Made in Vietnam

Nguy cơ thực phẩm "made in Vietnam" mất thị phần

Các doanh nghiệp thực phẩm cần hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn nữa để mạnh lên trong chuỗi cung ứng.

VinFuture công bố tiêu chí giải thưởng và chính thức nhận đề cử trên phạm vi toàn cầu / Long An: Khánh thành Nhà máy Dệt- Nhuộm- Hoàn tất

Ngay trong những tháng đầu năm 2021, tại TP HCM, Cơ quan Xúc tiến nông sản và thực phẩm Ireland (Bord Bia) đã nhanh tay tổ chức các lớp học, cuộc thi chuyên đề nấu ăn với nguyên liệu chính là thịt heo đưa từ Ireland sang. Đại sứ quán Ireland thì hỗ trợ sản phẩm cua nâu và ốc Bulot cho hệ thống cửa hàng hải sản Hoàng Gia tổ chức "Lễ hội hải sản Ireland" để khách hàng dùng thử.

Thâm nhập, đeo bám bằng mọi cách

Mục đích các hoạt động này không chỉ giới thiệu cho người dân Việt Nam làm quen sản phẩm mà quan trọng hơn là thu thập thông tin, kết nối với các đầu mối tại Việt Nam có nhu cầu mua nông sản, thực phẩm Ireland.

Trước Ireland, Mỹ cũng đã tổ chức thành công nhiều hoạt động quảng bá, tiếp thị, tìm nhà mua hàng cho các mặt hàng nông sản "made in USA". Kết quả tiêu thụ sản phẩm thịt heo, bơ sữa, phô mai nhập khẩu từ Mỹ tăng vọt trong thời gian ngắn.

Trong 2 năm 2018-2019, hàng chục doanh nghiệp (DN) thực phẩm lĩnh vực hải sản, nông sản, đồ uống cao cấp của Canada cũng nhiều lần bay sang gặp gỡ các đối tác nhập khẩu tiềm năng tại TP HCM để tìm cơ hội bán hàng vào Việt Nam, đồng thời tận dụng chính sách cắt giảm thuế quan từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thời điểm đó, người đứng đầu bang Nova Scotia (Canada) thông tin các DN thực phẩm Canada đang có kế hoạch tập trung vào thị trường Việt Nam bởi theo lộ trình của CPTPP, nông sản, thực phẩm Canada sẽ trở nên cạnh tranh hơn.

Theo giới kinh doanh, các hiệp định thương mại tự do đã mở ra cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu, kinh doanh khắp nơi tiến vào Việt Nam. Thị trường Việt Nam với đặc trưng đông dân, dân số trẻ và số người có thu nhập khá trở lên gia tăng nhanh chóng, sẵn sàng trải nghiệm, hòa nhập nhanh với các trào lưu văn hóa - ẩm thực thế giới chính là "miếng bánh" béo bở cho các DN ngoại khai thác.

Bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm vào Việt Nam, các nhà kinh doanh nước ngoài còn đẩy mạnh đầu tư những dự án chăn nuôi, chế biến thực phẩm, tập trung ở TP Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm tại Đông Nam Á, Tập đoàn Japfa (Indonesia) đã mang cả 4 mảng hoạt động của mình gồm sản xuất thức ăn gia súc, chăn nuôi, chế biến và sản xuất vắc-xin vào Việt Nam. Kế hoạch trong năm nay, Japfa sẽ đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi khép kín từ giống, thức ăn chăn nuôi, trang trại, giết mổ đến chế biến thực phẩm với tổng vốn đầu tư 230 triệu USD. Bên cạnh đó là mở rộng, tăng mức độ nhận diện chuỗi cửa hàng Japfa Best tại TP HCM.

Nguy cơ thực phẩm made in Vietnam mất thị phần - Ảnh 1.
Nông sản, thực phẩm Mỹ giới thiệu đến công chúng Việt Nam tháng 3/2021. Ảnh: NGỌC ÁNH.

Tăng sức mạnh cho doanh nghiệp nội

Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Bột mì (Vikybomi), chỉ ra đang có tình trạng các DN thực phẩm nước ngoài, cụ thể là DN Thái Lan, liên kết với các hệ thống phân phối của người Thái tại Việt Nam như Central Group, TCC Group (đang sở hữu các chuỗi siêu thị Big C, Go!, MM Mega Market) để giành lợi thế cho hàng Thái tại Việt Nam. Điều này mang lại nhiều rủi ro cho DN Việt, trong đó có cả nguy cơ thua lỗ, phải chấp nhận mua bán sáp nhập (M&A) để tồn tại.

Thông báo kết quả kinh doanh quý I hết sức khó khăn vì sức mua xuống thấp, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho biết lần đầu tiên sau nhiều năm, doanh thu quý I của công ty chỉ đạt 23,7% thay vì trên 25% như những năm trước. "Thị trường từ Bắc chí Nam đều chậm, cạnh tranh mỗi lúc một gay gắt hơn, các tháng còn lại sẽ rất vất vả để hoàn thành chỉ tiêu năm nay" - ông Ngọc An nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc An, thực phẩm ngoại tràn vào Việt Nam nhiều năm nay nên không thể nói là tạo bất ngờ hay đẩy DN nội vào thế bị động. "Bản thân Vissan không ngại cạnh tranh với hàng ngoại, DN ngoại bởi họ chưa thật sự mạnh; quan trọng hơn là chúng tôi có lợi thế hiểu rõ thị trường Việt, người tiêu dùng Việt. Áp lực cạnh tranh, bị san sẻ thị phần cũng là động lực để công ty nỗ lực hoàn thiện hơn, nâng tầm DN mang tính toàn cầu" - Tổng Giám đốc Vissan chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc An nói cạnh tranh trong bối cảnh mới không cho phép DN chủ quan mà phải tập trung gia tăng sức mạnh. Trước hết, đó là sức mạnh nội tại trong quản trị, kiểm soát chi phí, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Nếu DN không có lợi thế về sản phẩm độc quyền thì phải có chi phí thấp, năng suất chất lượng ổn định. Xu hướng hiện tại, các DN có sự liên kết giữa các đơn vị từ đầu vào đến đầu ra để có chi phí tốt nhất, góp phần giảm giá thành.

 

Theo các DN thực phẩm, việc mở cửa cho hàng ngoại vào Việt Nam là bắt buộc và là động lực để DN lớn lên, phát triển hơn. Một số DN lớn đã tăng tốc liên kết hợp tác, M&A để xây dựng, hoàn thiện hơn chuỗi sản xuất - kinh doanh nhằm mạnh lên nhanh chóng. Công ty CP Masan MEATLife thuộc Tập đoàn Masan đầu tư vào Công ty 3F Việt để mở rộng sang lĩnh vực sản xuất thịt gia cầm; Tập đoàn Hùng Nhơn (đơn vị tiên phong trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi tại Việt Nam) liên kết với Tập đoàn De Heus (Hà Lan) triển khai dự án Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk; Công ty CP Vĩnh Hoàn vừa thâu tóm thành công Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang, lấn sân sang lĩnh vực sản xuất nước ép từ rau quả và chế biến rau củ thông qua việc nắm 70% vốn điều lệ của Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Thành Ngọc (TNG Foods)… là những ví dụ.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong tương lai gần, khi thế giới kiểm soát được dịch Covid-19, Việt Nam với rất nhiều điểm cộng trong giai đoạn "sống chung với Covid-19" sẽ càng có sức hút với DN nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực thực phẩm. Vậy nên, để giữ vững đồng thời khẳng định vị thế sân nhà, DN thực phẩm cần hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn nữa để mạnh lên.

Quy hoạch quỹ đất riêng cho chế biến lương thực - thực phẩm

 

Để tiếp sức cho DN Việt, UBND TP HCM đã ban hành quyết định Chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm ngành chế biến lương thực - thực phẩm TP giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, TP đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm ngành chế biến lương thực - thực phẩm của TP thông qua việc hỗ trợ đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến mở rộng thị trường; ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy phát triển ngành chế biến lương thực - thực phẩm trên địa bàn TP.

Mặt khác, TP sẽ rà soát, ưu tiên bố trí quỹ đất trong KCN cho các dự án ngành chế biến lương thực - thực phẩm sử dụng công nghệ cao, bảo đảm các tiêu chí về môi trường; quy hoạch, bố trí quỹ đất phục vụ ngành chế biến lương thực - thực phẩm tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ và KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm