Môi trường

An ninh tài nguyên nước còn thiếu khung pháp lý

DNVN - Bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt đang là vấn đề lớn cần phải có các cơ chế, chính sách đồng bộ, trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu khung pháp lý cho vấn đề này.

Việt Nam tăng cường hợp tác quản lý tài nguyên nước / Tài nguyên nước Việt Nam đối mặt với thách thức lớn

Tồn tại, bất cập từ thể chế

Chiều 28/6, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước”.

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước ở nước ta.

Kể từ khi luật được ban hành đã phát huy hiệu lực, hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên phạm vi cả nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Hội thảo “Khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước”. (Ảnh: Hà Anh).

Tuy nhiên, tài nguyên nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn và cần thiết phải được bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, phát triển kinh tế xã hội, trong bối cảnh tài nguyên nước chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

Hoạt động quản lý tài nguyên nước đang tồn tại nhiều bất cập từ thể chế. Theo đó, thể chế, chính sách hiện nay chưa được tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước.

Đối tượng, phạm vi quản lý trong Luật Tài nguyên nước năm 2012 chưa cụ thể, rõ ràng, chưa phân định rõ việc khai thác và việc sử dụng nước của các ngành, dẫn đến nhiều bộ, ngành, địa phương cùng quản lý một đối tượng hoặc không rõ trách nhiệm trong quản lý công trình và quản lý tài nguyên nước.

Đặc biệt, còn thiếu khung pháp lý cho an ninh tài nguyên nước trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức. Đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt đang là vấn đề lớn cần phải có các cơ chế, chính sách đồng bộ để giải quyết, nâng cao tính chủ động về nguồn nước và bảo đảm an toàn cấp nước cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu của nhân dân ở mức cao nhất trong mọi tình huống.

Chưa chú trọng kinh tế nước, nguồn lực đầu tư cho phát triển ngành nước còn hạn chế. Chưa có chính sách, quy định cụ thể nhằm tính toán đầy đủ, định giá giá trị của tài nguyên nước. Hiện còn thiếu chính sách cụ thể, rõ ràng về sử dụng và phân bổ nguồn thu cho hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy, dẫn đến không thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng miền.

Việc phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Bên cạnh những tồn tại, bất cập của Luật Tài nguyên nước năm 2012, theo Cục Quản lý tài nguyên nước, trong vòng 10 năm trở lại đây việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước còn tồn tại một số thách thức và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Sự phát triển kinh tế-xã hội với quy mô dân số nhanh kéo theo nhu cầu sử dụng nước lớn đã phát sinh mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, lĩnh vực trên lưu vực sông ngày càng lớn, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng.

Nguồn lực đầu tư cho phát triển ngành nước còn hạn chế, chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, thiếu cơ chế chính sách thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân.

Sẽ trình dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vào tháng 11 năm nay

Trên cơ sở cách tiếp cận và kết quả rà soát, đánh giá tình hình thực thi Luật Tài nguyên nước và các yêu cầu phát sinh trong thực tế quản lý, Cục Quản lý tài nguyên nước đề xuất chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước sẽ được lồng ghép trong các quy định về quy hoạch, điều tra cơ bản tài nguyên nước. Bổ sung xây dựng bộ chỉ số để đảm bảo an ninh nguồn nước.

Cần bổ sung xây dựng bộ chỉ số để đảm bảo an ninh nguồn nước.

Quy định rõ nguyên tắc thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực nước cũng như các hoạt động ưu tiên thực hiện xã hội hoá, cơ chế ưu tiên, điều kiện ưu tiên.

Cần bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế thu, nộp vào ngân sách, trong đó kiến nghị thu tiền cấp quyền khai thác sử dụng tài nguyên vào quỹ bảo vệ môi trường (không vào ngân sách).

Cùng với đó, nghiên cứu, bổ sung các chính sách về điều tra cơ bản; quy hoạch tài nguyên nước; phương án xử lý các công trình khai thác, sử dụng nước kém hiệu quả, gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; đảm bảo lưu thông dòng chảy và bảo vệ chất lượng nguồn nước.

Rà soát đồng bộ để sửa đổi, bổ sung theo hướng xử lý các vấn đề chồng chéo giữa Luật Tài nguyên nước với Luật Thủy lợi và các Luật khác có liên quan.

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ vào tháng 11/2022.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm