Nắng nóng, lụt lội và hạn hán sẽ ngày càng gia tăng về cấp độ
Đặt con người ở trung tâm trong chính sách về biến đổi khí hậu / 3000 tỷ đồng vốn vay ODA để ứng phó biến đổi khí hậu
Sáng 27/6, Nhóm Công tác về Biến đổi Khí hậu (CCWG) phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Viện Friedrich-Ebert (FES) tổ chức hội thảo “Chuyển dịch công bằng, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện tại Việt Nam”.
Các nhà khoa học của Uỷ ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã cảnh báo hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, lụt lội và hạn hán sẽ ngày càng gia tăng về cấp độ và mức ảnh hưởng.
Để giảm thiểu các nguyên nhân cũng như hỗ trợ người dân thích ứng trước các tác động của biến đổi khí hậu, các quốc gia cần có những hành động khẩn cấp nhằm chuyển dịch hệ thống kinh tế, xã hội, môi trường một cách bền vững và toàn diện.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ mang tính lịch sử nhằm đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ, tuyên bố sử dụng đất đai và quản lý rừng bền vững...
Đây là những động lực cũng như cơ hội cho chúng ta tận dụng các nguồn lực và hỗ trợ quốc tế nhằm chuyển dịch sang một tương lai xanh, phát triển bền vững.
Theo bà Phạm Cẩm Nhung, Quản lý Chương trình năng lượng và khí hậu, WWF-Việt Nam: “Việt Nam cần có cách tiếp cận toàn diện và đa chiều trong việc xây dựng, triển khai các chính sách, chiến lược, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng ta cần đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu ở các lĩnh vực khác nhau như năng lượng, kinh tế, y tế, nông nghiệp, quản lý đất đai và bảo vệ rừng nhằm tận dụng các lợi thế quốc gia và tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng”.
Bà Julia Beherns, Giám đốc Chương trình khí hậu châu Á, Viện Friedrich-Ebert khẳng định: Đảm bảo công bằng và đa dạng sự tham gia trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan, tổ chức cấp quốc gia cũng như tại địa phương chia sẻ.
“Bình đẳng giới và thúc đẩy sự tham gia của các nhóm dễ bị tổn thương như thanh thiếu niên, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật... cũng cần được lồng ghép xuyên suốt vào quá trình lên kế hoạch và triển khai các hành động vì khí hậu”, bà Julia Beherns nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Nam, Giám đốc quốc gia tổ chức FHI 360 chia sẻ: “Chuyển dịch công bằng, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện tại Việt Nam ngày càng được nhìn nhận như một chiến lược chủ chốt nhằm đạt được các hành động vì khí hậu ở mức cao.
Để có thể nhìn nhận được tiềm năng này như một yếu tố đòn bẩy xuyên suốt các lĩnh vực trong đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), hội thảo sẽ mở ra như góc nhìn về các nguyên tắc, quá trình và các thực hành chuyển dịch công bằng”.
Tại hội thảo các diễn giả và chuyên gia cũng thảo luận các cơ hội hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch công bằng, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện tại Việt Nam.
Trong đó có khuyến nghị về các hành động bảo vệ và quản lý rừng bền vững của Tổ chức Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững – SRD và những gợi ý nhằm đảm bảo bình đẳng giới và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, thanh thiếu niên trong các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương cũng như cấp quốc gia của Tổ chức CARE và Save the Children Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo