Môi trường

Đà Nẵng đề nghị Bộ NN-PTNT có biện pháp hạn chế tình trạng thiếu nước ở hạ du sông Vu Gia

DNVN - UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu tổng thể, đánh giá biến động khu vực ngã ba sông Vu Gia - Ái Nghĩa - Quảng Huế. Từ đó có giải pháp xử lý, chỉnh trị phù hợp để chủ động điều tiết dòng chảy kiệt, hạn chế tình trạng thiếu nước ở hạ du sông Vu Gia, đảm bảo an toàn trong mùa lũ ở khu vực ngã ba sông và hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng: Rà soát các trường hợp nhập cảnh, xét nghiệm lại để phát hiện Covid-19

Trung bình hàng năm, thủy điện Đăk Mi 4 lấy trên 1 tỷ m3 nước trong mùa cạn

“Cần nghiên cứu tổng thể, đánh giá biến động khu vực ngã ba sông Vu Gia - Ái Nghĩa - Quảng Huế để có giải pháp xử lý, chỉnh trị, đầu tư phù hợp nhằm hạn chế tình trạng thiếu nước trong mùa kiệt và an toàn trong mùa lũ. Đây đang là yêu cầu hết sức cấp thiết của người dân Đà Nẵng và Quảng Nam ở khu vực hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn!” – ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng trao đổi với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam ngày 27/5.

Theo ông Hoàng Thanh Hòa, sông Quảng Huế là sông nhánh chuyển nước phân lưu từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn. Thực tế từ năm 2010 đến nay, vùng hạ lưu sông Vu Gia (gồm TP Đà Nẵng, các địa phương của tỉnh Quảng Nam như thị xã Điện Bàn, huyện Đại Hộc...) luôn bị thiếu nước, nhiễm mặn trong tất cả các mùa cạn, đặc biệt có một số năm bị thiếu nước, nhiễm mặn ngay cả trong mùa mưa.

Gia cố đập tạm Quảng Huế ở khu vực ngã ba sông Vu Gia - Ái Nghĩa - Quảng Huế

Gia cố đập tạm Quảng Huế ở khu vực ngã ba sông Vu Gia - Ái Nghĩa - Quảng Huế...

Đáng chú ý, vị Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng nhấn mạnh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy thoái dòng chảy kiệt nghiêm trọng trên là do Thủy điện Đắk Mi 4 khi đi vào hoạt động đã chuyển gần một nửa lưu lượng trong mùa khô của sông Vu Gia về sông Thu Bồn để phát điện.

Đặc biệt, trong cuộc trao đổi với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam ngày 27/5, ông Hoàng Thanh Hòa công bố các số liệu mà lâu nay hầu như chưa được các cấp hữu quan thông tin rõ cho công luận. Đó là, theo kết quả đo đạc và tính toán của Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng thì trung bình hàng năm, thủy điện Đắk Mi 4 đã lấy đi của sông Vu Gia khoảng trên 1,0 tỷ m3 nước trong mùa cạn.

“Trong khi đó, các thủy điện khác trên lưu vực chỉ bổ sung nước cho sông Vu Gia tổng cộng 573,9 triệu m3 (thủy điện A Vương: 266 triệu m3, Sông Bung 4: 234 triệu m3, Sông Bung 2: 73,9 triệu m3). Có nghĩa là sông Vu Gia trong mùa khô bị thiếu trung bình trên 400 triệu m3 so với điều kiện tự nhiên trước đây khi chưa có thủy điện Đắk Mi 4” – ông Hoàng Thanh Hoa nói.

Sông Quảng Huế mở rộng, xói sâu hút kiệt nước sông Vu Gia trong mùa cạn

Ngoài nguyên nhân chính nêu trên, khảo sát của Sở NN-PTNT Đà Nẵng cho thấy, những năm gần đây sông Vu Gia lại xuất hiện sự thay đổi tỷ lệ phân lưu tại ngã ba chia nước về sông Ái Nghĩa và sông Quảng Huế theo hướng bất lợi cho hạ du sông Vu Gia, tăng thêm nước về sông Thu Bồn và tiếp tục giảm nước sông Vu Gia - Ái Nghĩa.

Qua quan sát trên thực tế hiện nay cho thấy lòng sông Quảng Huế đã bị mở rộng thêm và bị xói sâu hơn (xói sâu trung bình từ 2 đến 3m) đã làm cho lưu lượng dòng chảy sông Vu Gia phân lưu về sông Quảng Huế đã tăng lên rất nhiều trong mùa cạn. Đồng thời với việc mở rộng và xói sâu lòng sông Quảng Huế là sự bồi lấp lòng sông Ái Nghĩa.

Ông Hoàng Thanh Hòa cho hay, năm 2013, Bộ NN-PTNT đã đầu tư xây dựng công trình xử lý bước đầu tại khu vực cửa vào sông Quảng Huế, trong đó có hạng mục “hạn chế lưu lượng bằng kết cấu mềm (rọ đá)”. Vị trí xây dựng công trình cách cửa vào sông Quảng Huế khoảng 200m, nhằm hạn chế một phần lưu lượng mùa kiệt vào sông Quảng Huế để đưa nước về Vu Gia khắc phục một phần tình trạng thiếu nước ở hạ du sông Vu Gia.

“Công trình bước đầu phát huy tác dụng, nâng cao tỷ lệ điều tiết nước qua sông Ái Nghĩa về hạ du sông Vu Gia. Tuy nhiên do cao trình của đập trên thấp (chỉ + 2,3m) nên tác dụng giảm nước vào sông Quảng Huế chưa cao!” – ông Hoàng Thanh Hòa thông tin.

Cũng theo ông Hoàng Thanh Hòa, trước diễn biến xâm nhập mặn, thiếu nước tại hạ du sông Vu Gia – Ái Nghĩa ngày càng phức tạp, nhằm hạn chế lưu lượng dòng chảy từ sông Vu Gia chuyển qua sông Quảng Huế về sông Thu Bồn, tăng lưu lượng nước về sông Ái Nghĩa, UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho phép triển khai đắp đập tạm bằng bao tải cát tại Quảng Huế trong các năm 2019 và 2020..

Nhằm hạn chế tỉ lệ phân lưu chia nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn, gây thiếu nước cho vùng hạ du sông Vu Gia trong mùa kiệt

...nhằm hạn chế tỉ lệ phân lưu chia nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn, gây thiếu nước cho vùng hạ du sông Vu Gia trong mùa kiệt.

Việc nâng cao trình đỉnh đập trên sông Quảng Huế bằng đập tạm từ cao trình hiện trạng lên cao trình +3.2m đã phát huy hiệu quả, làm tăng lưu lượng nước về hạ lưu sông Vu Gia và góp phần lớn vào việc đảm bảo nguồn cấp nước tưới cho các công trình khai thác nước, trạm bơm tưới của xã Đại Lộc, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và cấp nước thô, giảm mặn tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ, đảm bảo cấp nước an toàn cho TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên năm 2020, do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt lũ lớn trên sông Vu Gia, một số hạng mục công trình dự án Chỉnh trị sông Quảng Huế đã bị hư hỏng. Cụ thể là phần thân đập và kè chống sạt lở hai bên bờ sông bị trôi, sụt lún, chuyển vị, lòng dẫn sông phía thượng, hạ lưu đập bị sạt lở nặng nên đã làm giảm hiệu quả của công trình này.

Xây dựng đập Quảng Huế ở Quảng Nam phải có sự thống nhất của Đà Nẵng

Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết, UBND TP Đà Nẵng nhận thấy việc nghiên cứu giải pháp điều tiết trên sông Quảng Huế rất phức tạp, liên quan đến việc điều tiết lưu lượng dòng chảy giữa hai lưu vực sông Vu Gia và Thu Bồn; việc xử lý bồi lấp, xói lở tại khu vực ngã ba sông Vu Gia - Ái Nghĩa - Quảng Huế trong quá trình thi công xây dựng và vận hành công trình; kinh phí đầu tư công trình dự kiến tương đối lớn, việc vận hành công trình trong mùa kiệt và mùa mưa lũ cũng đặt ra nhiều vấn đề.

Ngoài ra, từ khi dự án Chỉnh trị sông Quảng Huế được thực hiện hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay đã gần 10 năm, có nhiều vấn đề phát sinh trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn như hệ thống các công trình thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn sông đã làm thay đổi dòng chảy cơ bản tại khu vực; vùng hạ du Vu Gia - Thu Bồn đang phát triển mạnh kinh tế xã hội, yêu cầu dùng nước khu vực hạ du tăng cao, nhất là TP Đà Nẵng.

Đặc biệt, tình trạng biến động lòng dẫn sông Quảng Huế cũ diễn ra mạnh, lòng sông bị xói sâu, mở rộng, độ dốc tăng; đồng thời lòng sông Ái Nghĩa tại ngã ba sông bị bồi lấp làm cho tỷ lệ phân lưu vào sông Quảng Huế có xu hướng tăng cao, dòng chảy về sông Ái Nghĩa bị giảm đi; mùa lũ bị xói lở hai bên bờ sông và gây hư hỏng các hạng mục công trình Chỉnh trị sông Quảng Huế.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam, việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp điều tiết trên sông Quảng Huế, đặc biệt là xây dựng công trình đập Quảng Huế là nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều Bộ, ngành Trung ương, các ngành, địa phương tỉnh Quảng Nam, các cơ quan, đơn vị liên quan.

Do vậy vấn đề này cần phải được Bộ NN-PTNT tổ chức nghiên cứu chuyên môn sâu để phân tích, đánh giá một cách toàn diện, khoa học nhằm quyết định lựa chọn giải pháp tốt nhất để đầu tư. Ngoài ra, dự án đập Quảng Huế được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngăn sông Quảng Huế thuộc hệ thống sông liên tỉnh Vu Gia - Thu Bồn nên phải có sự thống nhất của UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho hay, vì những lý do nêu trên, mới đây UBND TP Đà Nẵng đã có Văn bản số 2963/UBND-SNN đề nghị Bộ NN-PTNT tổ chức nghiên cứu tổng thể, đánh giá biến động dòng chảy, lòng dẫn khu vực ngã ba sông Vu Gia - Ái Nghĩa - Quảng Huế.

Từ đó có các giải pháp xử lý, chỉnh trị, đầu tư phù hợp nhằm đảm bảo ổn định, bền vững, chủ động điều tiết dòng chảy kiệt, hạn chế tình trạng thiếu nước ở hạ du sông Vu Gia, duy trì dòng chảy môi trường và đảm bảo an toàn trong mùa lũ ở khu vực ngã ba sông và hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm