Tin tức - Sự kiện

Lo ngại tình huống người có tiền được đặc xá, người nghèo không sánh được

Dư luận lo ngại không khéo sẽ có chuyện thương mại hóa việc tha tù trước hạn, tức là chỉ người giàu có tiền khắc phục được hậu quả dân sự trong các vụ án hình sự mới được đặc xá, còn người nghèo phải chấp hành án tù như bản án đã tuyên.

Đây là quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong khi cho ý kiến về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) tại phiên họp thứ 23 của UBTVQH diễn ra chiều 11/4.

Theo đó, Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) có bố cục gồm 6 Chương, 39 Điều quy định về thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá, người được đặc xá.

Đáng lưu ý, dự án luật lần này có thay đổi về thời gian chấp hành hình phạt tù cũng như hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác hay phải phạm tội lần đầu... Dự luật nêu rõ, người bị phạt tù về bất kỳ tội danh gì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung như phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác thì mới được đề nghị đặc xá.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong: Dư luận lo ngại không khéo sẽ có chuyện thương mại hóa việc tha tù trước hạn.

Cho ý kiến vào dự thảo luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của nhà nước đối với người phạm tội phải chấp hành án tù. Chính sách này thể hiện sự nhân văn mà bất cứ nhà nước nào cũng làm. Nếu quy định như trên là chưa thỏa đáng. Bởi trên thực tế, một số tội phạm không có khả năng thi hành hình phạt dân sự hoặc bổ sung như phạt tiền, bồi thường thiệt hại. Chiếu theo quy định trên thì họ không bao giờ được đưa vào danh sách xét đặc xá.

"Dư luận lo ngại không khéo sẽ có chuyện thương mại hóa việc tha tù trước hạn, tức là chỉ người giàu có tiền khắc phục được hậu quả dân sự trong các vụ án hình sự mới được đặc xá, còn người nghèo phải ở tù suốt đời", ông Phong nói. Những phạm nhân cải tạo tốt nhưng không có tiền đóng thì để Chủ tịch nước được toàn quyền xem xét. Tuy nhiên, vấn đề thuộc về quan điểm, nếu xử lý không khéo sẽ trở thành cú sốc tâm lý rất đáng ngại.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng rằng dự thảo đánh giá phần dân sự trong bản án hình sự sẽ dẫn đến tình huống người có tiền được đặc xá, người không có tiền mãi ở tù.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích thêm, nếu người bị tù có tài sản thì quá trình tố tụng phải kê biên, tịch thu tài sản ấy. Còn khi họ đã vào tù, không có tài sản để thi hành nữa mà lại quy định phải phạt tiền, bồi thường thiệt hại là bất khả kháng.

"Cần xem xét trường hợp phạm nhân chấp hành hình phạt tù rất tốt nhưng không tìm đâu ra tiền để thi hành án dân sự", bà Nga đề nghị.
Làm rõ ý kiến của các đại biểu, trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, nếu điều kiện "chặt' quá thì không được nhưng nếu "lỏng" thì có khi việc đặc xá lại tràn lan, mất đi ý nghĩa của chính sách này. Tướng Sơn thừa nhận có trường hợp điều kiện quá khó khăn, bất khả kháng sẽ không chấp hành xong, trong khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện khác.

 

"Ở góc độ khác là trong khi bị hại chưa được đảm bảo lợi ích chính đáng được pháp luật bảo vệ, tài sản của nhà nước, tổ chức chưa được khắc phục mà đối tượng vẫn được xem xét đặc xá thì e rằng dư luận chưa hẳn đã đồng tình", ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, tinh thần là phải phân biệt thật cụ thể từng trường hợp giải quyết đặc xá để người dân thấy thực hiện như thế là vô tư, còn về kỹ thuật thiết kế vào luật sẽ cần nghiên cứu thêm.

Kết luận vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề hình phạt chính tù chưa thực hiện xong đã được xem xét đặc xá thì tại sao phần nghĩa vụ dân sự lại phải bắt buộc thực hiện xong. Vì vậy, ông yêu cầu cần đánh giá tác động sâu sắc liên quan đến điều kiện đặc xá.

Nên đọc
Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo