Ba chuyên môn được săn lùng nhiều nhất trên thị trường việc làm 2020
FED: Chính sách thuế quan khiến việc làm giảm, giá cả tăng cao / Việt Nam cần tạo việc làm mới cho hơn 1,1 triệu người vào năm 2020
Theo báo cáo Vietnam Employment Outlook 2020 (Triển vọng việc làm 2020) công bố bởi công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng Michael Page, lương thưởng không phải là lý do hàng đầu dẫn đến bỏ việc của nhân viên.
87% người được khảo sát cho biết họ không coi việc lương thưởng không thỏa đáng là lý do hàng đầu để bỏ việc. 3 lý do khiến một nhân viên quyết định chuyển chỗ làm là cơ hội tốt hơn ở nơi khác; kỹ năng, khả năng không được sử dụng tốt và phong cách lãnh đạo không đúng.
Những người được khảo sát cho biết họ sẽ ở lại công ty nếu sự tham gia được tăng cường, có kế hoạch đào tạo và phát triển, tăng lương thưởng, thăng tiến trong công việc và lịch trình làm việc linh hoạt.
Theo nhận định từ báo cáo, chuyên gia xử lý, phân tích dữ liệu là nhân sự được săn tìm không chỉ bởi các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử mà còn cả viễn thông, tài chính ngân hàng và công nghệ trong tài chính (fintech).
Trong thời đại 4.0, nhân sự có chuyên môn về công nghệ được rất nhiều doanh nghiệp săn lùng.
Cả doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đều đầu tư cho xây dựng thương hiệu, thể hiện sự cam kết nhằm thu hút các chuyên gia. Điều đáng chú ý là các chuyên gia Việt Nam có xu hướng ưu thích các doanh nghiệp thương mại điện tử đa quốc gia hơn là doanh nghiệp nội địa cùng ngành.
Những vị trí chuyên môn được tìm kiếm nhiều nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử là marketing, kinh doanh/bán hàng, chăm sóc khách hàng và công nghệ.
Đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính và fintech, các dịch vụ bao gồm ví điện tử, tài chính trực tuyến, bảo hiểm công nghệ đã có sự tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện được nhận định là rào cản, chưa khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư.
Lĩnh vực này có nhu cầu tuyển dụng lớn đối với nhân sự có khả năng phân tích dữ liệu lớn. Tuy vậy, kỹ năng mềm vẫn là lợi thế.
Các khu vực chuyên môn có nhu cầu tuyển dụng cao nhất là marketing, công nghệ, tài chính kế toán và kỹ thuật số.
Trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh và bán lẻ, sức chi tiêu mạnh của người tiêu dùng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trên thị trường rượu và đồ uống đóng chai. Các ngành công nghiệp truyền thống ngày càng thúc đẩy kinh doanh trực tuyến và thu hút nhân sự có kinh nghiệm về phát triển và đào tạo.
Trong khi đó, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao trong chăm sóc sức khỏe (healthtech) cũng tăng cường thu hút nhân sự từ các ngành khác.
Nhân sự được săn lùng nhiều nhất trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh và bán lẻ đến từ khu vực marketing, bán hàng/kinh doanh, công nghệ và chuỗi cung ứng, sản xuất. Các vị trí “hot” bao gồm quản lý bán hàng, quản lý thương hiệu hay quản lý chuỗi cung ứng, quản lý marketing kỹ thuật số, marketing thương mại.
Trong lĩnh vực sản xuất và công nghiệp, Việt Nam đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực kết nối và năng lượng.
Các thỏa thuận thương mại mới giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài, từ đó thúc đẩy hoạt động tuyển dụng. Yêu cầu tạo ra nhiều loại sản phẩm hơn khiến nhu cầu tuyển dụng nhân sự nước ngoài gia tăng.
Những khu vực chuyên môn có nhu cầu nhân sự cao bao gồm chuỗi cung ứng và sản xuất, công nghệ, bán hàng/kinh doanh và nguồn nhân lực.
Các kỹ năng cần thiết nổi lên trong năm 2020 được dự báo là quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng và quy trình, quản lý bán hàng.
Lĩnh vực dịch vụ đóng góp hơn 40% vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các hoạt động du lịch ngày càng phát triển đã khiến ngành khách sạn rơi vào tình trạng khan hiếm nhân sự.
Marketing tiếp tục là một trong những chuyên môn có nhu cầu tuyển dụng cao, cùng với tài chính kế toán, công nghệ.
Trong lĩnh vực giao thông và phân phối, các doanh nghiệp thương mại điện tử được nhận định cần đầu tư nhiều hơn vào hoạt động giao hàng cuối cùng. Thương mại phát triển đang thúc đẩy nhu cầu chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực hậu cần và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Các doanh nghiệp nước ngoài hiện đang thống lĩnh thị trường giao vận (logistics), chiếm 70 – 80% tổng doanh thu. 4 vị trí chuyên môn có cầu cao là quản trị chuỗi cung ứng, kỹ sư công nghệ, chuyên viên kỹ thuật số và nhân viên kinh doanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo