Tin tức - Sự kiện

Lo ngại nguy cơ giảm phát

Không phải ngẫu nhiên, trước nhiều tín hiệu của nền kinh tế đã khiến một số chuyên gia kinh tế lo ngại về nguy cơ giảm phát. Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), đã đến lúc Việt Nam cần nghĩ tới nguy cơ này và một gói nới lỏng định lượng cho nền kinh tế.
Điểm lại chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước 4 tháng đầu năm không khỏi đáng lo ngại. Trong 2 tháng đầu năm rơi vào dịp lễ, Tết nhưng CPI chỉ tăng lần lượt là 1,25% và 1,32%. Riêng tháng 3, CPI giảm 0,19%. Tháng 4, CPI tăng 0,02% so với tháng 3. Tuy nhiên, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều có  mức CPI âm trong tháng 4-2013 so với tháng trước với mức giảm lần lượt là 0,15% và 0,3%. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, CPI của 2 thành phố lớn nhất nước giảm.
 
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, đây chính là một nghịch lý đang tồn tại. Bởi trong khi sự lo ngại lạm phát cao quay trở lại vẫn đang thường trực trong xã hội thì CPI lại tăng thấp hoặc giảm không theo quy luật.
 
Tại sao có nghịch lý này? Theo lý giải của TS. Độ thì trong bối cảnh nợ xấu bao trùm nền kinh tế, cung tiền có thể tăng, lãi suất có thể giảm, nhưng cũng sẽ không thể có tác động mạnh đến tổng cầu và lạm phát. Trong khi đó, các số liệu về tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng cần phải được phân tích kỹ hơn, bởi trong hoàn cảnh nợ xấu ở mức cao, các ngân hàng và DN có động cơ trong việc khai tăng tốc độ tăng trưởng tín dụng để thực hiện các nghiệp vụ đảo nợ.
 
Như vậy, trong khi thiếu các chỉ báo về lạm phát thì việc sử dụng lạm phát trong quá khứ để dự báo lạm phát trong tương lai, theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Đức Độ, có thể đem lại những lợi ích nhất định.
 
Mới đây, TS. Độ đã có một nghiên cứu khá công phu giữa tốc độ lạm phát của cả nước và chỉ số cảnh báo sớm (lạm phát thành phố và lạm phát nông thôn). Theo đó, khi chỉ số cảnh báo sớm đạt đáy và bắt đầu gia tăng, thì sau một thời gian, tốc độ lạm phát của cả nước (lạm phát so với cùng kỳ năm trước của các tháng) sẽ tăng theo. Ngược lại, khi hiệu số này đạt đỉnh và bắt đầu giảm thì sau khoảng một thời gian, tốc độ lạm phát của cả nước cũng bắt đầu giảm.
 
Theo lý thuyết trên, khi chỉ số cảnh báo sớm giảm và rơi vào khu vực âm từ tháng 11-2012 đến nay, tốc độ lạm phát so với cùng kỳ năm trước của các tháng còn lại trong năm 2013 sẽ có xu hướng giảm. Còn trong trường hợp, nếu mức độ giảm của lạm phát so cùng kỳ năm trước trong cả nước tương tự như trong giai đoạn tháng 8-2008 và tháng 8-2009 hay giai đoạn tháng 8-2011, tháng 8-2012, thì lạm phát của cả năm 2013 sẽ đạt mức âm rất lớn, tức là nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng giảm phát theo đúng nghĩa đen.
 
Mặc dù những nghiên cứu trên đây còn cần phải kiểm chứng về tính chính xác của dự báo và xem ra có phần quá bi quan, tuy nhiên, ở góc độ nào đó, cũng là một kênh thông tin cho các nhà hoạch định chính sách.
 
Dù chúng ta có tin hay không trước những cảnh báo về tình trạng lạm phát giảm, thì tình trạng sức mua đang có xu hướng bị giảm sút nghiêm trọng bất chấp cung tiền tăng và lãi suất có xu hướng giảm trong thời gian qua là những cảnh báo sớm đã diễn ra trên thực tế.
 
Xu hướng giảm mạnh của lạm phát cho thấy, trong bối cảnh người dân vẫn đang thắt chặt chi tiêu và tăng tiết kiệm, các DN hạn chế đầu tư, triển vọng kinh tế thế giới chưa sáng sủa, thì theo gợi ý của một số chuyên gia kinh tế, người duy nhất có thể hỗ trợ tổng cầu là Ngân hàng Nhà nước, bởi dư địa của chính sách tài khóa không còn nhiều.
 
Do đó, Việt Nam cần nghĩ tới nguy cơ giảm phát và gói nới lỏng định lượng cho nền kinh tế như trợ giúp người có thu nhập thấp, người mua nhà ở... Bởi vì, nguy cơ giảm phát trong bối cảnh kinh tế suy giảm cũng có thể để lại hậu quả nặng nề không kém so với lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng nóng./.
 
 
 
 
Công Duy
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo