Lùng bạc cổ ngàn đô miền sơn cước
Trần Anh Vũ, một trong những gã thợ bạc miền sơn cước ấy kể, đồng bào dân tộc rất quý thợ bạc, thậm chí coi họ như "vua".
Nghề "đánh bạc"
Vũ kể, ngày ấy, dồn tất cả gia tài anh mua một bộ đồ chế tác, cùng đám thợ bạc Đồng Sâm đến huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đi chế tác bạc thuê.
"Tôi cứ lang thang hết từ bản này đến bản khác, hễ gia đình nào cần đánh trắng bạc, hay chế tác lại vòng bạc là tôi ở lại làm. Khi bà con thấy mình làm bạc rất đẹp, tinh xảo nên bà con thích lắm. Mỗi lần làm bạc phải ở lại nhà dân khoảng 2 - 3 ngày, cơm nuôi, mỗi ngày lại có thêm 25.000đ tiền công. Theo Vũ, 25.000đ tiền công lúc đó giá trị bằng nửa phân vàng, nếu đem so với hiện nay thì tương đương với 200.000đ" - Vũ kể.
Hồi đó, bà con nơi dân tộc cũng có dụng cụ làm bạc, nhưng họ làm theo cách thủ công, thô sơ, chỉ có cái bếp than sến, một cái búa, nên độ tinh xảo trong sản phẩm của bà con không đẹp bằng người Kinh làm. Hàm lượng bạc trong đồ trang sức của bà con cũng không bằng người Kinh, thông thường chỉ đạt được 60% còn lại là đồng và kim loại khác. Vậy là Vũ cứ lang thang khắp nơi hành nghề, từ Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu...
Anh Vũ hiện là người duy nhất ở Yên Bái chế tác bạc cho bà con dân tộc. |
Bám bản làng lâu thành thử gã thành "thổ công" miền viễn sơn. Hễ trong bản có ai muốn làm bạc, hay bán bạc lại tìm đến gã. Và cái máu lang thang cũng ngấm vào người gã từ lúc nào không hay.
Vũ tâm sự rằng, đã có lúc chán cảnh long đong nơi rừng núi nên gã về xuôi làm nghề buôn gỗ. Rồi như cái nghiệp với nghề bạc, đi buôn gỗ gã bị công an bắt thu hết gỗ, cuối cùng lại trở về tay trắng và nợ thêm 2 cây vàng nữa. Sau thất bại đó gã lại lọc tọc đi làm thuê cho mấy tiệm vàng, bạc ở Hà Nội kiếm sống, sau đó gã lại mò lên miền Viễn Sơn, Xuân Tầm... đi đánh bạc.
Lang thang tìm đồ bạc giá cả trăm triệu đồng
Thấy cánh phóng viên chúng tôi tò mò về nghề thợ bạc Vũ nói: "Hay chúng mình làm một "cuốc" lên Xuân Tầm chơi cho đã và cũng để hiểu thêm về nghề bạc. Lên đó chủ yếu là bà con dân tộc Dao đỏ sinh sống, dân còn giữ được nhiều đồ trang sức bằng bạc".
Nói rồi chúng tôi cưỡi lên con xe máy ì ạch vượt những cung đường đầy ổ gà ổ voi đến với Xuân Tầm. Vũ dẫn tôi đến nhà một người tên là Triệu Văn Sinh, một chân rết bạc của Vũ. Sau một đêm lất ngất men rượu, ông Sinh lại dẫn tôi lang thang qua các bản làng trong xa Xuân Tầm tìm mua bạc.
Theo Anh Vũ, thợ bạc thường lùng sục những loại bạc cổ như bạc thỏi thời Minh - Thanh, đồng bạc thời Pháp, đồng bạc thời Nguyễn, bạc hoa xòe... Trên những thỏi bạc thời Minh - Thanh thường có chữ khắc niên hiệu từng thời vua, chẳng hạn "càn long ngũ thập cửu niên" khắc ở mặt trước.
Mặt sau khắc chữ "hành nguyên hiệu chính ký". Hay đồng bạc thời Nguyễn thì khắc chữ "Gia Long niên tạo" mặt trước, mặt sau khắc "chính ngân nhất lượng"... Những loại bạc này chất lượng bạc rất tốt. Hàm lượng bạc có thể đạt tới 97 - 98% và được dân chơi bạc mua với giá cao, thậm chí dân chơi có thể ngã giá cả trăm triệu đồng để sở hữu những loại bạc như vậy
Hiện Anh Vũ đã sưu tầm được một số loại bạc có giá trị, như bạc thời Nguyễn, đồng bạc thời Pháp trọn bộ từ 1885 - 1931, đồng bạc hoa xòe... Hiện nay, muốn tìm những loại bạc cổ thường rất khó, vì có thời gian người Trung Quốc đã sang và thu gom rất nhiều, chỉ còn ít hộ giữ lại để cử hành một số nghi lễ theo phong tục của dân tộc mình.
Ông Sinh cũng là người dân tộc Dao đỏ nên dễ trao đổi với người dân địa phương hơn Vũ. Sinh nói: Thằng Vũ nó có biết tiếng Dao đấy. Nhưng nó nói không thạo mấy đâu. Nhưng vì nó làm bạc đẹp, tính lại thật thà nên bà con quý nó lắm!
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo