Mưu sinh với nghề nguy hiểm: Nuôi rắn độc trong nhà
Chỉ cách thủ đô Hà Nội khoảng 80 km về phía đông bắc, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc nổi tiếng với nghề nuôi rắn độc. Hằng năm, người dân ở đây lại ngậm ngùi nhìn cảnh “người tóc bạc khóc kẻ đầu xanh”.
Từ năm 1978, Vĩnh Sơn hình thành nghề nuôi rắn. Để tránh bị trộm rắn, người dân ở đây phải sắp xếp chỗ ở ngay trong phòng nuôi rắn. Trên là giường ngủ, dưới là hầm rắn.
“Nhiều đêm đang ngủ, nghe tiếng động sột soạt, tôi mở mắt rọi đèn pin thì phát hiện một con hổ mang phì đen đang cạy màn định chui vào. Nếu tôi ngủ say mà để rắn chui vào màn, thì giờ chắc không còn ngồi ở đây để kể chuyện nuôi rắn”, ông Hạ Văn Hoa, người đã nuôi rắn tròm trèm 30 năm, kể.
Không thể nhớ bao nhiêu người bị rắn cắn
Cả làng nuôi rắn, việc rắn bò từ nhà này sang nhà khác là... chuyện thường ngày ở huyện. Người dân Vĩnh Sơn lúc đi làm, đi chơi thường xuyên gặp rắn bò nghênh ngang ngoài đường. Hằng ngày, một mình ông Hoa trực tiếp chăm sóc, theo dõi, dọn dẹp cho hơn 500 con rắn hổ mang đen, hổ mang trắng.
Có lần thấy rắn bị trầy, ông Hoa bắt để kiểm tra. Vừa cầm vào cổ, con rắn lập tức quay lại đớp một nhát ngay đầu ngón tay. Biết mình đang nguy hiểm, ông Hoa nhanh chóng băng tay lại rồi kêu người nhà chở gấp đi bệnh viện. Nhưng nọc rắn đã khiến hệ thần kinh tê liệt, tay cứng đờ khiến máu không lưu thông được, thuốc kháng sinh tiêm vào lại bị đẩy ra, bệnh viện trả về.
Có bệnh thì vái tứ phương, còn nước còn tát, ông Hoa nuôi hy vọng bằng việc đông tây y kết hợp. Ròng rã suốt 3 tháng uống thuốc tây rồi đắp thuốc nam, nhưng bất lực. Cuối cùng, ông Hoa ngậm ngùi chấp nhận phải đi tháo hai khớp ngón tay.
Hôm tiếp xúc với chúng tôi, ông Hoa giơ hai tay lên chỉ vào những vết cắn chi chít, nói: “Đôi bàn tay tôi bây giờ không đếm được số lượng vết thương. Toàn bộ đều do rắn gây ra. Nhẹ thì thối thịt, nặng thì tháo khớp”.
Ông Phạm Văn Thông, một lang y chuyên chữa rắn cắn trong làng, ngậm ngùi: “Tôi không thể nhớ hết số lượng người bị rắn cắn ở làng này. Trung bình mỗi năm tôi chữa cho trên dưới cả trăm người. Không ít người dù đã tìm cách sơ cứu sau đó mới đưa đến chỗ tôi, nhưng tôi cũng đành chùi nước mắt nhìn gia đình họ khiêng xác về. Điều xót xa là đa phần người bị rắn cắn chết đều rất trẻ. Những người có tiền sử bệnh tim, phế quản, phổi khi bị rắn độc cắn thì nguy cơ mất mạng cao hơn”.
Bắt rắn như bắt giun
Tại Vĩnh Sơn dường như việc nuôi rắn và bị cắn là điều không khó hiểu. Ông Nguyễn Văn Thịnh thường xuyên chăm sóc, thậm chí ngủ chung với rắn. Một ngày ông Thịnh có thể bắt hàng trăm con rắn độc để kiểm tra và cho ăn nên việc bị cắn thật khó tránh khỏi. Một năm ông Thịnh có thể bị cắn tới vài trăm lần, mỗi lần bị cắn chỉ cần uống lá thuốc nam là khỏi. Ông có thể bắt rắn như bắt giun, bắt trạch ngoài đồng mà không chút sợ hãi.
Nhưng sau quá trình làm lâu, nhiều lần bị rắn cắn, cơ thể ông Thịnh mất dần khả năng đề kháng với nọc rắn. Năm 2013, trong lúc kiểm tra thì ông Thịnh bị một con rắn cắn vào ngón tay. Vết cắn nhỏ và sẽ không nguy hiểm đối với người bình thường, nhưng do cơ thể đã bị mất đề kháng với nọc rắn nên vết thương trở nên vô cùng nguy hiểm. Sau khi sơ cứu vết cắn, ông Thịnh được tiêm một ống thuốc chống giãn phế quản nhưng vẫn bị nghẹt thở. Biết cơ hội sống sót mong manh, gia đình nhanh chóng đưa ông Thịnh lên ô tô có sẵn để đi cấp cứu. Vì gia đình có điều kiện và quan hệ rộng nên nhờ nhiều bác sĩ của các bệnh viện nổi tiếng từ Hà Nội chạy về, dự định trên đường đi gặp bác sĩ về sẽ cấp cứu ngay dọc đường. Sau khi tới Bệnh viện Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), gia đình được bác sĩ thông báo là ông Thịnh đã chết. Trong lúc vợ con đang kêu khóc thảm thiết thì các bác sĩ vẫn nuôi hy vọng bằng việc cố gắng trích khí quản và bơm ô xy. Điều kỳ diệu đã xảy ra. Sau khi chết lâm sàng khoảng 3 phút, ông Thịnh bừng tỉnh như một phép màu. Đến giờ, người dân Vĩnh Sơn vẫn nói, chỉ gia đình có điều kiện như ông Thịnh thì mới giành được mạng từ tay thần chết khi bị rắn cắn, chứ những người nghèo chỉ có nước chết.
Trên thực tế, hầu như năm nào Vĩnh Sơn cũng có người chết vì rắn cắn. Dẫu biết nuôi rắn độc là nghề nguy hiểm nhưng người dân ở đây vẫn không thể bỏ nghề. Cha mất vì rắn cắn thì con lại tiếp tục nối nghiệp.
“Tránh trời không khỏi nắng”
Anh Nguyễn Văn Long bị tiền sử bệnh phế quản nên rất nhạy cảm với nọc rắn. Một lần chuyển rắn lên Tuyên Quang, anh bị rắn cắn phải nhập viện, tưởng chết. Từ đó, anh Long phải thuê người chăm sóc mấy trăm con rắn của gia đình. Nhưng “tránh trời không khỏi nắng”, tai họa vẫn ập đến khi anh Long vô tình bước chân qua bao rắn ở sân. Miệng bao bị tuột nên anh bị cắn vào bàn chân. Biết chồng bị dị ứng, vợ anh Long lập tức sơ cứu vết thương rồi đưa chồng tới bác sĩ trong xã, nhưng cuối cùng cũng không cứu được chồng.
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo