Mối nguy hiểm của những cuộc chiến “nhân danh” ở Syria
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu xác nhận Ả Rập Saudi đang đưa bộ binh và máy bay chiến đấu tới căn cứ quân sự Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây có thể là động thái chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ có thể xảy ra trên đất Syria.
Nói về mục đích của các động thái này, ông Cavusoglu cho biết: “Ả Rập Saudi tuyên bố quyết tâm chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS… Tại mọi cuộc họp của liên minh, chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng cần có một chiến lược mạnh tập trung trong cuộc chiến chống khủng bố IS…”
Mặc dù cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi đều đưa ra lý do nếu đưa quân vào Syria thì chỉ nhằm mục đích chống khủng bố nhưng dư luận tỏ ra hoài nghi động cơ thực sự của họ.
Trên thực tế, cả hai nước này đều không giấu ý định lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thậm chí coi đây là mục tiêu cốt lõi. Ngoại trưởng Ả Rập Saudi phát biểu với kênh CNN ngày 13/2 rằng, nếu tiến trình chính trị ở Syria thất bại, Tổng thống Assad sẽ phải bị lật đổ bằng vũ lực.
Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài mục tiêu lật đổ chính quyền Assad, nước này còn đang thúc đẩy các vụ nã pháo vào lực lượng người Kurd ở Syria.
Trong khi đó, người Kurd ở Syria hiện là một trong những lực lượng chống IS hiệu quả nhất. Nếu Ả Rập Saudi cũng định nghĩa người Kurd ở Syria là “khủng bố” giống Thổ Nhĩ Kỳ thì cái bắt tay của hai nước có thể là một vấn đề.
Hai nước này nằm trong số các quốc gia phản đối ông Assad và từ lâu đã hậu thuẫn cho các nhóm quân nổi dậy Syria thông qua việc cung cấp vũ khí.
Ông Vladimir Akhametov, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Học việc Khoa học Nga, nhận định: Khả năng xảy ra nhiều hơn là ý định của Ả Rập Saudi hỗ trợ cho các nhóm vũ trang chống Chính phủ Syria và đưa bộ binh vào Syria để chống IS có thể chỉ là cái cớ để tìm cách lật đổ ông Assad.
Từ trước đến nay,Ả Rập Saudi vốn bị cộng đồng quốc tế cáo buộc gây ra xung đột ở Trung Đông khi không hành động kiềm chế chủ nghĩa cực đoan và đối phó với IS trong khu vực. Công dân Ả Rập Saudi cũng chiếm một tỷ lệ đáng lo ngại trong số các tay súng IS.
Còn Thổ Nhĩ Kỳ, số lượng dầu trị giá hàng trăm triệu USD của IS đã được tuồn vào nước này và được bán đi khắp nơi. Nếu muốn nghiêm túc chống IS, tại sao Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ lại không chủ động kiềm chế IS từ trong nước và cắt đứt nguồn tài chính của nhóm khủng bố này?
Nếu đưa bộ binh vào Syria, họ sẽ chỉ làm cho các nhóm khủng bố như IS thêm lớn mạnh và như Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo, triển khai bộ binh ở Syria sẽ làm bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ ba.
Với ý đồ quyết lật đổ ông Assad bằng được và coi đây là mục tiêu chính ở Syria, người ta khó có thể tin ý định của Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập Xêút đưa bộ binh vào Syria chỉ là để tiêu diệt khủng bố IS.
End of content
Không có tin nào tiếp theo