Tin tức - Sự kiện

Loại cá nào nhiễm độc nhiều nhất, không nên ăn nhiều?

Cá có bản năng thích ứng, chống chịu để sống. Chất độc thấm qua mang và đường bên. Khi có chất độc, cá sẽ tạo ra độ nhớt để chống chịu lại.

Cá có bản năng thích ứng, chống chịu để sống. Chất độc thấm qua mang và đường bên. Khi có chất độc, cá sẽ tạo ra độ nhớt để chống chịu lại.



Cá to nhiễm độc nhiều hơn cá bé



Sinh viên Trần Vân Anh, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội đã lấy 5 loài cá, mỗi loài 3 mẫu được bán ngẫu nhiên ở chợ Hà Nội để phân tích chất metyl thủy ngân. Kết quả, trừ mẫu cá trắm giòn không phát hiện thấy metyl thủy ngân, còn các mẫu khác đều có chứa metyl nằm trong khoảng 0,01µg/kg - 0,39µg/kg. Lượng metyl thủy ngân trong cá thu là cao nhất: 0,39µg/kg, cá hồi: 0,10µg/kg, cá chỉ vàng 0,03µg/kg, cá cam: 0,02µg/kg.



Từ phân tích trên cho thấy, lượng metyl thủy ngân tích lũy trong cơ thể các loại cá có kích thước và trọng lượng lớn như cá hồi, cá thu... cao hơn các loại cá nhỏ như cá cam, chỉ vàng. Đây cũng là cách giải thích về sự tích tụ metyl thủy ngân theo chuỗi thức ăn trong môi trường sống.



Theo PGS.TS Đỗ Quang Huy, Khoa Môi trường, người hướng dẫn đề tài này cho hay, metyl thủy ngân là một dạng của thủy ngân. Metyl thủy ngân có trong môi trường nước ngọt và đại dương, trong cơ thể sinh vật.


 
Cá nhỏ ăn sinh vật phù du, cá lớn ăn cá nhỏ... và con người đánh bắt cá làm thức ăn. Theo chu trình này, metyl thủy ngân sẽ tích tụ trong cơ thể. "Bản thân metyl thủy ngân là chất độc thần kinh, đặc biệt là phụ nữ có thai. Vì thế, việc biết được các hàm lượng chất độc này trong hải sản sẽ giúp người dân có chế độ ăn uống hợp lý, phòng ngừa các nguy cơ đối với sức khoẻ", PGS.TS Đỗ Quang Huy nhấn mạnh.


Khi phụ nữ có thai ăn phải thức ăn có thủy ngân dẫn đến thiếu hụt năng lượng trong tế bào não và gây ra những rối loạn trong việc truyền kích thích thần kinh của bào thai. Đây là cơ sở để giải thích vì sao các trẻ sơ sinh được sinh ra những bà mẹ nhiễm metyl thủy ngân sẽ có những tổn thương không thể hồi phục được của hệ thần kinh trung ương, bao gồm phân liệt thần kinh, kém phát triển về trí tuệ và chứng co giật.
 


Thậm chí, các khoa học còn chứng minh khi bào thai tiếp xúc với metyl thủy ngân liều thấp cũng sẽ có ảnh hưởng như điếc, mù, giảm khả năng nhận thức do metyl thủy ngân can thiệp vào sự phân chia tế bào, tổng hợp protein của tế bào thần kinh. Còn ở người đang phát triển và trưởng thành, metyl thủy ngân có thể có tác dụng phụ trên hệ thống tim mạch như mắc bệnh tim và huyết áp.



Loại bỏ cá nhiều nhớt



PGS.TS Trịnh Thị Thanh, chuyên ngành độc học sinh thái, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết, bằng mắt thường không nhận biết được cá nhiễm độc kim loại nói chung, metyl thủy ngân nói riêng.


 
Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể nhận biết yếu tố cá nhiễm độc chính là nhớt. "Cá có bản năng thích ứng, chống chịu để sống. Chất độc thấm qua mang và đường bên. Khi có chất độc, cá sẽ tạo ra độ nhớt để chống chịu lại. Nhưng nhớt này vô hình trung lấp luôn đường tiếp xúc giữa nước và cá là mang và đường bên khiến cá bị ngạt. Vì thế, nên chọn cá tươi, không có biểu hiện khác thường, ít nhớt", PGS.TS Trịnh Thị Thanh phân tích.



Theo các nhà nghiên cứu, quy chuẩn Việt Nam, giới hạn mức tồn dư cho phép đối với các loài cá là 0,5mg/kg, cá ăn thịt là 1,0mg/kg. Lượng ăn vào cơ thể con người hằng tuần không gây hại đến sức khoẻ con người là 0,0016mg/kg. Vì thế, đối chiếu các kết quả thí nghiệm của sinh viên Vân Anh cho thấy, các mẫu thí nghiệm tại Hà Nội đều có lượng thủy ngân rất thấp và đều nằm trong giới hạn cho phép.

 

 

Theo GDVN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo