Dự kiến trong tháng 9 sẽ có Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” tối 30/8.
Theo người đứng độ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho đến nay vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư là vì có nhiều lí do. Theo Bộ trưởng, việc ban hành Nghị định hướng dẫn 2 bộ luật này là đột phá rất lớn, chúng ta đã lựa chọn phương pháp "chọn bỏ", có nghĩa là cái gì Nhà nước cấm thì Nhà nước công bố, cái gì Nhà nước không cấm thì doanh nghiệp được tự do kinh doanh.
"Chính vì thế, các bộ, ngành và cơ quan soạn thảo phải lọc ra có bao nhiêu ngành nghề cấm, có bao nhiêu ngành nghề có điều kiện, còn lại là tự do kinh doanh. Đây là một công cuộc rà soát khổng lồ đòi hỏi phải tiến hành rất cẩn thận", Bộ trưởng Vinh chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phân tích, nếu rà soát không cẩn thận thì có những ngành, nghề rất nguy hiểm lại bỏ lọt, để kinh doanh thoải mái thì gây nên hậu quả cho xã hội. Cho nên, chúng tôi đã phải làm việc với 16 bộ, ngành Trung ương nên để khớp lại với nhau. Đây là quá trình rất căng thẳng.
"Cách đây 3 tháng, chúng tôi đã trình những nghị định này rồi. Tất nhiên, còn nhiều nghị định sẽ được trình chậm hơn vì điều kiện rất khó khăn như vậy. Hơn nữa, trong khi chưa ban hành thì Bộ KH&ĐT đã có hướng dẫn rất chi tiết cho DN cũng như các cơ quan có liên quan. Đến giờ phút này, về cơ bản không còn vướng mắc nhiều như những ngày đầu tiên. Tôi nghĩ là trong tháng 9 thì sẽ ban hành được những nghị định này", lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Hơn 13.000 doanh nghiệp thành lập theo luật mới
Liên quan đến thông tin một số đơn vị cho biết bị quá tải trong quá trình làm thủ tục thực hiện Luật Doanh nghiệp, lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư cho hay: "Đây là sự quá tải của cơ quan đăng ký kinh doanh nhà nước, nghĩa là ở Sở KH&ĐT hay ở phòng đăng ký kinh doanh. Tình trạng quá tải là vì hai lí do chính, một là là trước đây họ không phải làm những công việc như bây giờ. Trước đây, DN phải làm rất nhiều thì bây giờ chuyển những công việc của DN cho họ làm".
"Thứ hai, công việc của các cơ quan khác cũng chuyển về cho họ. Ví dụ như trước đây, phòng đăng ký kinh doanh ở các Sở KH&ĐT không phải chịu trách nhiệm đăng ký kinh doanh các DN FDI, bây giờ dồn vào một đầu mối. Họ sẽ phải lên Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia, cập nhật 18.000 DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam lên cổng thông tin này", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết thêm.
Cũng theo Bộ trưởng, tình trạng quá tải trong quá trình làm thủ tục cũng chỉ diễn ra trong mấy ngày đầu và chủ yếu xảy ra ở các cơ quan đăng ký kinh doanh ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo lý giải của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là những thành phố lớn, khi luật có hiệu lực thì trong mấy ngày đầu tháng 7, riêng ở Hà Nội, trước đây một ngày chỉ có 400-500 DN đến đăng ký thì những ngày đầu đó lên tới 1500-1600 DN. Khối lượng như vậy gấp tới 3, 4 lần.
"Như vậy, cộng với việc mà những phòng này phải nhận thêm thì khối lượng công việc quá lớn nên anh em vất vả. Vì vậy, nhiều DN phải chờ đợi bởi số lượng đến cùng lúc rất đông và vì những lúng túng ban đầu", vị này nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng, qua cuộc điều tra toàn bộ trên 63 tỉnh thành cả nước, bình quân thời gian đăng ký kinh doanh của cả nước chỉ hết 2,6 ngày, tức là chưa đến 3 ngày theo quy định.
Một con số ấn tượng là sau 50 ngày đầu tiên kể từ khi 2 luật này có hiệu lực (1/7/2015), số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng lên 13.000 DN và con số đó là tăng trên 73% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Con số này có được là do kinh tế đang từng bước phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định và những nguyên nhân khác, nhưng cũng là do thủ tục tham gia thị trường đơn giản hơn, minh bạch hơn và ít rủi ro hơn", người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Trước luồng ý kiến cho rằng DN không dùng con dấu vì có vướng mắc của DN và cơ quan đăng ký kinh doanh gặp về việc trả dấu cũ, khắc dấu và đăng ký dấu mới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, trong luật này vẫn quy định cần có con dấu, chuyện không cần thì phải đợi các bước tiếp theo, bởi vì hiện đang có nhiều văn bản ngoài Luật Doanh nghiệp vẫn yêu cầu sử dụng con dấu trong chứng thực, văn bản pháp lý.
"Vì vậy, chúng ta phải dần dần điều chỉnh các văn bản đó, đồng thời cũng cần thời gian để các DN làm quen với các văn bản mới, vì bản thân các DN bạn hàng, cơ quan Nhà nước khi không có dấu đóng thì cảm thấy không được bảo đảm tính pháp lý", Bộ trưởng cho hay.
Trước thắc mắc DN được vẫn kinh doanh những gì mà luật không cấm vẫn phải kê khai mã ngành đăng ký kinh doanh trong hồ sơ thành lập DN, lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trước hết cần xác định là có 2 loại giấy tờ.
Luật này đã có một bước đột phá rất lớn là DN sẽ không cần ghi trong giấy phép đăng ký kinh doanh của mình những ngành nghề mà mình kinh doanh. Tuy nhiên, trong hồ sơ đăng ký thành lập DN thì phải ghi rõ thân nhân chủ DN, cũng như ngành nghề dự kiến kinh doanh ban đầu.
"Điều này là cần thiết để theo dõi quản lý DN, xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô, cung cấp thông tin cho từng loại hình DN. Mặt khác, đây là cách để Nhà nước hỗ trợ các DN khi có chính sách ưu tiên, tính toán cho DN thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Đây là điều rất thuận lợi cho DN, là trách nhiệm của cả hai bên: Nhà nước và DN", Bộ trưởng cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững