Thị trường

Mờ nhạt vai trò của doanh nghiệp

Bộ Công Thương mới đây đã công bố chính thức áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc). Đây là vụ điều tra CBPG đầu tiên do Việt Nam tiến hành nhằm tới hàng ngoại nhập.

p thuế chống bán phá giá sẽ đảm bảo quyền lợi cho các công ty thép trong nước. Trong ảnh: Sản xuất ống thép tại Công ty CP Ống thép Việt - Đức

Mức thuế đã đủ để CBPG?

Bà Phạm Châu Giang - Trưởng phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp (DN) trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, ngày 5/6/2013, Bộ Công Thương đã nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp CBPG của một số công ty sản xuất thép không gỉ cán nguội Việt Nam (Posco VST, Inox Hòa Bình). Trong vòng một tháng xem xét, thẩm tra hồ sơ, nhận thấy đây là vụ việc có đầy đủ điều kiện để khởi xướng điều tra, ngày 2/7/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4460/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra vụ việc.

Trải qua một năm điều tra, xác minh với các chuyến đi về "con thoi" giữa Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan, các cán bộ điều tra thuộc Cục Quản lý cạnh tranh đã đi đến kết luận: Có tình trạng bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội NK vào Việt Nam; ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể từ việc bán phá giá mặt hàng này…

Từ kết luận đó, ngày 5/9/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội NK vào Việt Nam từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan.

Theo đó, mức thuế CBPG sẽ được áp dụng cho hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu của 4 nước và vùng lãnh thổ này NK vào Việt Nam.

Cụ thể, đối với nhà sản xuất hoặc xuất khẩu Trung Quốc, áp mức thuế CBPG từ 4,64 - 6,87%; đối với DN Indonesia, áp mức thuế là 3,07%; với DN Malaysia là 10,71%; riêng với DN Đài Loan, do các DN Đài Loan đã không có sự hợp tác với cơ quan điều tra nên mức thuế CBPG phải chịu cao nhất, từ 13,79 - 37,29%.

Kết luận của cơ quan điều tra nhận được sự đồng tình của đa số các bên liên quan. Tuy nhiên, từ góc độ là nguyên đơn, các DN mang đơn đi kiện là Posco VST và Inox Hòa Bình cho rằng, biên độ CBPG áp cho các DN sản xuất và xuất khẩu nước ngoài còn thấp hơn nhiều so với khi các nước Mỹ, EU áp thuế CBPG đối với các DN Việt Nam.

Doanh nghiệp ngại kiện tụng

Lý giải việc mức thuế CBPG mà Việt Nam áp cho các DN nước ngoài còn thấp, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định, phương pháp tính thuế CBPG, công thức tính ở các nước là như nhau. Nhưng vì Việt Nam vẫn bị Mỹ và một số nước EU coi là nền kinh tế phi thị trường, nên khi điều tra CBPG, các nước không sử dụng giá thực tế Việt Nam đang bán mà tìm đến nước thứ ba để thay thế.

"Đây là bất lợi đối với các DN Việt Nam khi bị điều tra CBPG. Nước sở tại muốn áp thuế CBPG bao nhiêu cũng được, nếu muốn áp mức thuế cao thì họ sẽ dùng những nền kinh tế thứ ba có trình độ phát triển cao hơn, giá nhân công chi phí cao hơn Việt Nam như Brazil, Đài Loan, Malaysia. Nếu muốn giảm biên độ thuế CBPG thấp hơn, họ sẽ dùng nước thay thế như Banglades, Campuchia" - bà Giang phân tích.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Sỹ Giảng - chuyên gia về điều tra CBPG cho rằng, sự tham gia mờ nhạt của các DN NK Việt Nam trong vụ kiện lần này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình điều tra. Tâm lý của nhiều DN Việt Nam hiện nay là ngại kiện tụng, ngại va chạm với các quy định luật pháp quốc tế. Song nếu nhìn nhận nghiêm túc, các DN sẽ thấy mình sẽ được hưởng lợi rất lớn khi khởi kiện thành công. Với vụ kiện lần này, tổng giá trị NK lên đến 250 triệu USD. Chẳng hạn, mức thuế trung bình giả định áp dụng với các DN nước ngoài là 10% thì thuế NK sẽ là 25 triệu USD, tương đương 500 tỷ đồng - một con số không hề nhỏ.

Theo Kinh tế Đô thị
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo