Tin tức - Sự kiện

Mỹ chỉ trích Trung Quốc mở rộng phi pháp trên biển Đông

Trung Quốc đang mở rộng các tiền đồn ở biển Đông nhằm “phục vụ mưu đồ hung hăng áp đặt chủ quyền trong khu vực”.

 Công trình phi pháp của Trung Quốc ở đá Gaven - Ảnh: Unanhai.com

 

Đó là cảnh báo của Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper trong buổi điều trần đặc biệt về các điểm nóng an ninh toàn cầu tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện nước này vào hôm qua. Xuất phát từ thông tin về các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN, ông Clapper cho rằng các tiền đồn nói trên có thể bao gồm các cảng và sân bay. AP dẫn lời quan chức này nhấn mạnh: “Dù đang tìm kiếm quan hệ ổn định với Mỹ, Trung Quốc ngày càng tỏ ra sẵn sàng chấp nhận căng thẳng song phương và khu vực để theo đuổi lợi ích của mình, đặc biệt trong các vấn đề chủ quyền biển”. Giám đốc Clapper còn chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên yêu sách “đường lưỡi bò” liếm gần trọn biển Đông là “quá đáng”. Ông kết luận những “hoạt động bành trướng” của Trung Quốc thời gian qua, bao gồm cả vụ cài cắm phi pháp giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) trong vùng biển VN hồi giữa năm 2014 là “khuynh hướng đáng lo ngại”.
 
Cũng tại buổi điều trần hôm qua, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain nhận định các hoạt động mở rộng phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông đã gây ra sự thay đổi đột ngột và bất thường trong khu vực, theo chuyên trang Breaking Defense. Ông McCain trưng ra nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy quá trình Trung Quốc xây đắp phi pháp tại bãi đá Gaven nằm trong quần đảo Trường Sa và cảnh báo Bắc Kinh có thể trang bị vũ khí cũng như tăng cường khả năng chống máy bay. AP dẫn lời các chuyên gia nhận định những cảnh báo của các quan chức Mỹ cấp cao như vậy cho thấy nước này đang rất quan ngại các hành động bồi đắp ở biển Đông có thể làm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước khác.
 
“Đảo lộn hiện trạng”
 
Mới đây, chuyên san quốc phòng IHS Jane's Defence Weekly đăng bài phân tích cho thấy Trung Quốc đang tăng tốc xây dựng phi pháp trên 3 bãi đá thuộc Trường Sa là Tư Nghĩa, Gaven và Gạc Ma. Trong đó, các cơ sở phi pháp mới ở Tư Nghĩa và Gaven có kiểu dáng gần giống nhau: một tòa nhà hình vuông với mỗi góc được cho là có tháp chống máy bay hoặc mái che ra đa. Điều này cho thấy Trung Quốc đang tiêu chuẩn hóa thiết kế các cơ sở chính và bành trướng mô hình này tại Trường Sa. Ngoài ra, những dự án bồi đắp phi pháp cũng đang cấp tập diễn ra tại các bãi đá khác là Chữ Thập, Châu Viên, Vành Khăn và theo tờ The Philippine Star còn có cả Én Đất.
 
Lâu nay, chính quyền Trung Quốc không chính thức thừa nhận cũng không bác bỏ về các hành động mở rộng ở Trường Sa. Tuy nhiên, trang China Military Online, được bảo trợ bởi tờ PLA Daily của quân đội Trung Quốc, ngày 26.2 bất ngờ đưa tin Bắc Kinh đang tiến hành bồi đắp, xây dựng “quy mô lớn” ở đá Châu Viên và binh sĩ Trung Quốc vừa tiến hành diễn tập tại đây trong tháng 2, theo Reuters. Hãng tin này dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây nhận định: “Công trình bồi đắp ngày càng lớn và tham vọng hơn so với những gì chúng ta nghĩ”. Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, chuyên gia Tôn Vân thuộc thuộc Trung tâm phản biện chính sách Stimson (Mỹ) nói: “Các hoạt động xây dựng nói trên về cơ bản đi ngược lại điều 5 của Tuyên bố các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC). Do vậy, ASEAN nên tập trung tìm ra giải pháp để cùng đồng thuận phản ứng hành vi mang tính làm đảo lộn hiện trạng này”.
Máy bay giám sát Mỹ tuần tra biển Đông
 
 

 Ngày 27.2, Mỹ và Philippines cùng xác nhận máy bay giám sát biển tối tân P-8A Poseidon của Mỹ đã thực hiện các chuyến tuần tra tại biển Đông xuất phát từ Philippines để thực hiện các cuộc tuần tra trên biển Đông.

 
Máy bay giám sát biển tối tân P-8A Poseidon của Mỹ - Ảnh: Reuters
 
Reuters dẫn thông báo từ hải quân Mỹ nói rõ chiếc P8-A được triển khai tới Philippines trong 3 tuần và đến ngày 21.2 đã thực hiện hơn 180 giờ bay trên biển Đông. Phát ngôn viên quân đội Philippines Restituto Padilla xác nhận P-8A được triển khai để thay thế máy bay giám sát biển P-3C Orions, vốn được vận hành từ các căn cứ Philippines theo một thỏa thuận an ninh song phương ký năm 2012.
 
Theo Reuters, đây là lần đầu tiên Mỹ thừa nhận sử dụng căn cứ từ Philippines để triển khai P-8A trên biển Đông, theo Reuters.
 
Hồi tháng 8.2014, Lầu Năm Góc loan báo một chiếc P-8A của nước này xuất phát từ Nhật Bản đã bị chiến đấu cơ Trung Quốc “quấy rối” khi đang thực hiện “sứ mệnh tuần tra thông thường” trên không phận quốc tế tại biển Đông. Theo Bloomberg, chiếc J-11 của Trung Quốc bị tố lượn lờ phía trên lẫn phía dưới và bám sát P-8, có lúc chỉ cách khoảng 6 m. Khi đó, Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes gọi hành động này là “sự khiêu khích gây quan ngại sâu sắc”. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ trích cáo buộc của Mỹ là “hoàn toàn vô căn cứ”, lập luận rằng phi công Trung Quốc “đã giữ khoảng cách an toàn”, theo Tân Hoa xã.
Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo