Miếng ngon mời đại gia ngoại
Trong cơn khát vốn, các DN trong nước sẵn sàng bán mình với giá rẻ. Nhờ đó, các đại gia nước ngoài dễ dàng có được “miếng ngon’ mà trước đầy trả giá đắt cũng khó mua. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng được lựa chọn và chưa hẳn DN được lựa chọn cổ đông đã mừng.
Ồ ạt đón vốn ngoại
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 8/1 cho biết, Tập đoàn Nojima của Nhật đã mua thêm 652.580 cổ phiếu TAG của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh, nâng số lượng và tỷ lệ nắm giữ lên tương ứng hơn 1,3 triệu cổ phần và gần 11,2% vốn.
Trước đó 2 ngày, TAG cho biết đã bán 652.580 cổ phiếu quỹ đã đăng ký với giá giao dịch bình quân 49.337 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu đây là số cổ phiếu Nojima mua từ TAG thì tập đoàn nước ngoài này đã phải bỏ ra khoảng 32,2 tỷ đồng để sở hữu thêm số cổ phiếu vừa mua thêm tương đương 5,58% nói trên.
Ngoài mức giá cũng cao hơn khá nhiều so với mức 32.900 đồng/cp của TAG hiện đang được giao dịch trên sàn chứng khoá, ông lớn bán lẻ điện máy có trên 50 năm kinh nghiệm của Nhật Nojima đổ tiền vào trong bối cảnh thị trường điện máy đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều DN phá sản.
Báo cáo tài chính quý III/2013, Trần Anh ghi nhận lợi nhuận âm hơn 11 tỷ đồng kể từ khi lên sàn và khả năng hoàn thành mục tiêu năm là xa vời khi mà sức mua của thị trường được đánh giá chưa phục hồi.
Với nhiều NĐT, quyết định “vời ngoại” là khôn ngoan, hút được vốn để có thể chinh phục, bánh trướng rồi thống trị một thị trường có tính cạnh tranh rất cao nhưng triển vọng về dài hạn là sáng lạn nếu trụ vững. Đây có lẽ cũng cơ sở để đại gia bán lẻ của Nhật chấp nhận trở thành cổ đông lớn, thành đối tác chiến lược.
Trong lĩnh vực thủy sản, nhiều DN đã sẵn sàng hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn để có thể cầu được đồng vốn ngoại, để có nhiều tiền hơn, để có đối tác tốt như trong trường hợp Thủy sản Minh Phú (MPC) gần đây, Gò Đàng (AGD) hay Gentraco (GFC) trước đó.
Hôm 6/1, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cũng đã thông báo các cổ đông lớn thoái vốn tạo điều kiện cho tổ chức Hàn Quốc là Korea Investment Securites Co.,Ltd "được vượt rào" nắm 92,3% cổ phần.
Trong năm 2013, TTCK tập trung cũng chứng kiến nhiều DN đầu ngành bán cổ phiếu trị giá hàng trăm triệu USD cho đối tác ngoại như: MSN, HPG, VFC, PVD, VNS… Những ngành khối ngoại chuộng nhất tiếp tục là: nguyên vật liệu, dầu khí, công nghiệp.
Yếu phá sản, kém cầu Nhà nước
Nỗ lực gọi vốn ngoại là một trong những chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tạo thêm nguồn lực cho các DN trong nước phát triển, hình thành nên những DN có sức cạnh tranh mang tầm vóc khu vực.
Tuy nhiên, ở một mặt nào đó, nó có thể cũng tạo ra một sự khó khăn nhất định cho một phần đông các DN cùng ngành khác. Cuộc đua tìm đối tác ngoại do vậy có thể mang đến lợi thế đàm phán cho các đối tác chiến lược.
Trong trường hợp Trần Anh, việc DN thua lỗ trong quý III/2013 thực sự bất ngờ đối với nhiều người bởi đó là một DN hàng đầu trên thị trường, chưa từng thua lỗ trong 4 năm trước đó dù khó khăn đã vùi dập không biết bao nhiêu DN khác cùng ngành. Tuy nhiên, với các cổ đông lớn, đây có lẽ không phải là vấn đề đáng lo ngại. Vốn ngoại có thể sẽ giúp TAG vươn lên thống trị vững chắc thị trường miền Bắc trước sự nhòm ngó của một số đại gia phía Nam.
Vua tôm Minh Phú (MPC) gần đây cũng đã thông qua kế hoạch hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán để dễ bề bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Không những thế hồi tháng 10, DN này cũng đã bán 26,7 triệu cổ phần công ty con Minh Phú Hậu Giang cũng cho một tập đoàn hơn 130 năm tuổi của Nhật, Mitsui &Co (Asia Pacific) Private Limited.
Gần đây, rất nhiều DN đầu các ngành trong nước cũng đã bán một phần hoặc phần lớn cổ phần cho các đối tác ngoại như: gạch Prime, nhựa Bình Minh, Masan, HPG…
Trước đó, khá nhiều DN Việt đã gặp những cú đau khi chơi với nước ngoài như trường hợp Vinafimex và Nước Giải Khát Đà Nẵng (với Coca Cola), Tribeco với Uni-President, Bibica với Lotte; Dạ Lan với Colgate …
Đó là quá khứ, hiện tại chưa thể nói những hợp tác nội-ngoại mới là có lợi hại cho bên nào. Tuy nhiên, hiện tại một điều có thể thấy là sự cạnh tranh không cho phép quá nhiều DN tồn tại trong cùng một lĩnh vực.
Hàng loạt các DN điện máy, thủy sản, BĐS vỡ nợ, phá sản trong vài năm gần đây cho thấy khả năng tự trụ vững ngay trên thị trường trong nước của đại đa số các đơn vị là rất khó khăn, chưa nói tới vươn ra cạnh tranh ở môi trường quốc tế.
Sóng gió đến với cái tên như Thủy sản Phương Nam, Thiên Mã, Aquafeed Cửu Long, Camimex, Cadovimex… ở lĩnh vực thủy sản hay Việt Long, Home One, Wonder Buy, Best Caring… ở lĩnh vực điện máy cho thấy điều này.
Thiếu vốn, thiếu công nghệ, ít kinh nghiệm quản lý… khiến nhiều DN cổ phần, tư nhân phá sản, đóng cửa hoặc sống lay lắt; còn với nhiều DN có cổ đông lớn nhà nước những hoạt động yếu kém thì cũng chỉ có cách ném cái khó khăn sang cho nhà nước như trường hợp Xi măng Hà Tiên chuyển nợ thành cổ phần cho Vicem, ngân hàng bắn nợ qua Công ty quản lý Tài sản quốc gia (VAMC)… Nền kinh tế khó khăn có lẽ cũng là lúc các đại gia ngoại ném tiền vào các DN đầu ngành để thống trị từng lĩnh vực như đã từng xảy ra ở mảng thức ăn gia súc, hóa mỹ phẩm…
VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo