Lợi thế thu hút đầu tư từ khu công nghiệp sinh thái
TP.HCM: khu công nghiệp Lê Minh Xuân xả thải chui / Khu công nghiệp vô tư xả thải bẩn
KCN sinh thái là một cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ hoạt động với mục tiêu bảo vệ môi trường. Đây là mô hình KCN gồm các doanh nghiệp thành viên hợp tác với nhau để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội toàn diện bằng việc quản lý tốt các vấn đề liên quan đến tài nguyên, môi trường.
Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện nay, mô hình phát triển này chính là giải pháp hiệu quả để xây dựng KCN xanh, loại bỏ chất thải và giảm thiểu các tác động đến môi trường.
Quá trình chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, song còn nhiều thách thức.
Việc thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái cần nguồn vốn đầu tư, trong khi đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong KCN còn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng ưu đãi do thủ tục khắt khe, lãi suất có xu hướng tăng cao, thời hạn vay ngắn.
Hơn nữa, Việt Nam chưa có cơ chế tài chính ưu đãi riêng cho dự án thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái. Các rào cản về kỹ thuật, năng lực quản lý cũng khiến doanh nghiệp còn bỡ ngỡ khi thực hiện chuyển đổi.
Đánh giá về tầm quan trọng của KCN sinh thái, bà Bùi Hồng Phương – Cán bộ Dự án Khu công nghiệp sinh thái UNIDO cho rằng, hướng KCN sinh thái sẽ là lợi thế lớn của Việt Nam để thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển bền vững, mang lại lợi ích to lớn cho các KCN và cộng đồng dân cư xung quanh KCN trên cả 3 khía cạnh kinh tế - xã hội - môi trường.
“Phát triển KCN theo mô hình sinh thái hiện không còn là giải pháp được Chính phủ khuyến nghị, mà trở thành yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn đạt hiệu quả cao hơn trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút nhà đầu tư nước ngoài”, bà Phương nhấn mạnh.
Ngày 28/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế.
Nghị định có nhiều nội dung sửa đổi về trình tự, thủ tục quy hoạch, đầu tư, thành lập KCN, khu kinh tế, chính sách phát triển và quản lý Nhà nước đối với KCN, khu kinh tế và bổ sung các mô hình KCN, khu kinh tế mới.
Ưu đãi đối với KCN sinh thái cũng được chú trọng như: miễn giảm tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi, đưa vào danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư; được vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, quỹ đổi mới công nghệ, ngân hàng phát triển, các quỹ của nhà tài trợ quốc tế.
Cùng với đó, được cung cấp thông tin về công nghệ, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi sang doanh nghiệp sinh thái; tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, xúc tiến đầu tư.
Để giải quyết các tồn tại hiện nay về KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các hướng dẫn, quy chuẩn cần thiết hỗ trợ chuyển đổi và xây dựng mới các KCN sinh thái.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vận động các nhà tài trợ quốc tế tiếp tục hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và đồng hành cùng các địa phương trên cả nước trong việc đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái.
Đồng thời, hướng tới việc xây dựng KCN sinh thái mới, gắn kết KCN sinh thái với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại các địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo