Tin tức - Sự kiện

Lương y Phó Hữu Đức và những trăn trở với nghề

“Muốn phát triển cũng không có điều kiện để phát triển. Muốn phát triển dịch vụ khám nhân đạo, từ thiện cũng phải có cơ sở. Ngoài ra hiện nay nhu cầu của người dân về khám chữa những bệnh thông thường như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt … rất lớn nhưng cơ sở vật chất, mặt bằng không có nên cũng lực bất tòng tâm”.

Lương y Phó Hữu Đức đang khám bệnh cho bệnh nhân (nguồn internet)

Đây là trăn trở của lương y Phó Hữu Đức, Chủ tịch Hội Đông y quận Cầu Giấy về sự phát triển của hội trong tương lai.

 
Chúng tôi gặp Lương y Phó Hữu Đức ngay sau ngày kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Đông y quận Cầu Giấy. Chúng tôi đến phòng khám của ông vào một ngày ngoài ca trực, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là ở phòng khám nhỏ ở số 6/169A Cầu Giấy có rất đông bệnh nhân. Trong lúc chờ anh Đức khám bệnh phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ quan sát, tìm hiểu các bệnh nhân và được biết, đa phần bệnh nhân đến khám và điều trị ở đây đều đã được điều trị ở các bệnh viện lớn khác nhưng không thành công.
 
Những điều trông thấy khiến chúng tôi thắc mắc, nhu cầu khám chữa bệnh về đông y rất lớn vậy tại sao một Hội đông y có bề dày lịch sử 15 năm như Hội Đông y quận Cầu Giấy lại không có điều kiện để phát triển.
 
Lương y Phó Hữu Đức cho biết: “Hội Đông y quận Cầu Giấy đã có 15 năm hình thành và phát triển, cũng có thể coi là một trong những hội đông y mạnh ở thành phố Hà Nội. Tuy nhiên chúng tôi thấy nó vẫn chưa xứng tầm so với đội ngũ thầy thuốc mà chúng tôi đang có (hiện hội có khoảng hơn 100 hội viên), là những lương y, thầy thuốc có tâm, có tài, yêu nghề, nhiệt huyết”.
 
Tuy hội đã có 15 năm thành lập nhưng chủ yếu do các thành viên trong hội tự tổ chức, đóng góp để sinh hoạt với nhau. Không có sự hỗ trợ nào về mặt kinh phí cũng như về mặt bằng để hoạt động. Đến năm 2014 hội mới được cấp một văn phòng nhỏ ở địa chỉ số 4 Phạm Hùng, Cầu giấy còn cơ sở để khám chữa bệnh của người dân cũng chưa có. 
 
Về kinh phí, hiện nay hội mới được quận hỗ trợ vài chục triệu một năm làm kinh phí hoạt động, không có biên chế, không có nguồn thu. Đối với đội ngũ lãnh đạo hội đều làm việc vì cái tâm với nghề, vì trách nhiệm với hội, ngoài ra không có sự trợ cấp nào về lương bổng.
 
Chúng tôi thắc mắc rằng đã có nhiều chính sách của nhà nước hỗ trợ phát triển lĩnh vực Đông y, tại sao không được áp dụng. Lương y Phó Hữu Đức tâm sự: “Đông y còn nhiều cái bất cập, cũng có nhiều chỉ thị, nhiều nghị định nhưng thực tế để giúp cho hội phát triển cũng không được nhiều. Về chính sách, ra rất nhiều văn bản, thông tư nhưng áp dụng không tốt, vì quá coi trọng Tây y". 
 
Nói về những hoạt động của hội, năm 2014 phương thức hoạt động của hội thay đổi nên đã thu hút được nhiều hội viên tham gia. Hội chủ yếu tập trung vào các hoạt động chuyên môn như mời các thầy có tâm huyết, có chyên môn cao về giảng dạy cho hội viên. Hội viên ở các quận khác cũng về đây sinh hoạt, thậm chí có cả hội viên ngoại tỉnh. Điều đó muốn nói lên rằng sự phát triển của Hội đông y quận Cầu Giấy hiện nay là chưa xứng tầm so với nguồn lực về con người và nhu cầu của bệnh nhân hiện nay.
 
Trăn trở lớn nhất của lương y Phó Hữu Đức, với tư cách là chủ tịch hôi, ông mong muốn làm sao để có thêm điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện tài chính để hội có thêm động lực phát triển. Hội phải hoạt động như thế nào, mang lại cho hội viên cái gì, hội viên được cái gì khi tham gia hoạt động. Ngoài ra vấn đề cấp phép hành nghề trong lĩnh vực đông y cũng còn nhiều bất cập khiến cho nhiều bài thuôc quý không được phat huy tác dụng, nhiều thầy thuốc giỏi bị hạn chế hành nghề … Chúng tôi thiết nghĩ, nhà nước cần phải có những cơ chế chính sách thiết thực hơn để hỗ trợ các hội Đông y phát triển.
 
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo