Tin tức - Sự kiện

Lùi thời điểm áp dụng Thông tư 02/NHNN: “Hai mặt” đồng tiền

Muốn đẩy nhanh sự dịch chuyển dòng tiền, lần đầu tiên ngân hàng nhà nước mạnh tay hạ lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên về 10%, chủ động đề xuất hoãn binh nợ xấu” lùi thời gian áp dụng Thông tư 02/ 2013/TT-NHNN...
Dám chịu trách nhiệm
 
Sự khó khăn của doanh nghiệp (DN) ngày càng trầm trọng hơn. Số lượng DN thành lập mới bằng số DN  giải thể. Nhằm thay đổi cục diện, NHNN hạ các mức lãi suất chủ chốt (lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu) để tạo điều kiện cho các NHTM tăng tiền đồng ra thị trường. NHNN kêu gọi các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tích cực phối hợp với khách hàng vay để có những biện pháp tháo gỡ phù hợp. Tất cả các khoản vay cũ cũng được đưa về lãi suất dưới 13%. 
 
NHNN kỳ vọng dòng tiền chảy được đến tay DN. Động thái điều hành và đích nhắm đến của NHNN cần thời gian. Và làm thế nào để DN mặn mà vay vốn, NHTM cải thiện được tốc độ tăng trưởng tín dụng, dòng máu tiền đồng vận hành không đứt mạch? Rõ ràng tình huống hiện nay cần sự điều hành nhịp nhàng của NHNN.
 
Định hướng thời gian tới, NHNN khẳng định: sẽ tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. 
 
 "Việc làm lớn” được NHNN đề xuất là lùi thời gian áp dụng thông tư 02/2013/TT-NHNN. Nội dung thời sự và quan trọng của thông tư áp dụng các quy định mới về phân loại nợ theo hướng chặt chẽ hơn. Thông tư 02 có hiệu lực, từ ngày 1-6 tới nợ được cơ cấu của DN sẽ bị chuyển sang nhóm nợ xấu.  Thông tư 02 từng bước tiệm cận với nguyên tắc quản trị NH của Basel II và có ý nghĩa như cổng gác barie bảo vệ an toàn hoạt động hệ thống.
 
Tuy nhiên, nếu áp dụng đúng hạn toàn bộ khách hàng có nợ gia hạn đều bị chuyển nhóm nợ xấu, điều này đồng nghĩa với việc hàng loạt các DN sẽ không đủ điều kiện để vay vốn. Ngân hàng cũng khó có thể tăng trưởng tín dụng
 
"Nếu DN bị xếp vào nhóm nợ xấu thì rất khó để tiếp cận với vốn, tình trạng khó khăn sẽ tăng thêm và rất có thể dẫn tới phá sản. Nên với lộ trình kéo dài thời gian, không để cho DN bị đánh giá và chuyển vào nhóm nợ xấu, thì có thể phần nào hỗ trợ cho DN”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận định.
 
Với hai điểm mở "hoãn binh” nợ xấu, giảm lãi suất, chắc chắn có tác động nhất định lên thị trường. Trong quá trình này, các NHTM chủ động linh hoạt cơ cấu lại nợ xấu, nhằm kích thích các DN tiếp cận vốn.
 
Giới ngân hàng nhìn nhận, cơ quan quản lý ngành ngân hàng muốn tăng tỷ lệ vốn huy động dài hạn để tăng tỷ lệ cho vay trung, dài hạn từ 30% lên mức cao hơn. Đây là việc làm đúng đắn, vì nhiều DN thực ra vẫn đang khát vốn dài hạn này.
 
Treo nợ xấu, cứu DN
 
Tại Việt Nam, tín dụng ngân hàng ảnh hưởng tới 82% khu vực kinh tế doanh nghiệp, trên 30% khu vực đầu tư công và 28% vốn FDI… Nợ xấu tập trung vào khu vực DN nhà nước, DN bất động sản và công ty sân sau của ngân hàng (các công ty con). Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tại Việt Nam do tăng trưởng ảo vì cạnh tranh giữa các ngân hàng và áp lực từ phía cổ đông. Trách nhiệm nợ xấu trước tiên là thuộc về ngân hàng nhưng cùng đó phải kể đến cả chính sách vĩ mô thả lỏng đồng tiền một thời của chính NHNN. 
 
Vì vậy, trong giai đoạn cứu DN, bản thân khối ngân hàng cũng rất cần sự minh bạch và áp dụng tiêu chí an toàn trong dài hạn, có cảnh báo sớm.Trước khi khơi thông được huyết mạch, cơ quan quản lý cần nắm được  mọi ngóc ngách cũng như sức khỏe toàn hệ thống. 
 
Muốn minh bạch ngân hàng nhưng lại làm tổn thương DN; Trong khi sức khỏe nền kinh tế đang "cận đáy” thì liệu có nên? 
 
Ông Trần Lục Lang, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, "một DN thường vay vốn nhiều ngân hàng, nếu một ngân hàng đánh giá khoản nợ thuộc nhóm xấu thì các ngân hàng cũng phải đánh giá tương đương. Điều này khiến DN rất khó để vay vốn”. Giới ngân hàng cũng lo sợ, khi áp dụng các quy định mới, sẽ khiến nợ của DN sẽ thay đổi theo hướng bất lợi, DN bị tính thêm chi phí đánh giá tài sản. 
 
Đứng ở góc độ là DN, ông Bùi Công Thanh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty XNK Thành An) nói: tài sản tích lũy của DN cố gây dựng có thể bị phá hủy chỉ vì 1 chính sách đưa ra không đúng thời điểm. "NHNN nên chia sẻ cho DN trong lúc khó khăn. Đó là thế cờ để DN cùng NHTM cùng xoay”
 
Tuy nhiên, TS Đinh Tuấn Minh lại cho rằng, về mặt chính sách cần phải minh bạch nợ xấu. Nếu áp dụng Thông tư 02, xét cho cùng sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống. Nếu như không áp dụng Thông tư 02, thì con số nợ xấu vẫn nằm trong vùng tù mù, và bất kỳ giải pháp nào NHNN đưa ra cũng không phát huy hết tác dụng. Bản thân NHTM phải rõ ràng với chính sổ sách của mình trước đã.
 
Theo ông Minh cho rằng, quan trọng nhất nắn dòng vốn và xử lý bất ổn trong nội tại một số ngân hàng để hướng dòng vốn vào nơi thực sự có hiệu quả, phục vụ sản xuất kinh doanh và nên chú ý đến khu vực kinh tế tư nhân vì có sức bật nhanh. Các ngân hàng bằng kỹ thuật tài chính chuyển nợ của DN này làm vốn cho DN khác thì tín dụng có tăng cũng chỉ là "ảo”. Chỉ trên sổ sách thì không giải quyết được được khó khăn cho DN.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐĐK
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo