Tin tức - Sự kiện

Luật Dự trữ quốc gia được biểu quyết thông qua

Sáng 20/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật này với 471/472 ý kiến tán thành (chiếm 94,58%).

Luật quy định mục tiêu của dự trữ quốc gia là Nhà nước hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh.

Chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức dự trữ quốc gia

Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết một số ý kiến đề nghị có chế độ, chính sách riêng đối với người làm công tác dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không nên áp dụng chế độ riêng đối với những người làm công tác dự trữ quốc gia hoặc chỉ nên áp dụng đối với một số đối tượng làm công tác dự trữ quốc gia tại vùng sâu, vùng xa, tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất độc hại…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trên thực tế, người làm công tác
dự trữ quốc gia có điều kiện làm việc đặc thù, có khó khăn riêng (phải làm việc trong nhiều tình huống khẩn cấp, nguy hiểm). Vì vậy, cần có chính sách động viên, khuyến khích người lao động gắn bó với công tác dự trữ quốc gia, nhưng mặt khác, cũng bảo đảm tính công bằng giữa người làm trực tiếp công tác dự trữ quốc gia với người chỉ làm công tác hành chính tại các bộ, ngành. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh sửa và trình Quốc hội xem xét.

Theo đó, Điều 9 của Luật Dự trữ quốc vừa được Quốc hội thông qua gia quy định: Người làm công tác dự trữ quốc gia bao gồm: Công chức, viên chức làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách; người làm công tác dự trữ quốc gia là quân nhân, công an thì được hưởng phụ cấp thâm niên; tùy theo lĩnh vực, tính chất công việc được hưởng phụ cấp ưu đã nghề.

Như vậy, công chức, viên chức làm công tác dự trữ quốc gia tại các bộ, ngành không được hưởng chính sách trên.

Quy định danh mục hàng dự trữ quốc gia

Điều 27 của Luật quy định các mặt hàng thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia phải đáp ứng mục tiêu dự trữ quốc gia được quy định tại Điều 3 và một trong các tiêu chí: Là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách; Là mặt hàng đặc chủng, không thể thay thế; Là vật tư, thiết bị, hàng hóa bảo đảm quốc phòng, an ninh mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại.

Điều 27 cũng quy định Danh mục hàng dự trữ quốc gia bao gồm các nhóm hàng: Lương thực; Vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn; Vật tư thông dụng động viên công nghiệp; Muối trắng; Nhiên liệu; Vật liệu nổ công nghiệp; Hạt giống cây trồng; Thuốc bảo vệ thực vật; Hóa chất khử khuẩn, khử trùng làm sạch môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt và trong nuôi trồng thủy sản; Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người; Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cây trồng, nuôi trồng thủy sản; Vật tư, thiết bị, hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh.

Trong trường hợp cần điều chỉnh Danh mục hàng dự trữ quốc gia, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.


Hồng Lĩnh (Theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo