Tin tức - Sự kiện

Muốn vực dậy nền kinh tế phải ổn định chính sách tài khóa

Theo ĐBQH TRẦN DU LỊCH (TP Hồ Chí Minh), trong tình hình hiện nay, muốn vực dậy nền kinh tế để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ, giải thể, phá sản thì cần phải nghĩ đến ổn định chính sách tài khóa.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế nước ta đang bị đóng băng thị trường tiền tệ và vốn. Ý kiến của ĐB về vấn đề này như thế nào?
 
- Hiện nay, tình hình kinh tế nước ta đã có chuyển biến. So với cùng kỳ năm 2012, điểm nghẽn của nền kinh tế là do nợ xấu tăng và chính sách tín dụng bị hạn chế, nhằm phục vụ cho mục tiêu kiềm chế lạm phát. Vì thế, hạn chế ngay ở cho vay bất động sản từ năm 2011. Tuy nhiên mục tiêu phục vụ kiềm chế lạm phát và nợ xấu đã làm cho tín dụng năm 2012 không di chuyển được. Từ cuối năm 2012, chúng ta đòi hỏi giảm lãi suất cho doanh nghiệp, nhưng thời điểm này công cụ lãi suất lại có tác dụng không nhiều.
 
Thực tế, có nhiều doanh nghiệp hiện nay có thể hoàn toàn vay vốn ở mức 8 - 9% nhưng họ không có nhu cầu vay. Hệ quả doanh nghiệp yếu đi nhiều, khả năng hấp thụ vốn là không có. Do vậy, để xử lý tình hình hiện nay, nếu chúng ta chỉ trông chờ ở chính sách lãi suất là không đủ. Tôi cho rằng, trong tình hình hiện nay, muốn vực dậy nền kinh tế để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ, giải thể, phá sản thì chúng ta phải nghĩ đến chính sách tài khóa. Đây là một quyết định rất khó.
 
Tôi ví dụ, liệu chúng ta có chấp nhận tăng bội chi trong tình hình hiện nay không? Nếu có, ít ra số bội chi về ngân sách để các địa phương trả nợ các dự án xây dựng cơ bản đang nợ doanh nghiệp, con số này chưa chính thức, nhưng theo tôi được biết là 90.000 tỷ hoặc hơn, nếu xử lý được, thì dòng vốn cho doanh nghiệp sẽ được gỡ, tạo sức lan tỏa.
 
Thứ hai, chúng ta có cần mạnh dạn không? Theo tôi, một số công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành 50 - 70% lại thiếu vốn, thì chúng ta phải tiếp tục đầu tư cho các công trình đó. Ví dụ như, nếu đang xây dựng dang dở, phải tiếp tục rót vốn, kèm theo đó là sự giám sát chặt chẽ của QH trong việc sử dụng đồng tiền.
 
Nợ công chúng ta đã báo động, bội chi đã lớn, nhưng áp dụng biện pháp này là một biện pháp đặc biệt, nhất là trong năm 2013, 2014, nhằm xây dựng chính sách tiền tệ phù hợp. Rõ ràng, chính sách tiền tệ hiện nay căng, nhưng dư địa không còn lớn, khi mà lãi suất giảm, nhưng số doanh nghiệp phá sản lại không giảm. Mặt khác, Chính phủ phải tập trung làm có hiệu quả hơn gói giải pháp theo Nghị quyết 02.
 
Về chính sách tài khóa, có 2 việc. Thứ nhất tôi ủng hộ việc sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, để tiến tới năm 2014 giảm xuống 22% và  đến năm 2016 xuống 20%. Tôi cho là hợp lý, vì nó tạo được niềm tin.
 
Ví dụ, ta tính năm 2016 giảm thuế thu nhập doanh nghiệåp xuống 20%, doanh nghiệp đầu tư, họ hoạt động và hưởng lợi này thì được và ngân sách cũng không thất thu nhiều lắm. Đó là lớn cái trong dài hạn. Còn ngắn hạn là quyết định khó khăn, phải chấp nhận trong 1 - 2 năm tới, trước mắt phải trả nợ nợ đọng xây dựng cơ bản từ ngân sách. Theo tôi không còn phương thuốc nào để kích cho thị trường thì kích cho tổng cầu.
 
Về các biện pháp tài khóa nhằm tăng tổng cầu, Chính phủ có nên thực hiện thêm các gói kích cầu không, thưa ĐB?
 
- Theo tôi không nên có gói gì lớn nữa. Chúng ta không làm thay thị trường, chúng ta cũng không được quá nóng ruột mà dùng những biện pháp làm méo mó thị trường. Trước hết, thị trường phải tự điều chỉnh đã, có tác động thị trường sẽ điều chỉnh. Về chính sách tiền tệ, như tôi đã nói ở trên, chính sách tiền tệ dư địa thấp, nhưng phải làm. Ví như gói kích thích 30.000 tỷ với thị trường bất động sản. Nên xem xét lại theo phương thức nuôi nợ để đòi nợ, bảo đảm đến cuối năm có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng 12%, hoặc tăng lên mức 15% mà không gây lạm phát.
 
Để xảy ra yếu kém như hiện nay về tiền tệ, thị trường vàng, liệu các ĐBQH tới đây có cần thảo luận và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý không?
 
- Chúng ta khó có thể đổi lỗi cho một bộ, ngành nào. Hiện nay vấn đề chồng chéo trong quản lý vĩ mô mà gốc vấn đề của kinh tế Việt Nam - tôi đã nói từ lâu, đó là chúng ta tái cấu trúc quá chậm dẫn đến giải quyết căn cơ, nguyên nhân bệnh chậm. Trong khi đó, chúng ta đang sửa hiện tượng chứ không phải sửa nguyên nhân. Chúng ta làm chúng ta cứ nghĩ là chữa hiện tượng là được, điều này sai. Từ năm 2008, tôi đã nêu rõ nguyên nhân. Và bây giờ là lúc tập trung chữa nguyên nhân.
 
 
Xin cảm ơn ông!
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐBND
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo