Luân chuyển cán bộ: Chuyện cũ, chuyện mới
Quyết định mới đây của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc luân chuyển đợt 1 gồm 44 cán bộ lãnh đạo đã trở thành một chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông vài tuần qua.
Tuy nhiên, luân chuyển cán bộ không còn là “chuyện mới”…
“Để tạo động lực”
Việc một cán bộ lãnh đạo được điều chuyển nhận công tác mới là việc bình thường trong đời sống chính trị nhiều thập kỷ qua. Song câu chuyện “luân chuyển cán bộ” đã được tiến hành một cách có hệ thống trong hơn một thập kỷ trở lại đây, như là một phần trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ.
Ông Nguyễn Đình Hương (nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương) trong một bài viết mới đây nói rằng luân chuyển cán bộ là “một chủ trương đúng, phù hợp với quy luật phát triển của cán bộ trước đây cũng như trong thời kỳ đổi mới”.
Từ trước Đại hội Đảng lần thứ 6 (năm 1986), Đảng đã có chủ trương điều cán bộ từ cơ quan trung ương về nhận vai trò lãnh đạo chủ chốt ở địa phương. Và ngược lại, điều cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo các tỉnh, thành lớn về nhận công tác tại cơ quan Trung ương.
Nghị quyết hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 8 đã đưa nội dung “luân chuyển cán bộ” vào một mục, theo đó sẽ “thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa các vùng, các ngành, các cấp nhằm sử dụng có hiệu quả và tạo nên sự đồng đều trong đội ngũ cán bộ; bồi dưỡng toàn diện cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong từng ngành, từng địa phương, từng tổ chức”.
Nghị quyết cũng nói rằng “căn cứ vào đặc điểm từng vùng, từng ngành, từng cấp, nhu cầu công tác và năng lực, sở trường cán bộ, cấp uỷ đảng lập quy hoạch, kế hoạch luân chuyển cán bộ theo một quy trình chặt chẽ và có chế độ, chính sách thích hợp”. Đặc biệt, “mọi cán bộ, đảng viên phải phục tùng tuyệt đối quyết định điều động, luân chuyển của Đảng và Nhà nước”.
Theo hồi tưởng của ông Nguyễn Đình Hương, vào thời điểm 2001, Đại hội Đảng lần thứ 9 (năm 2001) đã có chủ trương luân chuyển cán bộ để tạo nguồn cho nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 10, theo đó điều động 18 cán bộ từ Trung ương xuống giữ chức phó bí thư các tỉnh.
Ngày 25/1/2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11 về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, theo đó Bộ Chính trị đánh giá rằng “ việc luân chuyển cán bộ trong thời gian qua còn nhiều mặt hạn chế: đa số trường hợp luân chuyển chưa dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; mới chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt; một số trường hợp chưa được nghiên cứu kỹ, nên việc điều động cán bộ chưa hợp lý; chưa làm tốt công tác tư tưởng đối với một số cán bộ được điều động; nhận thức của một số cán bộ và tổ chức đảng đối với công tác luân chuyển cán bộ chưa đúng đắn”.
Thậm chí, Bộ Chính trị cũng nhận ra rằng “có đồng chí khi có quyết định thuyên chuyển công tác còn vì suy tính cá nhân hoặc ngại khó, ngại khổ mà chưa thực sự tự giác, tự nguyện nhận nhiệm vụ mới. Có nơi trên điều động cán bộ về tăng cường thì băn khoăn, thắc mắc là cấp trên thiếu tin tưởng cán bộ tại chỗ, không nhiệt tình tạo điều kiện, giúp đỡ cán bộ được điều về địa phương, đơn vị mình. Cũng có cán bộ lãnh đạo lợi dụng việc điều động, luân chuyển cán bộ để đưa ra khỏi cơ quan, cấp uỷ những người không hợp với mình”.
Năm 2003, trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội về luân chuyển cán bộ, ông Trần Đình Hoan, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã nói rằng “luân chuyển là để tạo ra động lực cho cán bộ”.
Thời điểm đó, ông Trần Đình Hoan đánh giá rằng “phần lớn những tỉnh có sự luân chuyển cán bộ đều đang thực hiện có kết quả, ví dụ như Phú Thọ, Nghệ An, Khánh Hoà, Tp.HCM”; tuy nhiên ông cũng thừa nhận “cũng còn nơi này, nơi kia do nhận thức chưa thấu đáo nên còn có những e ngại, nghe ngóng”.
Ông Hoan cũng nhấn mạnh rằng trước khi thực hiện yêu cầu luân chuyển, Trung ương đã “cân nhắc kỹ càng xem đi đâu thì hợp lý và cũng phải tham khảo ý kiến địa phương. Cần phải thấy một điều là có thể cán bộ ở cơ sở nắm vững vấn đề của địa phương, nhưng cán bộ ở trên Trung ương lại có tầm nhìn ở cấp vĩ mô, nên khi điều động về địa phương họ phát huy được thế mạnh để thực hiện những cơ chế chính sách thích hợp. Ngược lại, với những đồng chí ở địa phương được chuyển lên Trung ương thì lại có kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở hỗ trợ”.
Tinh thần trên đã được tiếp nối trong nhiều năm sau đó, cho dù không có nhiều những đợt luân chuyển quy mô ở cấp Trung ương, cho dù vào năm 2006, nhiều cán bộ luân chuyển đã được giới thiệu bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Tuy nhiên, ở cấp địa phương, luân chuyển được tiến hành khá thường xuyên và với số lượng khá lớn.
Tuy nhiên, như thừa nhận của chính ông Nguyễn Đình Hương, trong công tác điều động luân chuyển cán bộ, cũng không phải tất cả đều đạt kết quả như mong muốn. Ông Hương viết: “Trong dân gian lưu truyền câu nói: “Tiến về bộ, thoái về ban”. Có cán bộ chủ trì một địa phương, uy tín đã giảm sút lại điều về giữ chức phó ban Đảng. Luân chuyển cũng có trường hợp chỉ để "tráng men", nghĩa là chỉ để được coi như đã kinh qua công tác địa phương”.
Trên thực tế, vẫn theo vị quan chức giàu trải nghiệm về công tác tổ chức này, “nhiều cán bộ được luân chuyển về địa phương đã có đóng góp thực sự để lại dấu ấn; nhưng ngược lại cũng có cán bộ qua 3 năm luân chuyển về tham gia lãnh đạo trong cấp ủy địa phương, chỉ giữ cho không để xảy ra khuyết điểm gì phải chê trách, còn hỏi có đóng góp được gì thì khó nói...”
Lịch sử và thử thách
Cho dù bản nghị quyết hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 8 được ký ban hành bởi Tổng bí thư Đỗ Mười, người được nhắc tới nhiều hơn trong các quyết định luân chuyển lại là người kế nhiệm, ông Lê Khả Phiêu.
Ông Lê Khả Phiêu trở thành Tổng bí thư cuối năm 1997. Nhiều quyết định luân chuyển đáng chú ý đã được tiến hành trong giai đoạn 1999 - 2000, được ghi nhận rằng có vai trò quan trọng của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Một số cuộc luân chuyển tiêu biểu trong giai đoạn này, có thể kể đến việc luân chuyển Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Trần Đình Hoan về làm Chánh văn phòng Trung ương; ông Tô Huy Rứa, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia được luân chuyển về làm bí thư Thành ủy Hải Phòng; trong khi ông Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Thương mại về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Cũng trong thời gian này, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Phan Diễn được điều về làm bí thư Quảng Nam Đà Nẵng thay thế ông Trương Quang Được ra Hà Nội làm Trưởng ban Dân vận; ông Nguyễn Minh Triết được điều trở lại Tp.HCM làm bí thư trong khi Bí thư Thành ủy Tp.HCM Trương Tấn Sang ra làm Trưởng ban Kinh tế thay ông Phan Diễn.
Nhiều cán bộ cao cấp hiện nay cũng từng được “luân chuyển”, như trường hợp Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người từng là một thứ trưởng được điều động đi làm Bí thư Quảng Ninh, sau đó lại quay về làm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Gần đây, công luận chú ý nhiều đến trường hợp ông Nguyễn Chí Dũng, cũng là một thứ trưởng được điều đi làm Bí thư Ninh Thuận, sau đó đã quay về lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đảm nhận chức vụ cũ.
Thông tin trên báo chí những ngày gần đây cho biết, 44 nhân sự được luân chuyển lần này đều là những cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, thậm chí 22 vị trong số này đã được quy hoạch là Ủy viên Trung ương Đảng khóa tới và các khóa sau.
Không có nhiều báo cáo liên quan đến luân chuyển cán bộ được công bố, nhưng đây đó đã và đang có những ý kiến đáng chú ý về chủ đề này.
Lấy ví dụ vào năm 2012, tạp chí Xây dựng Đảng đã đăng bài viết “Phá vỡ rào cản cho luân chuyển thành công” của bà Trương Thị Bạch Yến, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 3, trong đó nêu một vài số liệu thống kê đáng chú ý.
Bà Trương Thị Bạch Yến cho rằng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, công tác luân chuyển cán bộ ở các cấp, các ngành đã dần đi vào nền nếp; số lượng cán bộ luân chuyển nhiều, diện luân chuyển phong phú, đa dạng; nhiều cán bộ qua luân chuyển trưởng thành, tích lũy thêm kinh nghiệm và khẳng định được uy tín.
Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này có lúc, có nơi gặp khó khăn, vướng mắc, có hạn chế, khuyết điểm. “Lúc đó, luân chuyển trở thành nỗi “lo lắng” của cấp ủy và cơ quan chuyên trách công tác cán bộ, nỗi “ám ảnh” của cán bộ diện quy hoạch và cả sự “phiền toái” của đơn vị có cán bộ luân chuyển đi và đến”, bà viết và cho biết qua nghiên cứu thực tế, “thấy có nguyên nhân từ những rào cản”.
Việc phỏng vấn sâu nhiều nhóm đối tượng liên quan đến công tác luân chuyển, theo bà Yến, đã cho thấy có 78% cấp ủy viên được hỏi khẳng định luân chuyển là chủ trương bắt buộc, bằng mọi giá phải thực hiện; 18% cán bộ chuyên trách công tác tổ chức - cán bộ và 14% cán bộ trong quy hoạch lại cho rằng không cần luân chuyển, vì từ trước đến nay trong công tác cán bộ đã có việc bố trí, điều động, tăng cường khi cần thiết.
Đáng chú ý, có 37% cán bộ diện quy hoạch không muốn hoặc chưa sẵn sàng luân chuyển; 12% cán bộ địa phương không muốn có cán bộ luân chuyển đến vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định tổ chức, 47% không muốn cán bộ nơi khác đến lại giữ chức danh chủ chốt vì nghĩ đó phải là người tại chỗ; 78% cán bộ đang luân chuyển muốn về trước thời hạn và 100% cán bộ luân chuyển không muốn trở về vị trí cũ mà muốn ở vị trí cao hơn…
Với những thống kê này, bà Yến cho rằng “đã có một rào cản trong nhận thức của không ít chủ thể lẫn đối tượng luân chuyển, khiến cho mục tiêu và quá trình đào tạo cán bộ bằng luân chuyển bị biến dạng”.
“Vì xem luân chuyển như một chỉ tiêu thành tích, có cấp ủy lên kế hoạch triển khai ráo riết, cán bộ diện quy hoạch, ai chưa luân chuyển sẽ chưa bổ nhiệm… Hàng loạt cán bộ đang ổn định công tác sẵn sàng ra đi, khiến nơi đến phải chia sẻ “ghế”, nơi đi thiếu người làm việc, nơi về lúng túng sắp xếp lại. Vì đối phó, nên thời gian, địa điểm, diện luân chuyển không được nghiên cứu kỹ, kế hoạch đại khái, nhiệm vụ giao cho cán bộ luân chuyển không rõ ràng, thời gian không đảm bảo. Có người mới luân chuyển mấy tháng, một năm đã “về”, coi như cán bộ hoàn thành nghĩa vụ và tổ chức hoàn thành chỉ tiêu. Có người đi mất luôn “ghế”, đến hạn rồi tổ chức không sắp xếp được để rút về vì hết chỗ bố trí “ghế” tương đương”, bà viết.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia về hành chính của Việt Nam cho rằng với các cán bộ luân chuyển, nếu chỉ làm “cấp phó” thì có thể coi như một đợt “tập huấn nghiệp vụ” để bổ sung kiến thức, kinh nghiệm điều hành, quản lý.
Nhưng với cấp trưởng, chẳng hạn bí thư tỉnh ủy hay chủ tịch UBND tỉnh, thường sẽ có những áp lực rất lớn.
Chuyên gia nói rằng một nhân sự khi nhận quyết định luân chuyển đi làm “cấp trưởng” tại địa phương như vậy sẽ chịu áp lực tạo dấu ấn tại địa phương đó, nhưng trong một nhiệm kỳ, rất khó cho người đó có thể tạo dấu ấn mà vẫn “an toàn”.
“Thường thì với kỳ vọng của tổ chức và sự hồ hởi của cá nhân, một nhân sự sẽ rất muốn tạo ra dấu ấn ngay. Nhưng trong một nhiệm kỳ, nhân sự đó sẽ phải mất thời gian cho việc làm quen môi trường mới, cả về công việc lẫn quan hệ công việc”.
“Tiếp theo đó, mặc dù kỳ vọng tạo ra những thành quả vượt trội, nhân sự đó có thể nhận thấy khó khăn trong việc thực thi những mục tiêu chính mình đặt ra. Còn trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ, phản ứng chung sẽ là làm tròn vai, thay vì dấn thân cho những mục tiêu đã được đưa ra từ đầu nhiệm kỳ”, ông nói.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo