Luật sư nói gì về cái gọi là trường “ma” của Mỹ liên kết đào tạo tại VN?
Những ngày qua, dư luận rất quan tâm tới việc Trường George Washington International School (GWIS) liên kết dạy song bằng ở 14 tỉnh thành Việt Nam nhưng lại bị cho là trường “ma”. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Sở Giáo dục địa phương có liên quan yêu cầu các trường dừng liên kết đào tạo với GWIS.
Để làm rõ hơn khía cạnh pháp lý vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Vũ Thái Hà – Chủ tịch Công ty Luật YouMe.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép cho trường GWIS liên kết đào tạo tại Việt Nam dựa trên căn cứ pháp luật nào? Bộ hay Sở có quyền yêu cầu các trường chấm dứt hoạt động liên kết đào tạo vì trường GWIS bị cho là không có cơ sở vật chất, giáo viên hay không?
Luật sư Vũ Thái Hà: Việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học trước đây được quy định tại Nghị định số 06/2000/NĐ-CP ngày 06/3/2000 của Chính phủ về hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Hiện nay, các quy định này đã được thay thế bởi Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/09/2012 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Tuy nhiên, việc liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục nước ngoài trong cơ sở giáo dục tiểu học, phổ thông không thuộc phạm vi điều chỉnh bởi Nghị định số 73/2012/NĐ-CP cũng như các quy định pháp luật khác.
Do đó, việc liên kết đào tạo này có thể là do các trường hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thực hiện. Pháp luật cũng không có quy định nào yêu cầu cơ sở giáo dục nước ngoài phải có điều kiện vật chất, giáo viên… cụ thể ra sao.
Vì thế, nếu cơ sở giáo dục nước ngoài không vi phạm pháp luật Việt Nam thì Bộ hay Sở không có căn cứ để yêu cầu hay buộc chấm dứt hoạt động liên kết đào tạo. Xét về bản chất, việc liên kết đào tạo giữa các trường Việt Nam với trường nước ngoài là thỏa thuận dân sự, dựa trên hợp đồng hợp tác.
Việc cấp văn bằng chứng chỉ của trường nước ngoài tuân theo quy định của pháp luật nước ngoài, nó nằm ngoài sự quản lý của nên cơ quản lý cơ quan quản lý giáo dục Việt Nam.
Việc mở trường phổ thông tư thục ở Mỹ được quy định thế nào? Pháp luật Mỹ có buộc trường phổ thông tư thục phải có cơ sở vật chất, giáo viên, chương trình học... như tại Việt Nam hay không?
Luật sư Vũ Thái Hà: Trường phổ thông tư thục tại Mỹ là một tổ chức kinh doanh tư nhân hoặc tổ chức phi lợi nhuận cung cấp hoặc hướng dẫn toàn thời gian các môn học ở cấp tiểu học, trung học cơ sở hoặc trung học.
Các trường tư thục hoạt động ngoài phạm vi quản lý của Sở giáo dục tiểu bang cũng như các quy định giáo dục của tiểu bang. Các trường tư chịu trách nhiệm trực tiếp đối với sinh viên và phụ huynh hoặc người giám hộ của học sinh dựa trên các điều khoản của hợp đồng tuyển sinh.
Các Sở giáo dục tiểu bang không có thẩm quyền theo luật định để điều chỉnh hoặc giám sát các trường tư thục hoặc giáo dục tư nhân, trừ khi họ yêu cầu chứng nhận NPS (Non Public School).
Ở các tiểu bang, không có giấy phép của cơ quan tiểu bang, điều chỉnh hoặc giám sát các trường tư thục, ngoại trừ trường tư yêu cầu chứng nhận NPS.
Trường tư là một tổ chức kinh doanh hoặc phi lợi nhuận bắt buộc phải tuân thủ các yêu cầu của luật địa phương nơi nó có trụ sở ví như, luật quy hoạch, luật an toàn, sức khỏe, y tế luật phòng chống cháy nổ hoặc các quy định khác.
Vì vậy, các yêu cầu về cơ sở vật chất, giáo viên, chương trình hay bất cứ yêu cầu nào khác đối với trường phổ thông tư thục không phải là yêu cầu khi mở trường.
Theo quy định pháp luật của Mỹ, việc kiểm định hay công nhận chất lượng giáo dục phổ thông có bắt buộc không? Các trường tư thục có sử dụng chương trình tiểu bang có quản lý chương trình học do tiểu bang yêu cầu không?
Luật sư Vũ Thái Hà: Pháp luật của các tiểu bang không buộc trường tư thục phải được kiểm định hay phải được công nhận. Việc kiểm định hay công nhận hoàn toàn dựa trên sự lựa chọn và sự tự nguyện của trường.
Tại tiểu bang Florida có tới hơn 3000 trường phổ thông tư thục, tuy nhiên, đa phần các trường phổ thông không được kiểm định. Việc kiểm định nếu có, cũng không phải do cơ quan nhà nước thực hiện mà do tổ chức công nhận giáo dục thực hiện dựa trên sự tự nguyện của trường.
Các trường tư thục tự chọn và cung cấp tất cả các chương trình giảng dạy, hướng dẫn và tài liệu giảng dạy cho phù hợp với học sinh của họ. Cơ quan nhà nước không quản lý chương trình giảng dạy của các trường tư thục.
Vậy làm thế nào để xác minh một trường của Mỹ không phải là trường “ma”? Liệu các trường có tên trên danh bạ của Sở giáo dục tiểu bang thì trường này có chất lượng hay không?
Luật sư Vũ Thái Hà: Trường phổ thông tư thục tại Mỹ gần như nằm ngoài sự điều chỉnh của luật giáo dục và sự quản lý của Sở giáo dục. Nó hoạt động theo mô hình của tổ chức kinh doanh tư nhân. Vì vậy, nó sẽ được coi là hợp pháp khi nó được đăng ký kinh doanh hợp pháp.
Việc một trường có tên trong danh bạ của Sở giáo dục, nó chỉ có một ý nghĩa duy nhất: nó có tên trong danh bạ. Tên trường xuất hiện trong danh bạ không đồng nghĩa với việc trường đó được Tiểu bang đã đánh giá, phê chuẩn hay tài trợ cho trường.
Luật quy định về giáo dục phổ thông tư thục tại Mỹ và giáo dục phổ thông tư thục tại Việt Nam có gì khác biệt hay không?
Luật sư Vũ Thái Hà: Tại Việt Nam, giáo dục dù là công lập hay tư thục đều được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật và sự quản lý của cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương.
Tuy nhiên, điều này lại trái ngược hoàn toàn với hệ thống giáo dục phổ thông tư thục tại Mỹ. Hệ thống giáo dục tư thục tại các tiểu bang của Mỹ gần như không hề có sự điều chỉnh của pháp luật cũng như sự quản lý của cơ quan nhà nước.
Hệ thống trường tư thục có một số đặc điểm khác biệt rất lớn đối với hệ thống giáo dục tư thục tại Việt: i) các trường không do Sở Giáo dục cấp phép, chấp thuận, công nhận hoặc quản lý; ii) các trường tự cấp bằng riêng của mình, không cần sự chấp thuận từ tiểu bang; iii) các trường tự thiết lập hệ thống phân loại, báo cáo và đánh giá giáo dục của riêng mình; iv) các trường có mô hình như các mô hình kinh doanh tư nhân.
Họ chỉ báo cáo với mục đích thống kê và trong một số trường hợp luật quy định; v) các trường không phải tuân thủ các yêu cầu được quy định trong đạo luật giáo dục và không thuộc thẩm quyền quản lý của Sở giáo dục.
Vì thế, nếu nhìn nhận dưới góc độ pháp luật Việt Nam, rất nhiều trường phổ thông tư thục tại Mỹ đều có thể gọi là trường “ma” như nhiều người vẫn gọi.
Tại sao trường GWIS bị coi là không có cơ sở vật chất, học sinh mà vẫn tồn tại ở Mỹ và việc họ liên kết đào tạo ra nước ngoài có vi phạm pháp luật, liệu chương trình đào tạo của đó có giá trị hay không?
Luật sư Vũ Thái Hà: Trường “ma” là khái niệm mà báo chí sử dụng để nói về các trường không có thật. Chúng ta không thấy nó, nên chúng ta gọi là “ma”.
Tuy nhiên, việc sử dụng khái niệm trường “ma” để gọi các trường được thành lập hợp pháp tại nước ngoài dù không có cơ sở vật chất, giáo viên… như GWIS vừa qua là không đúng bản chất. GWIS cũng giống như các công ty giáo dục đang triển khai liên kết với các trường ở Việt Nam.
Ở Mỹ, trường tư thục là dạng công ty tư nhân kinh doanh dịch vụ giáo dục, không bị quản lý bởi cơ quan quản lý giáo dục.
Tùy theo mục tiêu kinh doanh mà mỗi trường họ sẽ có chiến lược phù hợp.
Nếu như họ không có mục tiêu hoạt động tại nơi thành lập thì việc phải có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... là không cần thiết khi pháp luật không bắt buộc.
Việc họ liên kết với các trường tại nước ngoài, trong đó có Việt Nam thì tuân thủ pháp luật về liên kết đào tạo tại nước đó.
Việc đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của họ phải được đánh giá tại nước diễn ra hoạt động đào tạo và phải do người học hoặc cơ quan đánh giá thẩm định dựa trên nhiều tiêu chí chứ không thể đánh giá việc họ có hay không cơ sở vật chất, giáo viên, tại nước sở tại.
Vậy để hội nhập được với giáo dục hiện đại của thế giới thì nên ứng xử thế nào với hoạt động liên kết đào tạo?
Hệ thống giáo dục của Việt Nam là hệ thống được nhà nước quản lý tập trung, mọi loại hình giáo dục đều được quản lý bởi các cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương. Việc quản lý tập trung có ưu điểm là đồng nhất về nội dung giảng dạy, chất lượng giáo dục khá đồng đều.
Tuy nhiên, vì được quản lý và theo chương trình chung nên sẽ kém sáng tạo, không có đột phá, và hơn nữa là bộ máy quản lý nhà nước đối với giáo dục sẽ rất cồng kềnh do phải quản lý quá nhiều vấn đề.
Giáo dục là sự truyền dạy kiến thức, kỹ năng, thói quen từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giảng dạy, đào tạo hoặc nghiên cứu. Giáo dục không khác gì sự dạy và học của các thầy - trò thời xưa, thầy hay thì trò giỏi, thầy giỏi thì nhiều trò muốn theo. Trường học ngày nay cũng vậy, theo tôi nên tạo cơ chế cho các trường tự chủ, tự quyết định.
Xét cho cùng, giáo dục tư nhân cũng là một hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ giáo dục, và có coi nó là hoạt động kinh doanh thì mới có cạnh tranh, và có cạnh tranh mới tạo nên chất lượng. Thay vì nhà nước quản lý chặt, hãy để phụ huynh và học sinh tự đánh giá và lựa chọn.
Trân trọng cảm ơn chia sẻ của luật sư!
End of content
Không có tin nào tiếp theo