Marcom

Biến động thị trường thương mại điện tử

Vì sao "sáp nhập" lại là phương án hai "ông lớn" thương mại điện tử trong nước là Tiki và Sendo tính đến ở thời điểm này.

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực / Tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing): Xu hướng nghề của thế kỷ 21

Một thông tin đang là tâm điểm trên thị trường mới được trang DealStreetAsia đăng tải, hai doanh nghiệp thương mại điện tử lớn của Việt Nam là Tiki và Sendo đang đàm phán về việc sáp nhập. Điều gì đang xảy ra trên thị trường thương mại điện tử đã thúc đẩy hai doanh nghiệp nội đầu ngành này tính đến việc sáp nhập?

Nếu nhìn vào các đối thủ trực tiếp của họ trên thị trường là hai doanh nghiệp đa quốc gia Shopee và Lazada, theo số liệu mới nhất từ tổ chức Iprice, xét về lượt sử dụng app di động, Shopee đang dẫn đầu, các thứ hạng tiếp theo lần lượt là Lazada - Tiki - Sendo. Còn xét về lượng truy cập website, đứng đầu vẫn là Shopee, Sendo đứng thứ hai trên Tiki và Lazada. Chênh lệch về số liệu của 4 cái tên đầu ngành này không lớn, liên tục biến động theo từng quý. Mỗi ông lớn có một thế mạnh riêng và hiện chưa có ai là người thắng cuộc tuyệt đối.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có thể nói, hai cái tên nội Tiki và Sendo đang cạnh tranh khá sòng phẳng với hai doanh nghiệp ngoại Lazada - Shopee. Cạnh tranh gay gắt là thế nhưng nếu xét về nguồn vốn,được ví von là "máu" để doanh nghiệp có sức cạnh tranh, thì 4 cái tên này lại chia thành 2 nhóm có tính chất khác hẳn.

Nhóm 1 là Lazada - Shopee hoạt động bằng nguồn vốn dồi dào từ tập đoàn mẹ Alibaba (Trung Quốc) và SEA (Singapore). Còn Sendo và Tiki lại như những thanh niên phải "tự lực cánh sinh", liên tục phải chứng minh năng lực để huy động vốn ngoài xã hội để sống. Dễ thấy sự chênh lệch về tiềm lực này khi nhìn vào mức lỗ lũy kế hiện nay của các doanh nghiệp, Shopee xuất phát muộn hơn thị trường đến 5 năm nhưng hiện đã lỗ lũy kế nhiều gấp đôi Tiki. Hai ông lớn ngoại đang tiếp tục cho thấy quyết tâm dốc hầu bao.

Cạnh tranh càng gay gắt đòi hỏi mức độ đầu tư càng cao tuy nhiên, sự chuyển dịch trong "khẩu vị" của các quỹ đầu tư mạo hiểm đang diễn ra trên toàn cầu có thể phần nào ảnh hưởng đến các công ty startup dựa vào gọi vốn để tăng trưởng như cả Tiki và Sendo. Điều đã được chứng minh qua câu chuyện của Leflair - một startup ngách thương mại điện tử cùng cách thức gọi vốn như Tiki, Sendo... từng được nhà đầu tư yêu thích rót đến 12 triệu USD. Lý giải cho quyết định tạm dừng hoạt động, CEO của Leflair cho rằng đang không thể gọi thêm vốn bởi nhà đầu tư của họ đang muốn đầu tư vào các công ty có lợi nhuận hơn.

Theo Reuters, nhiều tháng sau cú sốc mang tên WeWork, làn sóng bùng nổ của các kỳ lân công nghệ tại Châu Á đã giảm dần trong năm 2019 cả về số lượng lẫn tốc độ gọi vốn. Theo PitchBook Data, chỉ có 23 công ty khởi nghiệp đạt giá trị tỷ đô trong năm ngoái, chỉ bằng một nửa so với năm 2018. Tốc độ gọi vốn cũng giảm 36% về số vụ và quy mô giảm 2/3.

 

Trong bối cảnh túi tiền của giới đầu tư ngày càng thắt chặt, các kỳ lân công nghệ cũng buộc phải điều chỉnh chính sách của mình. Grab từng chi rất mạnh vốn đầu tư cho việc mở rộng thị phần thì nay, dường như đang tập trung hơn vào các ngành kinh doanh có lợi nhuận cao, như giao hàng thực phẩm. Một công ty khác là Go Jek đã từ bỏ giấc mơ siêu ứng dụng, khi loại bỏ những mảng kinh doanh không thực sự hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp khác trong khu vực cũng đã mạnh tay cắt giảm chi phí, nhân sự và hướng đến mục tiêu có lãi, thậm chí là hòa vốn, thay vì chỉ chú trọng tăng trưởng như trước.

Khẩu vị nhà đầu tư thay đổi có thể đã thúc đẩy Sendo và Tiki phải nghĩ ra nhiều kịch bản khác cho giai đoạn cạnh tranh sắp tới. Thay vì chỉ gọi vốn - đầu tư hết tiền - rồi lại gọi vốn tiếp, thì việc sáp nhập với một đơn vị khác với mong muốn hoạt động hiệu quả hơn cũng không phải là phương án quá khó để lý giải. Dù sáp nhập không phải lúc nào cũng là thanh thượng phương bảo kiểm để đảm bảo thành công cho doanh nghiệp tuy nhiên, đây là cách thức phổ biến để doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh tại các thị trường thương mại điện tử phát triển trước chúng ta.

Theo nhận định của tổ chức Iprice, trong khi Shopee, Lazada, Tiki đang tập trung cạnh tranh thị phần tại các đô thị lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh thì "ông lớn" còn lại là Sendo lại có những lợi thế ở thị trường nông thôn, ngoại thành. Do đó giới quan sát cho rằng, nếu thương vụ sáp nhập giữa Sendo và Tiki thực sự xảy ra thì hai doanh nghiệp có thể bổ trợ để tăng sức cạnh tranh cho nhau.

Theo giới chuyên gia, việc sáp nhập trước hết sẽ đối mặt với thách thức rất lớn là làm sao ổn định đội ngũ và xác định một chiến lược phù hợp hậu sáp nhập. Không làm tốt chuyện này, sẽ lợi bất cập hại, 1+1 chưa chắc đã bằng 2.

Nhiều người nói vui rằng nếu Tiki và Sendo thực sự sáp nhập, thị trường Việt Nam sẽ sớm có TI-DO - một công ty thương mại điện tử tỷ đô "kỳ lân". Phải nhấn mạnh một lần nữa rằng, việc đàm phán sáp nhập giữa hai doanh nghiệp mới chỉ là thông tin ban đầu, không có gì chắc chắn. Có thể sau cùng chẳng cho ra kết quả gì nhưng trên hết, việc tìm cách để tạo ra được doanh nghiệp thương mại điện tử nội đủ năng lực, tầm vóc để cạnh tranh đường dài với doanh nghiệp ngoại vẫn sẽ là yêu cầu cần được đặt ra. Bởi có như vậy Việt Nam mới làm chủ được những ngành công nghiệp tương lai như thương mại điện tử.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm