Tin tức - Sự kiện

Một số đề nghị xây dựng luật chưa đủ căn cứ khoa học, thực tiễn

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cho rằng chất lượng một số đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo luật còn hạn chế. Nhiều tài liệu trong hồ sơ dự án luật mà Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ký, không đóng dấu. Một số đề nghị xây dựng luật chưa có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn.

Bộ Tư pháp vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh 4 tháng đầu năm 2018.

Nhiều tài liệu trong hồ sơ dự án luật không ký, không đóng dấu

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, 4 tháng đầu năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên; các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều cố gắng nên việc chuẩn bị các dự luật (trừ một số dự án xin lùi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 cơ bản hoàn thành. Nhiều văn bản quy định chi tiết được ban hành đúng thời hạn, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. Nội dung các văn bản quy định chi tiết cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Tuy vậy, Bộ Tư pháp thẳng thắn cho rằng chất lượng một số đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo luật còn hạn chế. Báo cáo của Ủy ban Pháp luật thẩm tra đề nghị về Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018 và công văn của Ủy ban Tư pháp mới đây cũng phản ánh tình trạng nhiều tài liệu trong hồ sơ dự án luật mà Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ký, không đóng dấu.

Một số đề nghị xây dựng luật chưa có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn; báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết còn sơ sài; đánh giá về dự kiến nguồn lực hoặc dự kiến nguồn lực còn định tính, thiếu định lượng, ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án.

“Thực tế, một số đề nghị xây dựng luật do Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018 nhưng không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Luật Dự phòng và nâng cao sức khỏe hoặc đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, làm rõ thêm các chính sách (Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)) và các nội dung sửa đổi về xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh trong Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.... 2 dự án Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định rút ra khỏi Chương trình Kỳ họp thứ 5 là Luật Dân số và Luật Quản lý phát triển đô thị”- Bộ Tư pháp chỉ rõ.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định.

Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn còn, số lượng văn bản nợ ban hành là 18 văn bản, đặc biệt, có 8/18 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ. Có những văn bản nợ kéo dài từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.

 

Căn cứ để Quốc hội xem xét, đánh giá tín nhiệm

“Lãnh đạo một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa thực sự quan tâm, tập trung chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là xây dựng các dự án luật. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật có lúc còn chưa nghiêm”- Bộ Tư pháp nêu nguyên nhân thực trạng.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan còn hạn chế, có Bộ chưa thực sự chủ động, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc cập nhật thông tin tiến độ soạn thảo, dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi, đôn đốc. Trong quá trình soạn thảo, trình, phối hợp chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, các cơ quan chưa lường trước được những khó khăn, vướng mắc trong việc quy định chi tiết các nội dung, tổ chức soạn thảo văn bản…
Từ thực tế đó, Bộ Tư pháp đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, khắc phục tình trạng xin lùi thời hạn trình, ban hành văn bản, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết.

Trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, tiến hành kiểm điểm, nhắc nhở các bộ, cơ quan ngang bộ tại các phiên họp của Chính phủ và lấy đó làm tiêu chí để Quốc hội xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Các Bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 86 văn bản quy định chi tiết thi hành 17 luật và các nội dung được giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực trong thời gian tới nhất là đối với 58 văn bản quy định chi tiết 9 luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018, phải ban hành bảo đảm chất lượng, tiến độ của văn bản, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, không để tái diện tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản.

 

Nên đọc
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo