Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 có thể cao hơn
Trong hai ngày 31/8 và 1/9/2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2015.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2015, dự báo cả năm 2015 và định hướng năm 2016; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước 2016; Báo cáo kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 8 tháng năm 2015 và một số nội dung quan trọng khác.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực trong bối cảnh diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới (giá dầu giảm, sự phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và các đồng tiền khác, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán trên thế giới...).
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định tích cực, lạm phát thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 giảm 0,07%. Tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 20/8 tăng 9,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt gần 106 tỷ USD, tăng 9%. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 67% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng hơn 30%; vốn thực hiện ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 7,6%.
Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển tích cực; khu vực công nghiệp tăng mạnh, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng hơn 10%, cho thấy sức mua tiếp tục phục hồi tích cực.
Các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9 được tổ chức tốt.
Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối diện một số khó khăn, thách thức như giá dầu thô thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, trong tháng 8/2015, có lúc đã xuống dưới 40 USD/thùng, ảnh hưởng đến thu ngân sách, cán cân thương mại; việc thực hiện tái cơ cấu còn chậm; thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đạt được một số kết quả nhưng chưa như mong muốn. Sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều khó khăn. Giá nông sản trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng giảm, làm cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta giảm.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện mặc dù nền kinh tế đối diện nhiều khó khăn, thách thức, bị ảnh hưởng bởi những biến động gần đây của kinh tế thế giới. “Kết quả này tạo tiền đề thuận lợi để những tháng cuối năm, nếu không có gì đột biến, thì chúng ta có khả năng hoàn thành 14 chỉ tiêu năm 2015 như đã báo cáo Quốc hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về định hướng năm 2016, sau khi nghe ý kiến các thành viên Chính phủ Thủ tướng cho ý kiến đối với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội như về tăng trưởng GDP, đặt mức khoảng 6,7%; lạm phát khoảng 5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP...
Về ngân sách nhà nước năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020, qua thảo luận tại phiên họp vẫn còn có các ý kiến khác nhau, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tính toán theo hướng tăng trưởng kinh tế năm 2016 sẽ cao hơn, thu ngân sách khả quan hơn. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đẩy mạnh chi cho đầu tư phát triển, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng chỉ đạo rà soát lại trên cơ sở, nguyên tắc đã ban hành. “Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn để chúng ta có cái nhìn tổng thể việc đầu tư công một cách dài hơi hơn, để đầu tư công hiệu quả hơn. Đây cũng là một phần việc của tái cơ cấu đầu tư công”, Thủ tướng nêu rõ.
Về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 -2020, các ý kiến thảo luận tại phiên họp thống nhất giảm tối đa số lượng chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng lồng ghép các chương trình có cùng mục tiêu, nhiệm vụ. Theo đó, sẽ thu gọn từ 61 chương trình còn 21 chương trình.
“Nguyên tắc chỉ loại bỏ các mục tiêu trùng lắp, không phù hợp hay đã hoàn thành, chứ không bỏ sót mục tiêu, nhiệm vụ chi nào. Các nhiệm vụ cần phải chi, nhất là chi cho con người thì không giảm cái nào”, Thủ tướng nêu rõ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng