Thị trường

Mở khóa thể chế để mở cánh cửa vào 4.0

Thể chế được coi là ổ khóa lớn nhất đang giữ chân chúng ta bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 - cuộc cách mạng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam có thể bứt phá đuổi kịp các quốc gia phát triển.

Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 đang được Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) xây dựng nhìn nhận cuộc CMCN lần thứ 4 đang hình thành và phát triển một cách tự nhiên, độc lập với ý chí chủ quan của nhà nước và chắc chắn “nó” sẽ đến, nhưng nhanh hay chậm hoàn toàn do lựa chọn mỗi quốc gia.

Đây được cho là cơ hội to lớn để Việt Nam đi tắt đón đầu, nhanh chóng tiệm cận thị trường thế giới dựa trên nền tảng số/Inetrnet tăng trưởng nhanh, giá trị gia tăng cao. Hơn cả, đó là cơ hội đầu tư và phát triển các ngành mới, chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng, ví dụ như phần mềm điều khiển ô tô, AI trong y học... Sự tổng hoà những cơ hội này sẽ giúp ứng dụng, bắt kịp và vươn lên đi đầu cho các nước đang phát triển như Việt Nam.

Tuy nhiên, để bắt kịp và tiến vào cuộc cách mạng này không hề đơn giản mà đang đặt ra nhiều thách thức. Dự thảo Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 chỉ ra hiện trạng Việt Nam đang bộc lộ rất nhiều điểm yếu.

Các chỉ số về chất lượng thể chế mặc dù đã có sự cải thiện nhưng vẫn đang ở mức thấp. Đơn cử như điểm số năng lực cạnh tranh 4.0, Việt Nam mới đạt 51,2 điểm trên thang điểm 100, xếp vị trí số 70/120 quốc gia. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ được chỉ ra là kém và thể chế cho hệ sinh thái startup và thương mại điện tử chưa đầy đủ.

Ngoài ra, bên cạnh khối doanh nghiệp FDI không có nhu cầu đổi mới công nghệ hoặc chuyển giao công nghệ, thì trình độ công nghệ thấp của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang được xem là những hạn chế.

Vì vậy, trong những thách thức đã được Chiến lược nhận diện, ngoài sự cạnh tranh từ quốc tế, nguy cơ tụt hậu, lệ thuộc công nghệ và sản phẩm tiêu dùng, thiếu vốn đầu tư để nâng cấp công nghệ, thì quan trọng hơn cả, đó là hệ thống thể chế kém linh hoạt, không phù hợp CMCN 4.0, do vậy hành lang pháp lý không rõ ràng, cản trở sự sáng tạo.

Hầu hết các chuyên gia đóng góp ý cho dự thảo Chiến lược đều đồng tình quan điểm, môi trường thể chế chính là yếu tố quyết định việc doanh nghiệp có đầu tư đổi mới công nghệ và sáng tạo công nghệ hay không.

Xuất phát từ thực trạng, cơ hội và thách thức đó, một trong những giải pháp được đưa ra tại Chiến lược đó là xây dựng thể chế để thực hiện chuyển đổi số trong bộ máy nhà nước cả về tư duy quản lý và công cụ quản lý. Đây được xem là điều kiện tiên quyết tạo nền tảng để phát triển CMCN 4.0 ở Việt Nam.

Kinh nghiệm của thế giới và một số nước trong khu vực cho thấy, khung chính sách quốc gia về công nghiệp 4.0 của các nước phát triển như Mỹ, Đức, Singapore đang tập trung vào phát triển trí tuệ nhân tạo, nhà máy thông minh, chế tạo công nghệ cao..

Trong khi đó các nước đang phát triển như Malaysia tập trung vào các trọng tâm như đối tác chiến lược trong chế tạo thông minh, điểm đến hàng đầu cho công nghệ cao (FDI); giải pháp cho doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ cao hướng đến tâp trung vào chế tạo.

Hay như Ấn Độ đang xây dựng chính sách công nghiệp sẵn sàng cho tương lai, trong đó tập trung vào phát triển kinh tế số trên nền tảng công nghiệp phần mềm sẵn có. Xây dựng hệ sinh thái cho chế tạo thông minh và hỗ trợ sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao công nghệ trong chế tạo. Ngoài ra, cũng chú trọng đến thành phố thông minh, với 100 dự án trong giai đoạn 2015 – 2019.

Vì vậy, theo các chuyên gia, để đưa ra được một chiến lược phát triển phù hợp với tình hình hiện tại của Việt Nam, chiến lược khi đưa ra nên có sự tham khảo và kế thừa kinh nghiệm của khu vực và thế giới. Từ đó, đề xuất xây dựng hệ thống thể chế mới phục vụ quản lý nhà nước trên cơ sở tạo điều kiện phát triển những lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn.

Nên đọc
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo