Mục tiêu kép năm 2013 - Thách thức và hiện thực hóa
Thách thức lạm phát thấp hơn
Lạm phát với biểu hiện cụ thể ở tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) là mục tiêu khó nhất bởi lâu nay thực tế thường khác khá xa so với mục tiêu. Trong 8 năm gần đây, chỉ có 2 năm đạt (2006 tăng 6,6%, năm 2009 tăng 6,52%), còn 6 năm tăng cao hơn mục tiêu đề ra.
Năm 2012, mục tiêu là dưới 10% và có lúc khả năng giữ được ở mức khá thấp (tháng 8 tăng 5,04%, đến tháng 10 tăng 7% và nếu 2 tháng tới tăng 1%/tháng, cả năm tăng 8,15%; còn nếu 2 tháng tới tăng thấp hơn, cả năm 2012 sẽ tăng 7,94%).
Kiềm chế lạm phát năm 2013 mức thấp là kỳ vọng của người dân, nhất là những người tiêu dùng thu nhập thấp, những người có thu nhập bằng tiền cố định, đặc biệt là những người bị mất việc hay thiếu việc làm.
Để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã có các giải pháp đồng bộ, do đó việc cần làm là quyết liệt thực hiện ngay từ cuối năm nay. Theo tác giả bài viết, về điều hành chính sách cần nhất quán với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bởi kết quả của năm 2012 là tích cực nhưng chưa thật vững chắc; đổi mới công tác điều hành từ ứng phó thụ động bằng biện pháp hành chính và tình thế sang điều hành lạm phát theo mục tiêu chủ động; phối hợp tốt hơn giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương; làm tốt hơn công tác thông tin, dự báo.
Về chính sách tài khóa và tỷ giá, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu, chi theo dự toán được duyệt, tiết kiệm chi, giữ mức bội chi không quá 4,8% GDP; ổn định tỷ giá để tránh “khuyếch đại” lạm phát và giảm áp lực đối với tâm lý kỳ vọng lạm phát; giảm thiểu chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Về giá cả và thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu và quản lý tốt hơn thị trường; thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có điều tiết của nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình phù hợp; năng cao hiệu quả đầu tư và năng suất lao động với mục tiêu đưa hệ số ICOR năm 2013 xuống còn 5,5.
Khả thi tăng trưởng cao hơn
Với tư duy đổi mới không chạy theo tăng trưởng cao bằng mọi giá, năm 2012 đặt ra mục tiêu tăng trưởng hợp lý. Tuy nhiên, để giảm bớt tác động tiêu cực đến an sinh xã hội, Chính phủ đã trình Quốc hội mục tiêu tăng trưởng năm 2013 cao hơn năm 2012. Đây là mức tăng trưởng cần thiết, có tính khả thi.
Cần thiết vì để thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội; phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, không gây ra hệ luỵ về lạm phát, phù hợp với tỷ lệ vốn/GDP, tốc độ tăng xuất khẩu.
Khả thi vì tăng trưởng kinh tế có xu hướng cao hơn qua từng quý của năm 2012, tạo đà thoát đáy vượt dốc đi lên trong năm 2013 và tỷ lệ vốn đầu tư/GDP năm 2013 cao hơn của năm 2012 (30% so với 29,5%).
Trong đó, cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nguồn vốn khu vực nhà nước, tăng tỷ trọng của nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước, khu vực có hiệu quả đầu tư cao. Với mục tiêu hệ số ICOR thấp hơn năm 2013 như đã nêu ở trên đồng nghĩa với hiệu quả đầu tư tăng lên. Bên cạnh đó, tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ sau khi loại trừ yếu tố tăng giá đã có xu hướng tăng cao.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hiện nay là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tập trung giải quyết 2 điểm nghẽn là nợ xấu và tồn kho cao, tránh vòng luẩn quẩn “sức mua giảm- tồn kho tăng- sản xuất giảm- nợ xấu tăng- tín dụng giảm”.
Hồng Lĩnh (Theo chinhphu.vn)
End of content
Không có tin nào tiếp theo