Luật Việc làm góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động
(hnmo) Đánh giá chung về dự án luật, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật nhằm bảo đảm sự thống nhất trong các quy định pháp luật, thể chế hóa quan điểm của Đảng là “tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn”. Mặt khác, Luật Việc làm sẽ góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020.
Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, các đại biểu nhất trí, dự luật áp dụng với đối tượng là công dân Việt Nam trong nước từ đủ 15 tuổi trở lên, đang có việc làm hoặc chưa có việc làm nhưng có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; người lao động, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có sử dụng lao động.
Về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, các đại biểu tán thành việc đưa nội dung này vào Luật Việc làm, thay vì luật dạy nghề như hiện nay, vì đây là hoạt động hỗ trợ cho người lao động thuộc phạm vi thị trường lao động; khác với việc đánh giá, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề cho người học nghề trong các cơ sở đào tạo. |
“Lâu nay, chúng ta mới chú trọng tới công tác tạo việc làm, chưa chú trọng tới chất lượng. Việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là cần thiết nhằm cải thiện chất lượng lao động”, đại biểu Nguyễn Hữu Đức – Đồng Tháp nhận xét.
Nhiều ý kiến nhất trí, quy định này chỉ áp dụng đối với ngành nghề kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ và được thực hiện theo yêu cầu của người lao động nhằm xác định năng lực làm việc của bản thân để tham gia dự tuyển vào những vị trí công việc mà người sử dụng lao động yêu cầu phải có chứng chỉ nghề và một số ngành nghề, vị trí công việc có ảnh hưởng đến an toàn và sức khỏe. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần quy định cụ thể về quy trình, thủ tục đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề.
“Dự luật cần loại trừ các đối tượng đã qua đào tạo tại các cơ sở đào tạo nghề thì không cần có chứng chỉ hành nghề vì các đối tượng này là các đối tượng điều chỉnh của các luật khác và đã được xác định tay nghề, chuyên môn bởi những đơn vị đủ điều kiện cơ sở vật chất và năng lực. Nếu họ lại phải qua đánh giá thì vô hình chung, sẽ hình thành giấy phép con, không cần thiết và làm phát sinh bộ máy”, đại biểu Chu Sơn Hà – Hà Nội nói.
Đại biểu Vũ Xuân Trường – Nam Định cũng đề nghị phải cụ thể hóa hơn quy định về cấp chứng chỉ ngành nghề. Theo đại biểu Trường, các đối tượng đã qua đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học nay lại phải qua kỳ sát hạch để cấp chứng chỉ nghề là không phù hợp, không góp phần làm giảm bớt các thủ tục hành chính. Vì vậy, quy định này chỉ nên áp dụng với các đối tượng chưa qua đào tạo.
Tán thành quan điểm này, đại biểu Phạm Thị Trung – Kon Tum đề xuất thêm: “Để đảm bảo tạo điều kiện cho người lao động về việc làm, dự luật cần quy định rõ đối tượng và điều kiện tham gia đánh giá, làm rõ trách nhiệm và quyền lợi của các cá nhân, tổ chức sử dụng lao động đã tham gia đánh giá nghề quốc gia trong việc tạo điều kiện cho người lao động tham gia đào tạo nghề có việc làm”.
Đáng chú ý, về bảo hiểm thất nghiệp, các đại biểu tán thành với quy định đây là chính sách bảo hiểm ngắn hạn, được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, thực hiện từ ngày 01/01/2009 nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, đồng thời hỗ trợ người lao động học nghề, tìm việc làm mới phù hợp, sớm đưa họ trở lại làm việc.
Với khoảng 67% lực lượng lao động không có quan hệ lao động, các đại biểu Nguyễn Thúy Hoàng – Thái Bình, Trần Thị Hiền – Hà Nam, Lê Thị Nguyệt – Vĩnh Phúc, Mã Điền Cư – Quảng Ngãi, Đặng Thuần Phong – Bến Tre… cũng nhất trí, cần có những biện pháp để thu hút số lao động thuộc nhóm này tham gia loại hình bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển.
Tuy nhiên, việc mở rộng và quản lý các đối tượng này tham gia bảo hiểm thất nghiệp là khá phức tạp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp dễ bị lạm dụng do những khó khăn trong việc xác định tình trạng thất nghiệp, công tác thu - chi, khả năng quản lý đối tượng… Do đó, một số đại biểu đề xuất, dự luật chỉ nên dừng lại ở nhóm lao động có hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. Đối với nhóm lao động còn lại do chưa có kinh nghiệm, dự thảo Luật nên quy định nguyên tắc, giao cho Chính phủ trong từng giai đoạn quy định điều kiện để tổ chức thực hiện phù hợp với khả năng quản lý và trình độ phát triển kinh tế xã hội.
Vân An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh