Muốn vốn chảy đến mình, doanh nghiệp phải minh bạch
Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng đã mở đầu Gateway to Viet Nam 2014 bằng phát biểu như vậy, tuy nhiên, để kết nối các dòng vốn với cơ hội đầu tư, điều đầu tiên cần có là sự minh bạch thông tin.
Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa là nguồn hàng chủ đạo của TTCK trong ngắn và trung hạn, khi mà các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam nhiều về số lượng, nhưng quy mô còn nhỏ và số doanh nghiệp đủ chuẩn để niêm yết không nhiều.
Theo Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, trong 7 tháng đầu năm chỉ có 40% số cổ phần chào bán thành công trên cả hai sàn, có trường hợp như Tổng công ty Xây dựng Hà Nội bán đầu giá 50 triệu cổ phần, nhưng chỉ bán được vỏn vẹn 1,6 triệu cổ phần, tương đương 1%. Sau IPO, Nhà nước vẫn nắm gần 99% vốn tại doanh nghiệp này.
Nhìn vào những doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa thành công từ đầu năm đến nay, có những doanh nghiệp không nổi tiếng, không có lợi thế độc quyền như dầu khí, viễn thông…, nhưng vẫn thu hút được nhà đầu tư. Sự khác biệt nằm ở nỗ lực thông tin và tiếp cận nhà đầu tư của các doanh nghiệp muốn bán vốn.
Theo ông Alan Phan, Giám đốc điều hành Alan Phan Associates (APA), lý do để nhà đầu tư lựa chọn một món hàng là họ đánh giá được giá mua tốt và có thể bán ra với giá tốt hơn trong tương lai. Để họ có thể đánh giá đúng về giá mua và đưa ra quyết định đầu tư, điều kiện tiên quyết là minh bạch.
Ông Alan dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp, tổ chức tín dụng muốn bán nợ xấu nhưng nhà đầu tư nước ngoài không có thông tin và không biết mua xong rồi sẽ ra sao nữa. Với hiện trạng này, thật khó để nhà đầu tư nước ngoài quyết định mua nợ xấu của doanh nghiệp Việt Nam.
Bình luận về việc IPO sắp tới của Vietnam Airlines, các chuyên gia cho rằng, việc thuê một tổ chức định giá nổi tiếng như Goldman Sachs là một hướng đi đúng, để doanh nghiệp này được định giá theo những chuẩn mực quốc tế và tham chiếu các thị trường tương đồng, từ đó tạo niềm tin và điểm tựa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá. Tuy nhiên, đại đa số doanh nghiệp không hoặc không thể làm theo cách của Vietnam Airlines.
Việt Nam đang trong tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước mà cụ thể nhất là lập lộ trình cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước từ nay đến năm 2015. Khối công việc này thu hút sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, mà một trong những minh chứng là sự hiện diện của hàng trăm quỹ đầu tư quốc tế tại sự kiện Gateway năm nay.
Thông điệp của Chính phủ là kiên quyết cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng những vấn đề về định giá, cơ chế bán, khả năng kết nối với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài… còn nhiều tồn tại, khiến tiến trình cổ phần hóa đang có phần chậm lại.
Sự quan tâm của các dòng vốn, nhất là dòng vốn ngoại, là không phải bàn cãi, nhưng để vốn chảy đến với doanh nghiệp, cần nhất là ý thức và nỗ lực minh bạch thông tin, giúp nhà đầu tư có căn cứ chọn lựa và quyết định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xu hướng tiêu dùng xăng E5 ngày càng giảm
Giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng cao trong 3 năm tới
AWS dự kiến đầu tư hơn 5 tỷ USD vào Thái Lan
Việt Nam SuperPort cùng đối tác hợp tác phát triển hạ tầng logistics đường sắt, nâng cao năng lực thương mại quốc tế
Bộ Công Thương dẫn đầu các bộ về phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024