Luật Báo chí của Việt Nam rất tiến bộ, nhưng…
Tiếp tục cuộc trả lời phỏng vấn của PV báo điện tử Infonet, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn nói: “So với các luật khác của Việt Nam thì Luật Báo chí rất tiến bộ, nhưng suốt thời gian dài tác động của nó trong xã hội không phải là lớn”. Vì sao lại như vậy?
Xin ông cho biết tiến trình xây dựng Luật Báo chí của Việt Nam trong thời gian qua?
Ông Đỗ Quý Doãn: Luật Báo chí của chúng ta xây dựng từ năm 1989. Đó là luật lần thứ nhất, công bố ngày 31/12/1989; sau đó sửa đổi bổ sung, công bố ngày 12/6/1999. So với các luật khác của Việt Nam thì luật báo chí rất tiến bộ, rất thoáng, phù hợp với xu thế đổi mới của đất nước. Quyền thông tin, quyền tự do thông tin, vấn đề cung cấp thông tin, vai trò của báo chí, của các cơ quan báo chí, của các nhà báo trong xã hội rất lớn. Nhưng suốt thời gian dài, việc khai thác thế mạnh của luật này, công tác tuyên truyền, phổ biến luật này chưa phải là mạnh, cho nên tác động của nó trong xã hội không phải là lớn.
Năm 1999, luật mở rộng thêm một số quyền và nhiệm vụ cho báo chí theo các chủ thể tham gia hoạt động báo chí. Trong đó vấn đề phát ngôn và cung cấp thông tin là vấn đề rất lớn, được các luật hết sức chú ý. Nhưng rất tiếc, trong việc thực thi có thể nói là rất hạn chế. Báo chí tiếp cận với các nguồn thông tin vô cùng khó khăn, các cơ quan hành chính nhà nước tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí không thường xuyên, không đầy đủ.
Tôi nhớ cuộc họp Chính phủ nào thì Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cũng đều yêu cầu vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí. Nghị quyết thường kỳ của Chính phủ tháng nào cũng đều có câu “tăng cường cung cấp thông tin, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí” nhưng phải nói vẫn rất là khó. Nhiều cơ quan hành chính nhà nước thậm chí chỉ cử cho có người chứ tìm cách né tránh. Lúc báo chí tiếp cận tới thì đùn đẩy, nhiều nơi lại có ý “vòng vo tam quốc”, cho nên những thông tin chính thống nhất, kịp thời nhất cho báo chí có phần bị hạn chế.
Trước tình hình đó, Bộ TT-TT đã có những cách thức xử lý như thế nào?
Ông Đỗ Quý Doãn: Vấn đề đặt ra là làm sao để báo chí tiếp cận thông tin nhanh nhất, chính thống nhất, chính xác nhất và cái đó là sự hưởng thụ của công chúng chứ không ai khác. Do lẽ đó, Bộ TT-TT đã xây dựng văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 77 (năm 2007). Quyết định này ra đời cũng giúp cho các cơ quan báo chí trong vấn đề tiếp cận thông tin để có được những thông tin chính thống kịp thời hơn.
Nhưng rõ ràng việc thực hiện Quyết định 77 vẫn có rất nhiều hạn chế. Nhiều chế tài trong đó chưa bảo đảm cho tính toàn diện. Ví dụ như trách nhiệm của người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan báo chí như thế nào, các chế tài xử lý nếu người được phân công trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí từ chối việc cung cấp hoặc không cung cấp, hoặc gây khó khăn cho việc cung cấp thông tin… thì trong Quyết định 77 không có nên rõ ràng trong quá trình thực thi cũng có những hạn chế.
Chưa nói đến vấn đề tổ chức thực hiện, nhiều nơi cứ theo dạng Bộ tôi, tỉnh tôi cử ông Phó Chủ tịch hay Chánh Văn phòng phát ngôn rồi, ai đến thì cứ bảo đến gặp ông phát ngôn ấy, hỏi việc gì cũng bảo cứ gặp ông ấy. Hóa ra vô hình chung khi có Quyết định 77 thì báo chí lấy thông tin còn khó hơn trước.
Tại sao lại như vậy, thưa ông?
Ông Đỗ Quý Doãn: Trước đây báo chí hỏi ai cũng được, nhưng từ khi có Quyết định 77 thì người ta nghĩ rằng bây giờ chỉ được hỏi một người thôi. Như vậy là nhận thức trong xã hội, nhận thức của các cơ quan hành chính nhà nước về vấn đề này có rất nhiều lệch lạc. Nhiều cơ quan báo chí phải kêu trời. Trước đây hỏi ông chuyên viên còn được, còn bây giờ bảo có ông phát ngôn rồi, nếu tôi nói “không phải đầu thì cũng phải tai”. Ông nào cũng thế.
Rõ ràng đây là cái rất hạn chế. Chúng tôi cũng thấy được điều đó nên sau hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 77 về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, Chính phủ giao Bộ TT-TT xây dựng một Quyết định mới là Quyết định 25 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 4/5/2013. Lần này cần phải quán triệt một cách rất kỹ lưỡng, trước hết là các cơ quan báo chí, để thấy được quyền của mình như thế nào, trách nhiệm của mình như thế nào. Và chính báo chí thúc đẩy làm cho xã hội hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn Quyết định 25 về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Các đồng chí lãnh đạo nhấn mạnh, đây là vấn đề sống còn. Tất cả những vấn đề quốc gia đại sự của đất nước này, nếu chúng ta làm tốt công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì xã hội sẽ nhận thức đúng. Và khi đã nhận thức đầy đủ, nhận thức đúng thì mới có thể có được hành động đúng. Muốn có phong trào đều phải từ nhận thức này cả. Phải có thông tin chứ. Nếu người dân không có đủ thông tin để nhận thức và hành động đúng thì không thể tạo ra sự đồng thuận trong xã hội được đâu. Tuy nhiên vấn đề cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí vẫn còn kém.
Xin ông nói rõ hơn về những điều “còn kém” đó?
Ông Đỗ Quý Doãn: Tôi dự nhiều cuộc họp báo; và nhiều tỉnh, nhiều bộ, ngành cũng đến đăng ký với Bộ TT-TT cho chúng tôi lên báo cáo cái nọ, báo cáo cái kia. Nhưng sau đó tôi bảo các ông cung cấp thông tin như thế thì chỉ “chọc ngứa” báo chí thôi. Bởi vì thứ nhất là các ông chuẩn bị rất yếu. Thứ hai là những vấn đề đặt ra cho báo chí là cái gì? Quan điểm chính thống của các ông là cái gì thì không rõ.
Ông được cử ra làm người phát ngôn cho tỉnh A, tỉnh B thì rõ ràng ông phải mang tiếng nói chính thống của tỉnh đó. Ông phải rõ quan điểm, nói lui nói tới, nói trời nói đất gì ông cũng phải bám vào quan điểm đó. Nhưng rất nhiều nơi tổ chức họp báo song không rõ quan điểm. Không biết mình thế nào, cho nên nó cứ loạn xì ngầu lên.
Trong vụ Tiên Lãng, Bộ TT-TT, Ban Tuyên giáo TƯ và các đồng chí lãnh đạo thấy đây là vụ việc phức tạp, nếu làm tốt việc phát ngôn và cung cấp thông tin thì báo chí đỡ rất nhiều. Nhưng khi phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì làm chưa tốt nên dẫn đến tình hình vốn đã phức tạp lại phức tạp thêm. Đó là do khi thay mặt chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn với báo chí, người phát ngôn không chuẩn bị mà cứ lên nói đại, ngang đâu nói đấy, nói theo kiểu tùy hứng.
Bao giờ cũng vậy, việc chuẩn bị phát ngôn hết sức quan trọng, cuối cùng là phải rõ quan điểm. Cử người nào thay mặt cơ quan hành chính nhà nước thì tùy nhưng khi người đó phát ngôn thì đó là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Dù người đó ở vị trí nào nhưng khi phát ngôn là thay mặt người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước và tiếng nói đó là của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Phải thấy được tầm vóc đó để mà chuẩn bị. Đáng lý việc nó là thế nhưng ông nói một hồi cuối cùng cứ chọc “chỗ ngứa” lên, càng nói càng kinh hơn là không họp báo.
Có nhiều vụ việc xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội và dư luận xã hội đang hết sức quan tâm nhưng nhiều cơ quan hành chính nhà nước lại hay tránh né, sợ họp báo sẽ vây chuyện ra. Vì sao như vậy thưa ông?
Ông Đỗ Quý Doãn: Đó là vì bản lĩnh của những người phát ngôn và cung cấp thông tin, bản lĩnh của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Phải rất rõ ràng mới giải quyết được vấn đề này. Tôi ví dụ xung quanh những vấn đề về y tế. Những vấn đề đặt ra không phải khó đến mức, hay xã hội không đồng cảm. Người ta đồng cảm lắm chứ, bởi vì dân ngày nào chẳng vào bệnh viện, hoàn cảnh thế nào người ta biết cả.
Nhưng vấn đề người ta đòi hỏi ở đây là gì? Là một sự rõ ràng, một quan điểm rõ ràng, minh bạch của những người làm nhiệm vụ trong lĩnh vực này. Khi có một sự cố xảy ra, như khi 3 cháu bé tiêm văcxin bị tử vong ở Quảng Trị, xin thưa là ở các nước, với những sự việc liên tiếp như thế thì người đứng đầu trước tiên phải đứng ra xin lỗi.
Như vụ máy bay Hàn Quốc bị tai nạn, có 3 công dân Trung Quốc chết, bà Tổng thống Hàn Quốc phải xin lỗi nhân dân Trung Quốc, dù hãng hàng không đó thế nào đi nữa thì cũng là uy tín của Hàn Quốc. Còn người đứng đầu ngành hàng không Hàn Quốc phải sang tận nơi để xin lỗi. Vậy mà ở mình, 3 đứa trẻ tươi như bông hoa chết mà coi như không, lại còn nói “vòng vo tam quốc”.
Lẽ ra khi 3 cháu bé qua đời, người đứng đầu ngành y tế cần có ý kiến ngay rằng, bây giờ vụ việc đã vượt qua vấn đề chuyên môn rồi, hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra. Tôi thay mặt cho Bộ chuyên ngành này gửi lời xin lỗi đến tất cả những người phụ nữ trong cả nước, những người mẹ mất con. Đấy là nỗi đau không chỉ của các gia đình mà ngay bản thân tôi cũng mang nỗi đau như thế. Mong các cơ quan báo chí hết sức chia sẻ.
Tôi nghĩ khi nghe người đứng đầu ngành y tế nói chúng tôi cũng rất mong muốn làm rõ, để như một nén nhang thắp cho những cháu bé xấu số, như một lời tạ tội và mong mọi người bình tĩnh để các cơ quan chuyên môn tiến hành điều tra… Báo chí cũng là con người, nghe như thế thì báo chí còn “mủi lòng” bởi mấy ông viết lách là hay xúc động lắm. Nhưng đằng này báo chí, xã hội không thấy được những điều như thế nên mới bức xúc.
Cũng như trận lũ lịch sử tháng 11 vừa rồi. Tôi phải nói là dân mình tốt vô cùng. Khi họ nghe một lời xin lỗi, nghe lãnh đạo xin lỗi nữa thì họ dễ mủi lòng lắm. Mất gì đâu? Nhưng mà không. Lại nói cái này tất cả chúng ta đều có lỗi. Chúng ta là ai? Tại sao lại chúng ta? Nghe như vậy báo chí khó thông lắm, mà báo chí không thông thì làm sao nói cho dân thông được!
InforNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Cột tin quảng cáo