong quá trình giảm tối đa sự độc quyền của tập đoàn- tổng công ty trong quá trình tái cơ cấu. Thực tế, hiện nay chỉ một vài lĩnh vực như điện, xăng dầu các tập đoàn-tổng công ty còn chiếm thị phần lớn, còn các lĩnh vực khác cũng đã vận hành theo cơ chế thị trường. 

 

Ông có nghĩ rằng, chúng ta nên cởi mở hơn và có chính sách ưu đãi hơn với daonh nghiệp tư nhân?

 

Theo tôi, nhà nước sẵn sàng tạo ra một sân chơi bình đẳng, sẵn sàng tạo điều kiện cơ chế để cho doanh nghiệp tư nhân phát triển - chủ trương này đang được Đảng và Nhà nước thực hiện.

 

Những chính sách ưu đãi đó là giảm gánh nặng về thuế, ví như thuế thu nhập doanh nghiệp theo lộ trình sẽ hạ thấp thuế suất từ 25% xuống, cải cách thủ tục hành chính từ việc sửa đổi luật Quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.

 

Tuy nhiên, theo tôi nghĩ cái quan trọng nhất để chúng ta có doanh nghiệp tư nhân lớn, mang tầm quốc tế là ngoài sự khuyến khích, ưu đãi thì họ cần sự ổn định thực sự của kinh tế vĩ mô, trong đó có yếu tố như lạm phát, lãi suất…

 

Theo TN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo