Thị trường

Mua nợ xấu không phải là ôm nợ xấu

Mặc dù VAMC đã được thành lập, những hợp đồng mua nợ xấu đã được ký kết nhưng quan điểm xử lý nợ xấu thế nào giữa các chuyên gia vẫn còn nhiều khác biệt. Điều này được thể hiện khá rõ ràng tại cuộc hội thảo “Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014-2015” do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: g.huy

Theo TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh, có rất nhiều người nghi ngờ phương thức xử lý nợ xấu của VAMC. Bởi lẽ, theo đánh giá thì việc mua nợ của VAMC chỉ là chuyển nợ từ nơi này sang nơi khác chứ không xử lý được.

Ông Nghĩa cho rằng, đúng là hiện nay nợ xấu mới chỉ được VAMC mua và để đó nhưng vấn đề việc VAMC mua nợ xấu đã giúp cải thiện mối quan hệ tín dụng giữa DN và NH, giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng.
 
“Tôi đã từng dẫn NH đến gặp DN xuất khẩu có kế hoạch kinh doanh tốt, nhưng không thể vay được do có khoản nợ xấu nhóm 5. Vì thế NH không cho vay. NH không cho vay thì DN cũng không thể trả nợ. Nếu có cho vay thì NH phải trích lập 100% dự phòng rủi ro.
 
Do đó, ngay cả trường hợp xấu nhất không thể bán được nợ xấu của VAMC thì việc làm sạch bản cân đối tài sản của NH cũng là vấn đề vô cùng quan trọng với nền kinh tế. Còn việc VAMC bán được nợ xấu hay không? Bán cho ai? Đó là việc của VAMC, của NHNN chứ không phải là việc của DN và NH” - ông Nghĩa nói.
 
Có quan điểm khác về vấn đề nợ xấu, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng muốn có hệ thống NH khỏe mạnh thì chất lượng tài sản phải được lành mạnh hóa thực sự.
 
“Xử lý nợ xấu là một trong 2 khâu quan trọng trong tái cơ cấu, lành mạnh hóa hệ thống NH. Nợ xấu đang làm chất lượng tài sản của NH suy giảm. Do vậy tôi không đồng tình với ý kiến VAMC mua nợ xấu là chính còn xử lý thế nào là sau này” – ông Hiếu bày tỏ.
 
Theo ông Hiếu, VAMC mua nợ xấu từ các NH sau đó phải tìm cách để phục hồi khoản nợ đó thành nợ tốt. Còn với nợ xấu không có khả năng chuyển thành nợ tốt thì buộc phải bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Còn các NH nào bị thiệt hại do xử lý nợ xấu thì phải được tái cấp vốn từ cổ đông để đảm bảo đủ điều kiện hoạt động như quy định.
 
Nhìn vào cách thức xử lý nợ xấu, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, cần hiểu xử lý nợ xấu không chỉ với nợ xấu đã có mà còn phải theo hướng không để nợ xấu mới phát sinh. Hiện nay, tín dụng chủ yếu của NH là tín dụng ngắn và trung hạn. Do vậy, nếu việc cho vay không được kiểm soát chặt chẽ, NH hạ chuẩn để mở rộng tín dụng thì chỉ 3-6 tháng sau nợ xấu lại “phình to” trở lại.
 
Chia sẻ với quan điểm của TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đặt ra vấn đề tách chức năng của NHTM và NH đầu tư trong NH hiện nay. Bởi theo ông Hiếu, thời gian qua các NH của Việt Nam hoạt động đa năng và nhiều NH đã sử dụng chức năng đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, dẫn tới chất lượng tài sản của NH bị sụt giảm.
 
Đánh giá cao sự đóng góp của các chuyên gia về xử lý nợ xấu, TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch VAMC - cho rằng, về cơ bản sau 5 năm nợ xấu sẽ được xử lý triệt để. Thực tế, nợ xấu là cả một quá trình và nếu chỉ một mình VAMC sẽ không thể xử lý được mà ở đó phải có trách nhiệm của TCTD và các tổ chức kinh tế (TCKT).
 
Với việc ban hành các quy định như quyết định 780, Thông tư 02, NHNN đã có một lộ trình thắt chặt từng bước đối với hoạt động TCTD. Theo ông Hùng, bản thân các TCTD cũng như TCKT cần xác định phải tái cấu trúc lại hoạt động theo hướng hiệu quả hơn trong đó có trách nhiệm xử lý nợ xấu đang tồn tại.
 
“VAMC ra đời giúp giảm áp lực cho TCTD trong 5 năm để TCTD có điều kiện cũng như thời gian tái cấu trúc. Nếu không đưa được nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản thì các TCTD sẽ không thể tự tái cơ cấu”- ông Hùng kết luận.
Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo