Lớp học miễn phí trên cao nguyên của cô giáo khuyết tật
Làng Chao Pông, xã Ia phang, huyện Chư Pưh (Gia Lai) nằm thoai thoải giữa những rẫy cà phê. Trong căn nhà nhỏ ở giữa làng, tiếng học bài ê a luôn râm ran không ngớt.
Bị khuyết tật từ nhỏ, bảy năm qua, cô giáo Rmah H'Blao (31 tuổi) mở lớp dạy miễn phí cho học sinh J'Rai. Đôi chân co quắp, dáng chênh vênh, H'Blao nhẫn nại đến từng bàn uốn nắn cho các em những con chữ, phép tính.
Năm 3 tuổi, H'Blao trải qua một cơn sốt khiến cô bị teo cơ chân. Nhưng bằng một sự kiên cường nào đó, cô gái nhỏ không chịu nằm yên một chỗ. Hình ảnh cô con gái nhỏ tập tễnh bước đến giờ vẫn khiến ông Ksor Dek, cha cô bồi hồi.
Nhìn bạn bè đến trường, mắt con gái buồn vời vợi, người cha cõng con đến lớp gửi gắm cô giáo, chỉ mong con biết đọc biết viết. Suốt 12 năm sau đó, H'Blao tự đến trường. "Mình không thể làm rẫy được, chỉ có đi học mới tự nuôi sống bản thân", H'Blao chia sẻ.
Cánh cửa tưởng chừng đã mở ra với H'Blao khi cô đỗ Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Chỉ còn một năm nữa là hoàn thành chương trình học, những trận đau ốm triền miên khiến cô đành bỏ ngang việc học. Ước mơ khép lại. "Mình buồn lắm, phấn đấu hơn chục năm trời rồi cuối cùng phải dở dang", H'Blao tiếc nuối.
Về lại nhà, H'Blao hay nghĩ ngợi xa xăm. Trong không gian vắng vẻ của ngôi làng mà người lớn cả ngày làm ruộng, đi rẫy, hình ảnh những đứa trẻ hay nô đùa trước hiên nhà như một đốm lửa khiến cô thấy ấm áp.
Bọn nhỏ đen nhẻm, ngoài lúc đùa nghịch thường lấy sách vở ê a hay viết xuống khoảnh sân những chữ không tròn trịa. H'Blao gặp lại tuổi thơ của mình. Cô chỉ bài cho những em trong dòng họ, động viên các em chăm học.
Những đứa trẻ trong làng rủ nhau đến ngày một đông. H'Blao đánh bạo xin cha xây thêm một phòng kiên cố, vừa tiếp khách vừa dễ quán xuyến đám nhỏ. Ông Ksor Dek lúc ấy cũng chỉ có ít tiền để dành cho gia đình, nhưng nghe con gái nói vậy liền vay mượn xây phòng.
Một tháng sau, một phòng học kiên cố được xây lên với "tổng kinh phí" 40 triệu đồng. "Mái trường" của cô giáo H'Blao từ đó trở thành ngôi nhà thứ hai của những đứa trẻ J'Rai ở miền quê này.
Uớc mơ được viết tiếp
Lớp học của H'Bao thường có khoảng 50 em tiểu học. Cứ đến hè, số lượng học sinh lại tăng lên đến 70. Tiếng lành đồn xa, không chỉ những em gần nhà mà các làng lân cận cũng tìm đến. Thời gian biểu của cô gái luôn "kín lịch" với hai lớp buổi sáng và buổi chiều. "Em nào học ở trường buổi sáng thì đến đây học buổi chiều và ngược lại", H'Blao chia sẻ.
Cô giáo trải lòng, làng Chao Pông còn nghèo, cha mẹ các em quanh năm bám mặt vào nương rẫy, nhà lại đông con, việc học của các em chỉ là thứ yếu. "Đến miếng cơm, manh áo cũng còn thiếu thốn nên mình phải ân cần hơn", H'Blao nói.
Ngồi giữa đám học trò nghịch ngợm lúc giữa giờ, cô giáo khoe lớp này có 19 em học sinh giỏi và tiên tiến. Con số ấy so với những nơi khác thì quá đỗi bình thường nhưng với cô là cả một niềm an ủi, vì nhiều em đến đây lực học chỉ trung bình.
Không chỉ dạy chữ, chiếc máy tính từ thời học cao đẳng của H'BLao trở thành "nhà hàng" nơi cô đem những món ăn tinh thần đến các em. Đó có thể là những bài hát hay, những câu chuyện đẹp mà cô giáo muốn kể lại để truyền cảm hứng
Những khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh chỉ đủ để H'Blao duy trì lớp học, ngoài giờ dạy, cô giáo trẻ kiếm thu nhập bằng sở thích thêu tranh để có tiền trang trải cho cuộc sống.
Nhưng H'Blao chẳng bao giờ kể khổ với học trò, mà luôn muốn "mái trường" của mình là một nơi tương sáng. Trên những bức tường đã ố màu cũ kỹ, cô giáo nhờ người treo lên những quả bóng nhiều màu sắc.
"Học với cô H'Blao vui lắm", Rmah H'Jin, học lớp 2 trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, xã Ia Phang nói. Còn những phụ huynh trong làng thì rỉ tai nhau rằng, đám nhỏ đến đây không chỉ để biết cái chữ mà còn học được nghị lực của cô giáo H'Blao.
Đến thăm làng Chao Pông hồi giữa tháng 5, ông Dương Văn Trang - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã tặng cô giáo Rmah H'Blao một máy vi tính, hứa tặng 15 bộ bàn ghế, yêu cầu Sở Giáo dục tặng sách giáo khoa mới cho các em trong lớp. Ông cũng chỉ đạo Sở Giáo dục tạo điều kiện để cô giáo Rmah H‘Blao có chứng chỉ sư phạm, tiếp tục cống hiến cho xã hội. "Mong câu chuyện của cô giáo sẽ là nguồn động viên cổ vũ tinh thần phục vụ xã hội của mọi người", Bí thư Tỉnh ủy nói. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo