Khám phá

Lớp học trong bệnh viện

Sâu bên trong Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.Hồ Chí Minh (số 1A Lý Thường Kiệt, Quận Tân Bình), ngày ngày vang lên tiếng trẻ con nô đùa, ca hát.

Buổi sáng, nhiều phụ huynh chở con cùng với chiếc cặp trên tay đưa con vào bệnh viện, nhưng không phải để khám bệnh mà là đưa con đến lớp học.

 

 

Lớp học không đồng nhất 

 

Cũng như mọi ngày, hôm nay bé Ngô Phương Trinh (6 tuổi) được người nhà đưa đến lớp. Mỗi lần tới lớp cô bé vui lắm.

 

 
 

Ông Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, cho biết lớp học được mở ra nhằm giúp phụ huynh có thể đi làm, các bé có nơi sinh hoạt, học văn hóa và trị liệu.

Hiện lớp học có hơn 30 bé. Hầu hết các bé bị bệnh bại não, hội chứng down hoặc bị tàn tật.

Theo ông Ánh, thông qua việc học văn hóa và sinh hoạt, các bé có thể phục hồi một số chức năng vận động của cơ thể và nâng cao nhận thức về thế giới xung quanh.

 

Bạn bè trong lớp học của Phương Trinh là những bé lớn tuổi hơn, những bé chưa biết đi, biết đứng; đồng thời là những bé cùng lứa nhưng không thể nghe, không thể nói…

 

Lớp học với 32 bé, mỗi bé một vẻ đã trở thành bạn thân của nhau.

 

Đối với những đứa trẻ khác, 6 tuổi đã có thể viết và phân biệt chữ cái thì với Phương Trinh là một việc hết sức khó khăn.

 

Đến buổi học, Trinh ngồi vào bàn cố cầm chắc cây bút rồi đồ theo chữ cái cô giáo đã viết sẵn. Trinh cẩn thận đồ từng chữ một dù đôi khi ngòi bút trật ra khỏi vở.  

 

Vất vả lắm, Trinh mới có thể đồ được nửa trang vở của mình. Thế nhưng cô bé vẫn kiên nhẫn hoàn thành bài tập với niềm hứng thú kỳ lạ.

 

Bên cạnh dòng chữ của Trinh là những điểm số 8, 9, 10 của cô giáo như khích lệ cô bé.

 

Cùng học với Trinh có nhiều bạn chỉ vẽ được nét thẳng, nét xiên. Hay có bạn chỉ học qua những trò chơi xếp hình, lắp ráp…

 

Vừa dạy học, vừa trị bệnh

 

Cô Dương Thị Phượng, giáo viên dạy ở đây cho biết bé Phương Trinh là một trong những học sinh, cũng là bệnh nhân cần điều trị ở lớp học này.

 

Dù sĩ số lớp không bao nhiêu nhưng lớp học vẫn có 7 cô vừa chăm sóc, nấu ăn, dạy học, dạy kỹ năng… cho các bé.

 

“Phải thật sự yêu trẻ mới có thể chăm lo hết cho các bé ở đây. Mỗi bé một bệnh tình, cá tính khác nhau nên chăm và dạy cho mỗi bé là một phương pháp khác nhau”, cô Phượng tâm sự.

 

 

Cô giáo Tuyết Mai và học trò cùng ca hát - Ảnh: Hoàng Quyên

 

Nhiều bé ở đây không thể chăm sóc bản thân vì bị tàn tật hoặc chậm phát triển trí tuệ.

 

“Công việc một ngày của các cô giáo tất bật từ sáng đến tối. Sáng giúp bé trị liệu và học văn hóa, trưa lại giúp các bé ăn uống, ngủ nghỉ. Chiều thì tắm rửa, thay đồ, cho các bé sinh hoạt...”, cô Trần Thị Tuyết Mai chia sẻ.

 

Giờ học là giờ vui nhất của các bé, nhưng đồng thời cũng là thời gian vất vả của nhiều cô.

 

Các cô giáo cùng học trò xếp ghế thành hai hàng. Bé nào có thể đi đứng được thì tự giác ngồi vào bàn. Bé nào không thể đi thì cô giáo phải khiêng lên ghế...

 

“Nhìn thấy em nào đồ theo được một chữ, vẽ được một nét thẳng thì vui lắm”, cô Mai cười nói.

 

Niềm vui của các cô giáo ở đây chỉ đơn giản là sự tiến bộ mỗi ngày của các bé, là hôm nay các bé đã cầm được bút chắc hơn so với ngày hôm qua.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo