Quốc tế

Mỹ dậy sóng sau bước ngoặt cuộc đua vào Nhà Trắng

(DNVN) - Sau khi mở màn với cuộc bầu cử sơ bộ bất ngờ tại bang Iowa, kịch tính ở New Hampshire, vòng thứ 3 của đường đua vào Nhà Trắng năm 2016 đã đánh dấu nhiều biến chuyển lớn, định hình cho tuyến đường và vị thế của các ứng viên.

Phía đảng Cộng hòa, thất bại của ứng viên Jeb Bush tại bang South Carolina ngày 20/2 đánh dấu chấm hết cho những nỗ lực giành chiếc ghế Tổng thống. Bởi “đấu trường” South Carolina được cựu Thống đốc bang Florida đặt nhiều kỳ vọng hơn cả.

Đây là nơi chứng kiến màn thắng đậm của Bush “cha” và Bush “anh” trong 2 cuộc bầu cử trước đó. Cựu Tổng thống George W.Bush cũng đã có màn ra mặt ủng hộ em trai ngay trong tuần trước, những tưởng như vậy là đủ để bồi đắp chiến thắng đậm cho Jeb Bush.

Hy vọng càng lớn, thất vọng càng cao khiến chính trị gia 63 tuổi này tuyên bố từ bỏ cuộc đua ngay sau khi kết quả chỉ giành vỏn vẹn 8% ủng hộ tại South Carolina được công bố.

Vợ chồng ông bà Clinton ăn mừng chiến thắng tại Nevada.

Giới quan sát nhận định, nguyên nhân chủ yếu khiến Jeb Bush thất thế do giới cử tri Cộng hòa đã ngán ngẩm di sản tồi tệ mà Bush “anh” đã để lại cho nước Mỹ, bao gồm 2 cuộc chiến tranh và một cuộc khủng hoảng tài chính. Động thái “phất cờ trắng” của ông Jeb Bush cũng cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng chưa bao giờ hết bất ngờ và không kém phần khắc nghiệt.

Thực tế, South Carolina được cho là cuộc đua tam mã giữa tỷ phú Donald Trump với Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Ted Cruz. Ông trùm bất động sản Donald Trump đã thắng lớn khi giành được 30% ủng hộ, bỏ xa 2 đối thủ còn lại. Donald Trump đã chứng minh mình có thể làm nhiều hơn, thay vì chỉ khiến dư luận dậy sóng.

Chiến thắng này sẽ giúp ông khẳng định vị thế ứng cử viên số một của đảng Cộng hòa. Ngoại trừ năm 2012, kể từ năm 1980, tất cả ứng cử viên thắng tại South Carolina đều trở thành người đại diện đảng Cộng hòa để tranh cử Tổng thống.

Về phía đảng Dân chủ, ở bang Nevada, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã chiến thắng đậm trước Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Tại đây, cả bà Clinton và ông Sanders đều nỗ lực vận động sự ủng hộ từ người Mỹ gốc Phi, người gốc Latinh và gốc châu Á, vốn chiếm khoảng 50% dân số bang.

Thất bại của ông Sanders hôm 20/2 diễn ra chỉ 2 ngày sau cuộc vận động trước đám đông tại Las Vegas đêm 18/2, lúc ông Sanders bị chỉ trích cùng một lúc ở 2 điểm: Phân biệt giới tính và phân biệt màu da.

 

Mặc dù tự nhận mình là một người ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền, ông Sanders tự gây mâu thuẫn khi phát ngôn rằng bà Clinton không thể thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ, và cáo buộc bà lợi dụng những cử tri gốc Phi ủng hộ Tổng thống Barack Obama.

Điều này vô tình trao lợi thế cho bà Clinton, đồng thời trở thành một tín hiệu bất lợi lớn đối với ông Sanders ở South Carolina cũng như các bang có đông dân số da màu khác.

Thắng lợi ngày 20/2 này sẽ mở đường cho cựu Ngoại trưởng Mỹ nới rộng khoảng cách với ông Sanders do các cuộc bầu cử tại các bang tiếp theo đều được đánh giá vô cùng thuận lợi đối với bà Clinton.

Nên đọc
Thu Phương (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo