Mẫu mới sẽ ổn định đến… 500 năm
Với 12 số, số định danh ghi trong “thẻ căn cước công dân” sẽ ổn định tới 500 năm, đảm bảo không trùng lặp trong suốt quãng thời gian này.
Tại sao lại 12 số?
Sau khi đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến dự án Luật Căn cước công dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để chỉnh lý trước khi trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (khai mạc vào cuối tháng 10). So với các dự thảo trước, hiện bản dự thảo lần này đã được chỉnh lý, bổ sung một số nội dung quan trọng trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, ý kiến nhân dân.
Một trong những nội dung được nhiều ý kiến đề cập là lý giải tại sao số định danh cá nhân lại 12 chữ số mà không phải ít hay nhiều hơn? Tại phiên họp, có ý kiến đề nghị giữ 9 số như hiện tại, hoặc chỉ nâng lên 10 số để đảm bảo gọn; trong khi có ý kiến lại đề nghị nâng lên 13 đến 15 số nhằm đảm bảo ổn định lâu dài, không phải sửa khi quy mô dân số tăng lên.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định: số định danh cá nhân gồm 12 chữ số đã được các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng theo mô hình cấu trúc của số định danh cá nhân là phù hợp với quy mô dân số. Điều này đã được xác định trong chiến lược phát triển dân số quốc gia, được xử lý theo nguyên tắc toán học bảo đảm số định danh cá nhân không bị trùng lặp trong thời gian sử dụng khoảng 500 năm với quy mô và tốc độ tăng dân số hiện nay. Với thời gian dài như vậy, sử dụng 12 số là đảm bảo tính khoa học. Nếu nâng lên 13, 14 số, độ ổn định có thể kéo dài cả nghìn năm, song việc để dãy số quá dài sẽ gây phức tạp không cần thiết.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, các ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí việc quy định 12 số như dự thảo, đồng thời đề nghị bổ sung một số điểm như cấu trúc số định danh, thẩm quyền, phương thức cấp... Để nghiên cứu xây dựng số định danh cá nhân, Bộ Công an và Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến chuyên gia, đại biểu Quốc hội, ý kiến các bộ, ngành, nhân dân cũng như tham khảo kinh nghiệm các nước. Theo đó, việc xây dựng 12 số là phù hợp quy mô dân số nước ta hiện nay và lâu dài.
Số định cá nhân có chứa mã đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc mã số quốc gia đối với người sinh ra ở nước ngoài, là nơi công dân đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính. “Việc cấp sổ định danh cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gắn với việc đối sánh qua ảnh chân dung và đặc điểm sinh, trắc học từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân, đảm bảo cho việc truy nguyên từng cá nhân, khẳng định tính duy nhất của số định danh cá nhân” - Ủy ban giải thích. Thường trực Ủy ban đề nghị bổ sung một số nội dung về số định danh cá nhân, trong đó thể hiện rõ cấu trúc, thẩm quyền, phương thức, thời điểm cấp số định danh cá nhân.
Số định danh sẽ chấm dứt chuyện gian lận tuổi tác
Liên quan việc cấp thẻ căn cước công dân, việc cấp thẻ cho người chưa đủ 14 tuổi nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp năm 2013, không có sự phân biệt công dân theo độ tuổi. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính, góp phần hiện đại hóa, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Việc quy định cấp thẻ căn cước công dân từ khi công dân sinh ra để thay thế cho giấy khai sinh góp phần bảo đảm yêu cầu quản lý dân cư tập trung, thống nhất tiến tới giảm giấy tờ công dân như mục tiêu Đề án 896 của Chính phủ đã xác định, khắc phục tình trạng sửa chữa giấy khai sinh, cố ý làm sai lệch hồ sơ.
Theo các đại biểu, đây là ưu điểm nổi trội khi thực hiện cấp thẻ căn cước thay giấy khai sinh bởi hiện tượng khai man, làm lại giấy khai sinh để gian lận tuổi đang xảy ra khá phổ biến hiện nay. Với việc cấp thẻ này, trẻ em khi sinh ra vẫn làm thủ tục đăng ký khai sinh nhưng thay cho việc cấp giấy khai sinh sẽ được cấp thẻ căn cước công dân, trong đó có ghi số định danh cá nhân.
Đồng thời, việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em là hình thức hiện đại hóa giấy tờ khai sinh mà không làm mất quyền được khai sinh của trẻ em theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Theo đó, thay vì cấp giấy khai sinh cho trẻ khi sinh ra thì cán bộ tư pháp sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký khai sinh có trách nhiệm chuyển thông tin về trẻ được khai sinh cho cơ quan quản lý căn cước công dân. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý căn cước cấp và chuyển lại thẻ căn cước cho nơi đã làm thủ tục đăng ký khai sinh để trả cho công dân. Đồng thời, luật không quy định hạn chế người được cấp thẻ căn cước công dân, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình.
Bổ sung chương riêng dữ liệu quốc gia dân cư
Dự thảo lần này cũng đã bổ sung chương riêng về dữ liệu quốc gia dân cư theo ý kiến của nhiều đại biểu. Ủy ban Quốc phòng, An ninh cho rằng, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc, tập hợp thông tin cơ bản về công dân được dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây cũng là nội dung trọng tâm trong đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân giai đoạn 2013-2020. Theo đó, sẽ phát triển thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú và các lĩnh vực khác như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu.
Về tính khả thi việc thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện Ủy ban đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức hội thảo làm rõ cơ sở khoa học, thực tiễn mối quan hệ và phương thức cập nhật quản lý, bảo mật thông tin. Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu nói trên, khắc phục tình trạng manh mún, cục bộ, đảm bảo đầu tư tiết kiệm, hiệu quả...
Đối với tính khả thi của việc thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong phạm vi toàn quốc, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Bộ Công an đã tổ chức hội thảo làm rõ cơ sở khoa học, mối liên hệ và phương thức cập nhật, quản lý, bảo mật thông tin. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khắc phục tình trạng manh mún, cục bộ, bảo đảm đầu tư tiết kiệm, hiệu quả và xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.
Về giấy tờ ghi số định danh cá nhân, các đại biểu cho rằng cần ghi vào thẻ căn cước công dân chứ không nên ghi vào giấy khai sinh theo Luật Hộ tịch bởi mục tiêu đề án 896 đã xác định phát triển thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân trong quản lý hộ tịch, cư trú, trật tự và một số lĩnh vực khác như: khai sinh, chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu... Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân để phân biệt công dân này với công dân khác nên ghi số định danh vào thẻ là hợp lý
Theo Công an Nhân dân
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Cột tin quảng cáo