Thị trường

Một năm FDI: Từ “nghi án” chuyển giá đến hiện tượng Samsung

Trong một năm kinh tế khó khăn, lĩnh vực đầu tư nước ngoài đã đạt được những kết quả tích cực hơn kỳ vọng của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nội tại vẫn chưa được giải quyết.

Việc có tới hai dự án đầu tư mới vào Bắc Ninh và Thái Nguyên với hơn 4 tỷ USD khiến Samsung không chỉ là nhà đầu tư lớn nhất trong năm mà còn là sự cam kết về việc đầu tư dài hạn và có hệ thống của tập đoàn này.

Hãy cùng nhìn lại những điểm nhấn quan trọng nhất trong lĩnh vực này năm 2013.

Vốn đăng ký vượt xa mục tiêu

Tính đến ngày 15/12/2013, cả nước đã có 1.275 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 14,272 tỷ USD (tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2012) và 472 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,355 tỷ USD (tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2012).

Tính chung trong 12 tháng đầu năm 2013 tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 21,628 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Đây là một kết quả vượt xa mục tiêu thu hút 13-14 tỷ USD vốn FDI đã đề ra từ đầu năm.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 605 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 16,636 tỷ USD, chiếm 76,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,031 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 20 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 951 triệu USD.

Giải ngân tăng trở lại

Trong 12 tháng năm 2013, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% với cùng kỳ năm 2012. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế, đặc biệt là việc các dự án của các nhà đầu tư lớn như Samsung, Formosa…

Cần nhắc lại là năm ngoái, vốn thực hiện đã giảm 4,9% so với năm trước đó. Vốn thực hiện tăng cũng góp phần tăng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2013, trong bối cảnh đầu tư công tăng ít.

Tính theo giá hiện hành, ước tính vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2013 đạt 1091,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước và bằng 30,4% GDP.

Trong khi vốn khu vực Nhà nước đạt 440,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,4% tổng vốn và tăng 8,4% so với năm trước và khu vực ngoài nhà nước đạt 410,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,6% và tăng 6,6%; thì khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 240,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 22% và tăng 9,9%.

Xuất khẩu “gánh” cán cân thương mại

Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 12 tháng đầu năm 2013 dự kiến đạt 88,423 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 66,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 81,187 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ 2012 và chiếm 61,42% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài 12 tháng năm 2013 đạt 74,469 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 56,71% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Tính chung trong 12 tháng đầu năm 2013, khu vực FDI xuất siêu 13,954 tỷ USD, trong khi cả nước xuất siêu 863 triệu USD.

Dễ thấy là thành tích xuất khẩu vượt trội đã “gánh” cán cân thương mại cho Việt Nam, mang lại “thành tích” xuất siêu cho Việt Nam trong năm 2013.

Xáo trộn lớn trên bảng tổng sắp các tỉnh thành

Với việc cấp phép cho các dự án lớn, một số địa phương chưa từng là “địa chỉ đỏ” về FDI đã đứng vào nhóm dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài.

Thái Nguyên là địa phương thu hút nhiều vốn FDI đăng ký nhất với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,4 tỷ USD, chiếm 15,7% vốn đăng ký.

Với sự điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa đứng thứ hai với 2,921 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 13,5% tổng vốn đầu tư.

Trong khi đó, Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,612 tỷ USD, chiếm 12,1% vốn đăng ký, chủ yếu là nhờ dự án của tập đoàn LG.

Các địa phương vốn là điểm nóng như Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội vẫn đạt kết quả tích cực trong thu hút FDI nhưng do không có dự án lớn nên đành chấp nhận “xếp sau”.

Sự trở lại của các dự án tỷ đô

Cũng như một số năm có số vốn đầu tư bùng nổ trong một thập kỷ gần đây, thành tích thu hút FDI năm nay ghi nhận sự đóng góp của các dự án “tỷ đô”.

Có tới 7 dự án thuộc diện này, trong đó lớn nhất là dự án Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của nhà đầu tư Nhật Bản điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD.

Đáng chú ý trong danh sách “tỷ đô” năm nay là dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 của nhà đầu tư Trung Quốc với tổng vốn đầu tư 2,018 tỷ USD để thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than tại Vĩnh Tân.

Hiện tượng Samsung

Thành công của Samsung trên thị trường quốc tế đã khiến cho hoạt động của tập đoàn tại Việt Nam trở nên nhộn nhịp và kết quả đạt được cũng khiến nhiều người phải ngạc nhiên.

Việc có tới hai dự án đầu tư mới vào Bắc Ninh và Thái Nguyên với hơn 4 tỷ USD khiến Samsung không chỉ là nhà đầu tư lớn nhất trong năm mà còn là sự cam kết về việc đầu tư dài hạn và có hệ thống của tập đoàn này.

Dự án của Samsung tại Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử là điểm nhấn quan trọng nhất trong quý 1/2013, trong khi dự án của Samsung Electro-Mechanics Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,23 tỷ USD và dự án Samsung tại Bắc Ninh điều chỉnh tăng vốn 1 tỷ USD đã góp phần làm nên một năm “xôm tụ” của Samsung tại Việt Nam.

Dấu ấn công nghiệp lọc dầu

Tháng 10/2013, dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô tại khu công nghiệp Hòa Tâm (Phú Yên) có tổng vốn đầu tư hơn 3,1 tỷ USD đã được trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, qua đó công suất từ 4 triệu tấn được nâng lên 8 triệu tấn/năm.

Cũng trong tháng 10, dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD; công suất 10 triệu tấn/năm (200.000 thùng/ngày) đã được khởi công. Theo chủ đầu tư, đây sẽ là một khu phức hợp lọc hóa dầu với công nghệ hiện đại và là dự án được xếp loại đặc biệt về khuyến khích đầu tư của Chính phủ Việt Nam.

Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan cũng đã chính thức công bố khởi động lập dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội tại Bình Định với tổng mức đầu tư 25-30 tỷ USD, trong đó phần vốn tự góp chiếm 40%.

Có thể nói năm 2013 là một năm nhộn nhịp của các dự án có vốn FDI vào lĩnh vực lọc dầu.

Ồn ào chuyện chuyển giá

Cho dù chưa có “án điểm” nào về chuyển giá được công bố, vấn đề chống chuyển giá tiếp tục được làm nóng trong năm 2013.

Báo cáo của Bộ Tài chính tại hội nghị tổng kết 25 năm thu hút FDI hồi đầu năm nay cho biết hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ là “khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục trong 3 năm”.

Vẫn theo tổng kết của Bộ Tài chính, trong khoảng 5 năm trở lại đây (2006 - 2010) các hành vi chuyển giá điển hình đã và đang diễn ra tại Việt Nam thường dưới các hình thức: chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chuyển giao dịch vụ giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh giữa các bên liên kết.

Trong năm qua, hàng chục doanh nghiệp lớn cũng đã được ngành thuế đưa vào diện “nghi vấn chuyển giá”.

Ban hành chiến lược mới về FDI

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.
Theo nghị quyết, sẽ sửa đổi hàng loạt chính sách liên quan đến đầu tư nước ngoài, bao gồm chính sách ưu đãi đầu tư bảo đảm tính hệ thống từ ưu đãi thuế, ưu đãi tài chính đến ưu đãi phi tài chính; thống nhất giữa chính sách thuế và chính sách đầu tư nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút đầu tư nước ngoài…

Nghị quyết cũng đưa ra các nguyên tắc mới về quản lý và phân cấp đầu tư;  thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các dự án có vốn FDI; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư…

Vẫn theo nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ quản lý chuyên ngành sẽ tăng cường phối hợp, rà soát, khi cần thiết thì tiến hành kiểm tra đối với các dự án FDI, đặc biệt lưu ý các dự án có quy mô lớn; chiếm diện tích đất lớn; dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường; dự án tiêu tốn năng lượng; các dự án nhạy cảm khác...

Nhiều lo lắng về môi trường đầu tư

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2013, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) mới nhất của EuroCham cho thấy, các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam gần như không thay đổi đánh giá trong suốt cả năm, duy trì ở mức trung bình (50/100 điểm).

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho rằng môi trường đầu tư tại Việt Nam đã và đang tồn tại nhiều vấn đề như thiếu hụt nhân lực quản lý, cung cấp điện thiếu ổn định, kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện, hệ thống pháp luật cứng nhắc, thiếu nguồn cung cấp nguyên vật liệu…

Các nhà đầu tư cũng quan ngại vì tốc độ cổ phần hoá giảm mạnh trong những năm vừa qua; thiếu qui chế quản trị doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp nhà nước  đã được chuyển đổi nhưng chưa có quy chế quản trị và giám sát đặc thù nhằm phân định quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước trong việc điều hành doanh nghiệp...

Theo Vneconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo