Một năm của các bộ trưởng: Ông Đinh Tiến Dũng và “túi tiền quốc gia”
Tuy nhiên, có thể thấy rằng giải bài toán khó về tài khóa là công việc mà ông Đinh Tiến Dũng đã phải ưu tiên số 1.
“Túi tiền đang hụt dần”
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng được bổ nhiệm vào tháng 5/2013, giữa thời điểm những chỉ số kinh tế vĩ mô được công bố đã khẳng định rằng Việt Nam sẽ có một năm khó khăn về kinh tế. Trước đó, trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ví von rằng “túi tiền quốc gia đang hụt dần”.
“Chuyên môn tài chính” có lẽ là thứ không phải bàn: với tấm bằng tốt nghiệp Học viện Tài chính, ông Dũng từng làm việc với tư cách là một kế toán cho doanh nghiệp đến quản lý tài chính ở Bộ Xây dựng. Ông cũng từng là chủ tịch rồi bí thư tỉnh thành, rồi từng là Tổng kiểm toán Nhà nước, những trải nghiệm mà nhiều người tin rằng, khi ngồi ghế Bộ trưởng Tài chính, chắc chắn sẽ không có chút ngỡ ngàng.
Thông điệp quan trọng nhất mà ông Đinh Tiến Dũng đưa ra ngay sau khi nhậm chức chính là việc sẽ “tiếp tục triển khai những chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp hơn, tăng trưởng ở mức cao hơn năm 2012”.
Nhưng, ông cũng lưu ý rằng “việc quan trọng hàng đầu là đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa, thực hiện công khai minh bạch để tăng cường sự kiểm tra giám sát của Nhà nước và xã hội”.
Chịu ảnh hưởng từ giai đoạn bùng nổ trước đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang chật vật trong nửa năm qua. Gạch nối giữa hai kỳ họp Quốc hội là một nỗi lo canh cánh từ các cấp lãnh đạo cao nhất về “túi tiền quốc gia”, đến những người dân ngày ngày thắc thỏm với “túi tiền gia đình”. Trong hoàn cảnh đó, hoạt động điều hành liên quan đến chính sách tài khóa trở nên đậm nét trong bức tranh hoạt động chung của ngành tài chính.
Đến tháng 9/2013, trên các diễn đàn chính thức, các lãnh đạo Bộ Tài chính thừa nhận tình trạng hụt thu ngân sách nhà nước, một thông tin kém vui trong bối cảnh ngành tài chính đã quen với việc “thu ngân sách vượt dự toán” trong nhiều năm qua. Từ các cơ quan thực thi như hải quan và thuế, những tiếng nói phản hồi về việc dự toán được giao quá cao và không sát với thực tiễn liên tục được gửi về Bộ Tài chính, trong khi các chỉ tiêu đã được ấn định tại Quốc hội hồi đầu năm vẫn đang được giữ nguyên.
Cho đến hết tháng 9/2013, tổng thu ngân sách nhà nước mới chỉ đạt 66,6% dự toán. Trong một nỗ lực nhằm tháo gỡ khó khăn, Bộ Tài chính phải gửi thư tới lãnh đạo các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp đẩy mạnh thu ngân sách trên địa bàn.
Một thứ trưởng của Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai, khi trả lời báo chí đã nói rằng “tình hình là rất gay”.
Đầu tháng 12, một quyết định phát đi từ Bộ Tài chính trong đó yêu cầu giám đốc sở tài chính, cục thuế, cục hải quan, kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức làm việc liên tục các ngày trong tuần, kể cả ngày thứ Bảy và Chủ Nhật đối với các đơn vị trực thuộc có liên quan để đôn đốc đối tượng nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ thu - chi ngân sách nhà nước.
Không biết có phải nhờ nỗ lực “làm thứ Bảy, Chủ Nhật” này hay không, nhưng số liệu thống kê cuối năm được công bố vào ngày 23/12 cho hay tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2013 ước tính đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, bằng 96,9% dự toán năm. Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2013 ước tính đạt 986,2 nghìn tỷ đồng, bằng 100,8% dự toán năm.
Với cán cân thu chi đó, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước năm nay ở mức 5,3% GDP, vượt mức 4,8% đã dự toán. Bội chi 5,3% là tỷ lệ đã được chấp thuận ở Quốc hội trước đó, cũng là mức mà ngành tài chính dự kiến cho năm 2014.
“Túi tiền quốc gia” đã hụt trong năm 2013 và dự kiến hụt tiếp ở tỷ lệ đáng kể cho năm 2014. Ngay cả khi đã “nới lỏng” chỉ tiêu, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, đây vẫn tiếp tục là thử thách cho ngành tài chính và cá nhân Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trong năm tới.
Chuyện dài “xin - cho”
Chuyến công tác cuối năm của Bộ trưởng Dũng đến một loạt tỉnh thành phía Nam có lẽ là dịp để ông cân đong đo đếm lại khả năng hoàn thành các mục tiêu của ngành trong năm 2014, sau các kết quả kém thuyết phục của năm 2013.
Nhưng, trong khi Bộ trưởng chờ đợi ở các địa phương một sự phối hợp mới, những tiếng nói “xin cơ chế” vẫn liên tục được đưa ra.
Nhiều tỉnh thành có lẽ vẫn nặng một quán tính: các cuộc làm việc với các lãnh đạo cao cấp là dịp để địa phương “kể khó”, từ đó “xin cơ chế”. Tại tỉnh khá Bình Dương mới đây, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã được nghe về đề xuất “giao nguồn thu thuế nhập khẩu xăng dầu về tỉnh Bình Dương để đảm bảo nguồn thu của tỉnh theo dự toán được giao”; “kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng thêm tỷ lệ điều tiết các khoản thu nội địa cho địa phương nhằm giảm tải áp lực lớn trong việc giải quyết các nhu cầu đang gia tăng”; “đề xuất cơ chế hỗ trợ đối với hai huyện mới được thành lập năm 2014”…
Không chỉ ở Bình Dương, các bản kiến nghị khác từ TP.HCM, Đồng Nai hay trước đó là Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng đã được gửi đến ông Dũng.
Một đồng nghiệp của ông Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, cũng từng nhận được những kiến nghị tương tự trong các chuyến công tác địa phương. Tại Quốc hội, ông Vinh từng nói rằng “các đồng chí đi xin chủ trương cấp trên, đồng ý tất, còn tôi đứng dưới không có tiền là vô cùng áp lực”. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng hẳn cũng nhìn thấy ở phát biểu đó sự chia sẻ: cho dù “thông cảm” với địa phương cỡ nào, kỷ luật tài chính là điều cần được tôn trọng, nhất là trong bối cảnh khó khăn, như điều chính ông từng cam kết khi mới nhận chức.
Có điều, ngay cả khi cơ chế chính sách đã rõ ràng, phương châm hành động đã nhất quán, trong điều hành thực tiễn, ông Dũng chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều câu chuyện mang tính “sự vụ”. Lấy ví dụ, hai năm qua, ngành thuế từng đưa ra những tuyên bố rất mạnh mẽ trong vấn đề chống chuyển giá và một số doanh nghiệp FDI thậm chí đã được công bố là thuộc diện “nghi vấn”. Tuy nhiên, cho đến nay, câu chuyện chuyển giá vẫn được xem là mới chỉ “giơ cao đánh khẽ”.
Lâu nay, thanh kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp FDI nói riêng vẫn được coi là việc “nội bộ” của ngành thuế và hải quan. Với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chính trong vấn đề chống chuyển giá, Bộ Tài chính liệu có quyết liệt đưa ra công luận một vài vụ điển hình?
Trong khi đó, cách vận dụng chính sách khác nhau của từng tỉnh thành trong bối cảnh phân cấp sâu rộng như hiện nay cũng sẽ khiến cho Bộ Tài chính gặp khó trong việc triển khai chính sách về địa phương. Đôi khi, một quyết định của tỉnh thành có thể làm lợi cho doanh nghiệp và làm khó thêm bài toán tài khóa quốc gia.
Thời gian gần đây, với lý do kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp đã và đang gửi các kiến nghị ưu đãi về Bộ Tài chính, mà xem ra kiến nghị nào cũng… có lý, như các câu chuyện về Viettel, Trường Hải… đã từng đề cập. Sức ép từ những bản kiến nghị này, đôi khi, là không hề nhỏ.
Dù sao, với nửa năm điều hành khá kín kẽ và dư địa thời gian phía trước, những người đặt niềm tin vào ông Đinh Tiến Dũng vẫn có quyền hy vọng vào những điều mới mẻ từ vị Bộ trưởng “đúng nghề” và giàu trải nghiệm này!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines