Lời thề Thủ đô chiến thắng: 8 năm chờ một ngày về
Có một chàng trai Hà Nội nhà ở phố Hàng Bài giấu gia đình nhập đoàn quân lên chiến khu để rồi 8 năm sau có mặt trong đội hình về Hà Nội một ngày trước lễ tiếp quản thủ đô
Đại tá Hoàng Bảo vẫn còn nhớ rất rõ từng gương mặt, từng cái tên chỉ huy đơn vị của Trung đoàn 57 mà ông là một thành viên.
Thấy bộ đội, dân mừng lắm
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 57 nhận nhiệm vụ đánh phân khu Nam của tập đoàn cứ điểm. Đây là khu vực có địa hình bằng phẳng, nằm trong cánh đồng Mường Thanh. Vì thế, những người lính của trung đoàn phải đào hào tiến sát địch. Những trận đánh giáp lá cà diễn ra liên tục hằng ngày với thương vong hàng loạt người.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung đoàn 57 với 3 tiểu đoàn 418, 346 và 265 tiếp tục được giao nhiệm vụ đặc biệt: về tiếp quản phía Tây thủ đô một ngày trước khi đại quân vào tiếp quản nội thành. Đại tá Hoàng Bảo, khi đó là cán bộ chính trị tiểu đoàn, nhận lệnh đưa 3 tiểu đoàn cùng xuất phát vào chiều 9-10-1954 từ núi ông Bụt (thuộc tỉnh Hà Đông) tiến về Hà Nội. Trung đoàn chia làm 3 ngả: Tiểu đoàn 418 đi hướng lên chợ Bưởi; Tiểu đoàn 346 hướng Ngã Tư Sở, Vĩnh Tuy; Tiểu đoàn 265 của ông Bảo trú quân ở làng Cót (nay thuộc Cầu Giấy).
Ông Bảo nhớ lại: “Đến Hà Đông, trời mưa như trút nước nhưng người dân thấy bộ đội mừng lắm, ùa cả ra đường. Khi trung đoàn hành quân đến làng Phùng Khoang thì nghe tiếng xe tăng. Cán bộ trinh sát là ông Trần Ngọc Khuê được cử đi trước nắm tình hình. Thì ra căn cứ xe tăng của địch ở chợ Cầu Mới đang khởi động. Theo phương án ban đầu, nếu quân Pháp cố tình gây hấn thì chúng tôi sẽ dàn đội hình để chiến đấu. Tiểu đoàn trưởng 346 Hoàng Bình thông thạo tiếng Pháp, đến hỏi lý do căn cứ xe tăng của Pháp cho các phương tiện khí tài khởi động thì được quân Pháp giải thích rằng theo luật nhà binh, chúng tôi nổ máy để chào mừng các ông vào tiếp quản”.
Trước ngày tiếp quản, những đơn vị đầu tiên có mặt trước ở Hà Nội cũng có những lo âu bởi cuộc bàn giao của những người ở hai chiến tuyến, sự căm hờn của hai bên thắng - thua vẫn còn không nhỏ. Dù ở vị thế người chiến thắng nhưng quân ta vẫn rất đề phòng và còn nhiều người căm thù địch. Ông Bảo kể khi gặp sĩ quan quân đội Pháp ở ô Cầu Giấy, ông đã có câu nói giải tỏa không khí căng thẳng cho cả hai bên: “Cesser la guerre. Bon rapatriement” (Chiến tranh đã kết thúc. Chúc các bạn hồi hương hạnh phúc). Người Pháp cũng nhắc lại câu nói này. Một tiếng thở phào trong cuộc tiếp quản xoay chuyển cục diện và không khí căng thẳng.
Trên các tuyến đường mà tiểu đoàn của ông Hoàng Bảo đi qua, quân ta chỉ để lại 2 người ở mỗi vọng gác của lính Pháp. Nhiều con phố khi bộ đội đi qua vẫn còn vắng tanh nhưng chỉ một lúc sau là cờ đỏ đã rợp trời. 12 giờ ngày 9-10-1954, việc tiếp quản các khu vực mà Trung đoàn 57 được giao đã cơ bản hoàn tất.
Không cầm được nước mắt
7 giờ ngày 10-10, chàng trai Hà Nội Hoàng Bảo cùng Tiểu đoàn 265 tiến vào Cầu Giấy rồi hướng về phía ga Hà Nội, khu Đấu Xảo và có mặt ở sân vận động Măng Gianh (nay là sân Cột Cờ). Ông Bảo còn nhớ như in thời khắc cờ đỏ sao vàng bay trên nóc cột cờ Hà Nội.
Khi rời Hà Nội, ông Bảo mới 13 tuổi, học lớp 6. Tuổi thơ của ông gắn với phố Hàng Bài (thời Pháp thuộc có tên là phố Đồng Khánh). Căm thù giặc Pháp đô hộ, ông gia nhập đội quân lên chiến khu mà vẫn giấu gia đình. Vài năm sau, gia đình mới biết ông còn sống.
Ngày trở về Hà Nội, có mặt trên sân Cột Cờ, ông vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện về nhà. Ông nhớ lại: “Một tuần sau lễ tiếp quản, cấp trên mới cho chúng tôi đi chơi phố”. Ngày ấy, trong tiểu đoàn, thanh niên Hà Nội không nhiều vì sau trận Điện Biên Phủ, lực lượng ban đầu hy sinh gần hết, những người mới được bổ sung hầu hết đến từ các vùng nông thôn.
“Với họ, chiếc đèn cao áp, tàu điện ở thủ đô rất xa lạ. Được cấp trên cho một ngày đi chơi Hà Nội, tôi dẫn một số đồng chí đi lòng vòng phố xá. Có người đứng cả giờ để chờ xem xe điện quay đầu. Đến phố Hàng Bài, tôi dừng lại trước căn nhà số 43. Tôi nhìn thấy bà ngoại nhưng bà không nhận ra tôi. Tôi lại gần và hỏi thăm mấy đứa em họ. Chúng nhận ra người anh biệt tích đã lâu. Khi ấy, bà mới ôm tôi và khóc. Tôi cũng không cầm được nước mắt” - ông Bảo bùi ngùi.
Thực ra, trong 8 năm xa Hà Nội, ông đã từng đi 2 vòng quanh căn nhà của mình mà không dám vào. “Một cảm giác rất kỳ lạ, tôi thấy căn nhà như bé lại. Trong hình dung của tôi, nhà mình lớn lắm, hoành tráng lắm. Sau này tôi hiểu, hóa ra không phải căn nhà bé lại mà vì chúng tôi lớn lên. Chắc rất nhiều thanh niên Hà Nội khác cũng có cảm xúc như vậy” - ông Bảo lý giải.
Nhưng cũng vì lần thăm nhà rất tình cờ ấy mà ông Bảo suýt bị kỷ luật. Hồi ấy có quy định các thanh niên người Hà Nội không được tự ý liên hệ với gia đình khi chưa được sự cho phép của cấp trên. Chuyện ông Bảo về thăm nhà đến tai Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Hà Nội. Tướng Vũ cũng là người Hà Nội nên ông thông cảm và cho rằng việc tình cờ đi ngang phố và ghé qua thăm bà ngoại của ông Bảo là chuyện tình cảm bình thường của những người xa Hà Nội lâu năm.
Trở về đầy hào hùng
Những người con thủ đô theo kháng chiến ra đi vẫn luôn hướng về Hà Nội với một tình yêu kỳ lạ. Trong những năm gian khổ nhất ở chiến khu, người Hà Nội vẫn mơ đến một ngày trở về đầy hào hùng, rợp bóng cờ. Hình ảnh “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về” được nhạc sĩ Văn Cao viết trong ca khúc Tiến về Hà Nội năm 1949. Một ngày về trong tâm tưởng khác đã được Nguyễn Đình Thi nói đến trong ca khúc Người Hà Nội, sáng tác năm 1947, khi Trung đoàn Thủ đô vừa rút lên chiến khu: “Ngày ấy chói vinh quang vang ngàn phương lời thề nước Việt Nam yêu dấu ngả soi bóng sông Hồng Hà. Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười trên môi Người cười. Ngày về chiến thắng”.
Theo Người lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo