Tin tức - Sự kiện

Lo ngại thảm họa khi đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất nứt vỡ

Các chuyên gia lo ngại nếu không sửa chữa triệt để, vết nứt ở đường băng sân bay có thể dẫn tới thảm họa. Trong khi đó, việc cải tạo chưa thể tiến hành vì thiếu vốn.

Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết đã nhận được báo cáo của ACV về hai đường băng xuống cấp nghiêm trọng. Sau khi ACV có văn bản, Bộ đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra thực trạng và lên phương án xử lý.

Thứ trưởng Thọ khẳng định Bộ đã báo cáo Thủ tướng, xin nguồn vốn để cải tạo hai đường băng đang xuống cấp tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Bộ GTVT đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Hai đường băng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Lê Quân.

Bộ GTVT xin Chính phủ kinh phí

Theo Bộ GTVT, việc sửa chữa hai đường băng là điều cần thiết nhưng khó khăn ở nguồn vốn. Bộ kiến nghị Chính phủ bổ sung hơn 4.200 tỷ đồng vốn trung hạn 2016-2020 để nâng cấp khu bay tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài. 

Trong khi đó, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong khi chờ nguồn vốn để nâng cấp, hai đường băng này vẫn được ACV duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo khai thác theo đúng tiêu chuẩn.

Hiện, Bộ GTVT xem xét để cân đối ngân sách Nhà nước để kịp thời sửa chữa và cải tạo, đảm bảo an toàn khai thác. Khi có kinh phí, việc sửa chữa sẽ được lên kế hoạch cụ thể để tránh gây ùn tắc.

Xuống cấp nhiều năm

 

Từ giữa năm 2015, Cục Hàng không đã có nhiều văn bản yêu cầu ACV lập kế hoạch, phương án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hai đường cất hạ cánh xuống cấp.

Hiện tại, ACV chưa có kế hoạch sửa chữa hai đường băng này. Ảnh: Lê Quân.

Trong khi đó, đường băng 25R/07L tại sân bay Tân Sơn Nhất đã phải đóng cửa 2 lần để sửa chữa trong tháng 7/2015 và  tháng 7/2016.

Trước đó, ACV có văn bản gửi Bộ GTVT tái đề xuất cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh 25R/07L tại sân bay Tân Sơn Nhất và đường băng 1B Nội Bài.

Theo ACV, cả 2 đường băng này đều đã khai thác vượt tải và vượt tần suất thiết kế nên xuất hiện hư hỏng và mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên bị bong bật, nứt vỡ. Tại một số vị trí trên đường CHC 1B của Nội Bài, thậm chí còn có hiện tượng phun bùn, đặc biệt vào mùa mưa.

Đường băng 25R/07L tại sân bay Tân Sơn Nhất đưa vào khai thác từ 2013 với 55.100 lần CHC trong 10 năm. Nhưng hết tháng 4/2018 (sau 5 năm), tổng số lần hạ, cất cánh trên đường này đã là 126.000 lần, vượt nhiều lần thiết kế.

 

Tại Nội Bài, đường băng 1B đưa vào khai thác năm 2003, được thiết kế đảm bảo khai thác tàu bay B747-400 cho khoảng 10.500 lượt hạ, cất cánh trong 20 năm. Đến hết tháng 4/2018 (sau 15 năm), tổng số lần cất hạ cánh trên đường băng này lên tới 284.200.

Theo ACV, nếu không sớm cải tạo, nâng cấp mà vẫn tiếp tục duy trì khai thác 2 đường băng nói trên như hiện nay, nguy cơ uy hiếp an toàn bay tiềm ẩn, dẫn đến việc có thể phải đóng cửa, không khai thác. Khó khăn lớn nhất được nêu ra vẫn là vốn đầu tư sửa chữa đường băng này. 

Số lượt cất hạ cánh thực tại hai đường băng 1B (Nội Bài) và 25R/07L (Tân Sơn Nhất) gấp nhiều lần công suất thiết kế (Đơn vị: Lượt cất hạ cánh). Đồ họa: Văn Chương.

“Việc đóng cửa sẽ tăng thêm áp lực khai thác cho 2 đường CHC còn lại, gây ảnh hưởng đến an toàn bay, đồng thời giảm sản lượng khai thác tại 2 sân bay đông đúc nhất cả nước này”, Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho hay.

Uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay

GS.TS Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), cho rằng nguyên nhân dẫn đến đường băng xuống cấp, bong tróc, nứt nẻ là khai thác quá tải. Một đường băng mỗi năm chỉ được phép cất hạ cánh 10.000 lượt nhưng tại hai sân bay lớn là Nội Bài, Tân Sơn Nhất phải gồng gánh lên gấp 2-3 lần, thậm chí nhiều hơn.

"Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất năm nào cũng xảy ra ùn tắc, quá tải, vượt công suất. Tình trạng đường băng xuống cấp là điều dễ hiểu", GS Cương nói.

 

Vị này cho rằng khi phát hiện xuống cấp ACV phải đề xuất Bộ GTVT phương án xử lý để đảm bảo an toàn bay. Nếu vết nứt nhỏ có thể vừa khai thác vừa sửa chữa nhưng với hư hại lớn phải đóng cửa đường băng xử lý triệt để.

Trong tình huống đó, Cục Hàng không phải yêu cầu các hãng bay giảm số lượng chuyến, chấp nhận quá tải, ùn tắc sân bay một thời gian để xử lý. Bởi, tính mạng con người phải đặt lên vị trí hàng đầu.

Về việc sửa chữa đường băng, GS Cương cũng cho rằng cần cân nhắc đến nhiều yếu tố. Thứ nhất là kinh phí sẽ được lấy từ đâu. Tiếp theo là thời gian sửa chữa khi nào cho hợp lý.

Số lượt cất hạ cánh thực tại hai đường băng 1B (Nội Bài) và 25R/07L (Tân Sơn Nhất) gấp nhiều lần công suất thiết kế (Đơn vị: Lượt cất hạ cánh). Đồ họa: Văn Chương.

Nếu vết nứt, bong tróc nhỏ có thể sửa chữa vào ban đêm, từ 0h đến 1h sáng, lúc không có chuyến bay. Công nghệ sửa chữa phải được lựa chọn để khắc phục nhanh chóng và an toàn.

Chủ tịch Hội hàng không vũ trụ khẳng định vết nứt lớn sẽ uy hiếp an toàn bay, có thể gây ra thảm họa hàng không. Vết nứt, bong tróc ảnh hưởng trực tiếp đến đường chạy đà, tiếp đất của bánh máy bay. Thực tế, trên đường băng chỉ cần một hòn sỏi, hòn đá nhỏ có thể hút vào phá hỏng động cơ gây nguy hiểm cho máy bay và hành khách.

 

"Tôi cho rằng đây là việc gấp và có thể sẽ uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn bay. ACV không có kế hoạch thì Bộ GTVT phải vào cuộc khẩn trương đưa ra phương án", GS Nguyễn Đức Cương nói.

Tiến sĩ hàng không Nguyễn Đăng Minh khẳng định trước đây để xử lý những sự cố đường băng xuống cấp, Quân chủng Phòng không Không quân có hẳn một trung đoàn. Khi tình trạng hư hỏng không nghiêm trọng, việc sửa chữa làm sao sân bay có thể hoạt động được vừa phải đảm bảo an toàn hàng không.

Việc ACV báo cáo có tình trạng bùn phun lên thì dứt khoát phải sửa chữa. "Việc này không được phép chậm trễ đối với ngành hàng không. Bởi chỉ cần đường băng có vấn đề nhỏ, an toàn bay bị uy hiếp nghiêm trọng", ông Minh nói.

 

 

 

 

 

 

 

 

Nên đọc

 

 


Theo Zing
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo