Tin tức - Sự kiện

Mỹ: Hạ viện thúc giục ông Obama cấp vũ khí sát thương cho Ukraine

Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật kêu gọi Tổng thống Barack Obama cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, bất chấp lệnh ngừng bắn mong mong tại khu vực miền Đông quốc gia này.

Với 348 phiếu thuận và 48 phiếu chống, ngày 23/3 Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật kêu gọi Tổng thống Barack Obama cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

 

 

(Ảnh Reuters)

Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Eliot Engel, thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho rằng, việc cung cấp vũ khí cho chính phủ Kiev sẽ không có nghĩa là Mỹ tham gia vào một cuộc chiến mới. Ông nhấn mạnh: "Người dân Ukrane không tìm kiếm binh lính Mỹ. Họ chỉ tìm kiếm các loại vũ khí".

 

Động thái trên diễn ra khi Nhà Trắng không sẵn sàng thực hiện bất cứ bước đi mang tính quyết định nào đối với tình hình tại Ukraine, và tiếp sau những nỗ lực của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong việc thuyết phục Tổng thống Barack Obama tuân thủ kế hoạch ngừng bắn của Ukraine trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ của bà Merkel.

 

Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã yêu cầu Quốc hội cho phép bàn giao thiết bị quân sự của Mỹ cho chính phủ Ukraine. Tính đến nay, Tổng thống Obama mới chỉ ký kết lệnh trừng phạt Nga và sắc lệnh viện trợ vũ khí phi sát thương, bất chấp không cung cấp được bằng chứng về quyết định này.

 

Quân đội Ukraine đã phát động chiến dịch tại khu vực Đông Nam quốc gia vào tháng Tư năm ngoái, sau khi hai khu vực Donetsk và Lugansk từ chối công nhận chính quyền mới của Kiev sau cuộc đảo chính hồi tháng 2/2014.

 

Theo báo cáo của Liên hợp quốc công bố hồi tháng 2, tổng cộng số người thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Ukraine đã vượt con số 5.800 người, trong đó phần lớn là dân thường, và 14.000 người khác bị thương. Sân bay Donetsk vẫn là bãi chiến trường kể từ khi diễn ra xung đột vào tháng 5 năm ngoái. Sân bay quốc tế này thường tiếp đón khoảng 5 triệu hành khách mỗi năm, còn hiện giờ là đống đổ nát.

 

Hàng ngày, khu vực Donetsk chứng kiến các vụ nã pháo trước khi thỏa thuận ngừng bắn mới nhất đạt được hôm 12/02. Dân thường bị giết hại khi đạn pháo rơi trúng nhà dân, trường học, bệnh viện và hệ thống vận tải công cộng. Lực lượng ủng hộ và chống chính phủ cũng giao tranh quanh Debaltsevo, trục đường sắt chiến lược nối các khu vực li khai Lugansk và Donetsk.

 

Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã lên tiếng kêu gọi Đức và Pháp hành động chống lại việc Kiev đi ngược lại thỏa thuận hòa bình Minsk. Theo Ngoại trưởng Lavrov, Kiev không thực sự nỗ lực cho tiến trình đối thoại với hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk.

 

Ông Lavrov cho biết thêm, EU sẽ không đáp ứng yêu cầu của Kiev trong việc điều lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine trừ khi lực lượng nổi dậy tán thành một sứ mệnh như vậy.

 

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Rossiya 1, Ngoại trưởng Nga cho hay: "Tôi tin EU vẫn đủ tỉnh táo. Trước đây, EU chỉ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình trong bối cảnh tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột đều nhất trí".

 

Nga đã ủng hộ thỏa thuận hòa bình Minsk và nhiều lần lên tiếng phản đối việc gửi vũ khí sát thương cho Ukraine.

 

Hồi cuối tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov từng tuyên bố rằng, quyết định của Washington trong việc cung cấp đạn dược và vũ khí cho Ukraine sẽ "làm nổ tung toàn bộ tình hình" tại miền Đông Ukraine và Nga sẽ buộc phải phản ứng "một cách thích hợp".

 

NM (Theo RT)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo