Mùa xuân cảnh giác với bệnh thủy đậu
Lành tính nhưng dễ biến chứng
Thủy đậu là dạng bệnh mang tính chất cấp tính hay lây thành dịch, gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em từ 2-10 tuổi gặp nhiều nhất. Có 2 thể bệnh chính: thể thông thường (điển hình) và thể thủy đậu bất thường (biến chứng). Thể thông thường có thời kỳ ủ bệnh từ 10-21 ngày.
Trong thời kỳ ủ bệnh ít có biểu hiện gì đáng kể. Thời kỳ khởi phát có biểu hiện sốt nhẹ (khoảng 38oC), chảy nước mũi, đau mình, mệt mỏi, trẻ quấy khóc, ăn kém. Đôi khi thân nhiệt có thể tăng đến 39 - 40oC, trằn trọc khó ngủ, mê sảng.
Thời kỳ toàn phát, các nốt ban xuất hiện khá nhanh, mới đầu là các nốt sẩn đỏ giống với ban sởi, sau vài giờ các ban phát triển thành nốt phỏng rải rác khắp thân mình.
Thời kỳ lui bệnh, sau khoảng từ 24 - 48 giờ ban sẽ ngả sang màu vàng và vỡ ra, khi lành không để lại sẹo (trừ trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn). Thông thường mỗi một nốt thủy đậu kéo dài khoảng 5 - 6 ngày rồi khô lại, đóng vảy và bong sau khoảng một tuần lễ.
Thể thủy đậu bất thường hiếm gặp, vì bệnh thủy đậu nói chung là lành tính nhưng nếu không biết chăm sóc đúng cách bệnh có thể trở nên lâu lành, nhiễm trùng để lại sẹo và cũng có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như viêm niêm mạc miệng, niêm mạc âm đạo (nữ giới), viêm thận, viêm khớp tràn dịch, viêm phổi (gặp chủ yếu ở người trưởng thành bị thủy đậu), thậm chí nhiễm trùng máu (do bội nhiễm vi khuẩn) hoặc viêm não gây tử vong.
Cần nhận thức đúng về bệnh thủy đậu
Một số người quan niệm rằng khi trẻ mắc bệnh thủy đậu cần kiêng gió và kiêng nước. Quan niệm này là chưa đúng. Vì vậy, khi mắc bệnh thủy đậu cần giữ vệ sinh da sạch sẽ để tránh bội nhiễm vi khuẩn. Sau khi lau, tắm cho trẻ xong nên dùng vải thô sạch thấm khô da cho trẻ rồi mặc quần, áo rộng, thoáng.
Nếu trẻ chỉ có vài ba nốt thủy đậu bị vỡ thì có thể dùng nước oxy già (H202) rửa, dùng bông vô trùng thấm khô (bông này sau khi dùng xong cho vào túi nilông buộc kín, cho vào nước đun sôi để diệt mầm bệnh tránh lây lan).
Khi có nhiều nốt phỏng vỡ thì cần cho cháu đi bệnh viện để được điều trị đề phòng sốc do mất nước, nhiễm trùng, nhiễm độc bởi độc tố vi khuẩn hoặc biến chứng.
Khi trong gia đình hay một tập thể (nhà trẻ, lớp mẫu giáo) có trẻ mắc bệnh nghi do thủy đậu cần được cách ly trẻ bệnh với trẻ lành, vì bệnh thủy đậu ngoài lây theo đường hô hấp chúng còn có thể lây trực tiếp từ các nốt phỏng. Những người lớn mà chưa bao giờ bị bệnh thủy đậu thì cũng cần tránh tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu.
Phòng bệnh thủy đậu tốt nhất là dùng vacxin cho trẻ và cả người lớn chưa có miễn dịch chống bệnh thủy đậu.
Minh Thúy ( Theo tienphong )
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam